10:40 09/06/2015

Nghị trường lên án hành vi Trung Quốc trên biển Đông

Nguyễn Lê

Tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, diễn biến phức tạp, khó lường

Đại biểu Thích Thanh Quyết nhìn nhận việc Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng.
Đại biểu Thích Thanh Quyết nhìn nhận việc Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng.
Lo ngại trước diễn biến phức tạp trên biển Đông, một số vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 8/6 đã lên án mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn thì đã xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro khi Trung Quốc đơn phương thực hiện các hành động gây nguy hại đến an toàn lãnh hải và hòa bình trên biển Đông.

Điểm lại việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đến các hành động đơn phương cấm đánh bắt cá ở biển Đông, đe dọa tàu cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam, vị đại biểu này cho rằng quan ngại nhất là thời gian gần đây Trung Quốc đã cho cải tạo nhiều đảo là những bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

“Hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc về quyền chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc đem vũ khí hạng nặng ra các bãi đá này là hành động đi xâm chiếm, cả thế giới cần phải lên án kịch liệt hành động này và yêu cầu Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác trong một kỷ nguyên hiện đại”, ông Tuấn phát biểu.

Vị đại biểu này cũng đặt vấn đề rằng, nếu nói đây là chủ quyền của mình, tại sao Trung Quốc không giải quyết vấn đề tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế. Hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, là thách thức các cường quốc khác trên thế giới, là cố tình đặt các nước vào chuyện đã rồi để Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông theo đường lưỡi bò mà tự mình vẽ ra và buộc các nước khác phải công nhận, đại biểu tiếp tục lên án.

“Tôi tin rằng cả thế giới không thể đứng ngoài cuộc, trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình, mà không tôn trọng quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Tuấn bày tỏ.

Cũng dành phần lớn thời gian 7 phút để nói về tình hình biển Đông, đại biểu Thích Thanh Quyết nhìn nhận việc Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng, là một hình thức vi phạm tiếp theo của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam.

“Trung Quốc là nơi phát tích của Nho giáo. Nho giáo lấy nhân nghĩa làm gốc. Đức nhân có nghĩa là hai quốc gia phải cùng được ứng xử ngang bằng, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, không được dùng các nước lớn ức hiếp nước nhỏ, nước mạnh ức hiếp nước yếu. Như vậy là bất nhân”, đại biểu Quyết nói.

Vị này cũng đề nghị Trung Quốc quay về với đức nhân nguyên gốc của mình để các nước trên thế giới tôn trọng, không nên áp dụng các biện pháp mang tính chất cơ mưu, như mở rộng từ từ theo kiểu tằm ăn, hoặc đánh bên ngoài để ổn định bên trong, hoặc xa thì thân, gần thì đánh...

Việt Nam và Trung Quốc có nền văn hóa, tín ngưỡng nhiều điểm tương đồng, người Trung Quốc xưa nay cho rằng nếu đi lại với đức nhân là bất nhân thì thần không dung, thánh không tha, ông Quyết phân tích thêm.

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, ở đầu kỳ họp này, khi thảo luận tại các tổ, một số vị đại biểu cho rằng, tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong khu vực. Việc Trung Quốc xây dựng các công trình kiên cố trên biển đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.