12:38 12/10/2012

Ngành truyền hình Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?

M.Chung

Sẽ không phát triển thêm dịch vụ truyền hình quảng bá tương tự mặt đất

 Trong giai đoạn 2012 – 2015, tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả
 tiền đạt khoảng 25 – 30%; giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng này
 đạt khoảng 10 – 15%. Đến năm 2020, doanh thu dịch vụ truyền hình trả 
tiền đạt khoảng 800 – 1.000 triệu USD.
Trong giai đoạn 2012 – 2015, tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền đạt khoảng 25 – 30%; giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng này đạt khoảng 10 – 15%. Đến năm 2020, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền đạt khoảng 800 – 1.000 triệu USD.
Trong dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lấy ý kiến, nhiều chỉ tiêu quan trọng được đặt ra đối với sự phát triển lĩnh vực truyền hình Việt Nam.

Cụ thể, trong giai đoạn 2012 – 2015, tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền đạt khoảng 25 – 30%; giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng này đạt khoảng 10 – 15%. Đến năm 2020, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền đạt khoảng 800 triệu – 1 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ quảng cáo phát thanh, truyền hình hằng năm từ 15 - 20%, đến năm 2015 đạt khoảng 600 – 700 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 800 triệu – 1 tỷ USD.

Trong mục tiêu phát triển, đến năm 2020, sẽ cung cấp ổn định khoảng 70 - 80 kênh truyền hình quảng bá, trong đó có 10 – 15 kênh thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia và 60 – 65 kênh thông tin tuyên truyền thiết yếu địa phương.

Còn với dịch vụ truyền hình trả tiền, mục tiêu đến năm 2015 sẽ phát triển khoảng 30 – 40% số hộ gia đình thu xem dịch vụ này. Đến năm 2020, tỷ lệ này là khoảng 70 – 80%.

Điểm đáng chú ý liên quan đến định hướng phát triển, là sẽ không phát triển thêm dịch vụ truyền hình quảng bá tương tự mặt đất, mà ưu tiên phát triển loại hình số mặt đất, di động mặt đất, số vệ tinh, kết hợp trên mạng viễn thông đã có sẵn phù hợp với định hướng số hóa và xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ…

Đồng thời khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tham gia phát sóng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá.

Trong định hướng phát triển dịch vụ trả tiền, truyền hình cáp sẽ phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tránh việc tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực truyền hình.

Trong đó sẽ không cấp phép mới dịch vụ truyền hình cáp sử dụng công nghệ tương tự; còn với dịch vụ truyền hình cáp truyền thống công nghệ số sẽ hình thành từ 2 - 3 doanh nghiệp và tối đa không quá 5 doanh nghiệp trên phạm vi vùng không trùng nhau về địa lý trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp truyền hình cáp đang hoạt động hoặc mua lại các hạ tầng cáp đã có sẵn.

Với dịch vụ truyền hình IPTV sẽ hình thành từ 3 - 4 doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng hạ tầng mạng viễn thông đã đầu tư; với dịch vụ truyền hình mặt đất kỹ thuật số có có tối đa 3 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và 5 doanh nghiệp trên phạm vi vùng không trùng nhau về địa lý.

Dịch vụ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh cũng chỉ hình thành tối đa 3 doanh nghiệp. Còn dịch vụ truyền hình di động bảo đảm trên thị trường hình thành tối đa 2 doanh nghiệp cung cấp.

Nội dung trong thông tư trên cũng chỉ rõ sẽ kiểm soát chặt chẽ giá thành, tăng cường công tác quản lý giá cước đối với doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, quản lý khuyến mãi đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Đồng thời có khuyến nghị và biện pháp kịp thời trong trường hợp phát hiện có cạnh tranh không lành mạnh về giá hoặc tăng giá quá mức ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng, phá giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác, gây mất ổn định thị trường.

Ngoài ra cũng sẽ kiểm soát giá thành của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản khi cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình khác.