15:35 19/01/2023

Người Chơro trồng rừng bền vững: Đoạn tuyệt kiếp đói nghèo

Quảng Tuệ

Trước khi rời bỏ buôn làng để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Trị An, di dời vào xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, 100 hộ dân người Chơro đã trải qua 3 thập kỷ đói nghèo cơ cực. Nhưng giờ đây, bà con đã có cuộc sống ổn định khấm khá, nhờ trồng rừng theo mô hình bền vững đạt chứng chỉ FSC…

Cổng chào Nông thôn mới xã Thanh Sơn, huyện Định Quán
Cổng chào Nông thôn mới xã Thanh Sơn, huyện Định Quán

Đoàn điền dã chúng tôi đến cổng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, bắt đầu từ đây là hành trình đi trong rừng, theo lối mòn đầy rẫy những ổ voi, đường sống trâu. Lần đầu tiên, chúng tôi lâm vào tình thế mù đường mất kết nối với thế giới.

Cứ đi, rồi hỏi lối trên con đường gập ghềnh uốn lượn quanh hồ rộng lớn hút tầm mắt bên rừng già. May mắn sau 3 giờ mò mẫm, chúng tôi cũng thoát ra khỏi khu rừng nguyên sinh và đến những khu rừng trồng rồi gặp được xe lãnh đạo lâm trường.

Theo chân các cán bộ Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, chúng tôi có mặt tại tổ 5, ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai để được nhìn thấy những cánh rừng được trồng tuyệt đẹp.

NHỜ TRỒNG RỪNG KHÔNG CÒN LO MIẾNG ĂN

Trong ngôi nhà cũ kỹ đơn sơ, bà Điểu Thị Út Lan, cho biết xưa kia ấp của bà nằm ở nơi bây giờ đã trở thành lòng hồ Trị An. Vào năm 1988, khi công trình hồ thủy lợi Trị An được xây dựng, lòng hồ mở rộng nhấn chìm nhiều xóm ấp, bà Út Lan cùng những hộ dân người Chơro cùng ấp phải di dời đến nơi ở mới. 

Hồ Trị An được khởi công vào năm 1984 và hoàn thành đầu năm 1987, nhằm trữ nước để cung cấp cho nhà máy thủy điện Trị An.  Đây là một hồ có diện tích đặc biệt lớn, trải rộng ở nhiều huyện của tỉnh Đồng Nai như: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom. Hồ có dung tích toàn phần 2,765 tỷ m3 và diện tích mặt hồ 323 km2.

“Cả ấp chúng tôi di dời đến đây vào năm 1988, cách nơi ở cũ khoảng 50 km. Cùng di dời ở riêng khu này có 38 hộ,  sau đó bà con thấy đây là nơi đất lành chim đậu, nên họ vào đây nhiều hơn. Đến nay toàn ấp có 120 hộ gia đình với hơn 300 nhân khẩu, trong đó 90% là người Chơro ”, bà Út Lan cho hay.

Bà Điểu Thị Út Lan
Bà Điểu Thị Út Lan

Theo bà Út Lan, những năm đầu đến nơi tái định cư, cuộc sống vô cùng gian nan khó nhọc, nghèo đói đeo đẳng. Bà con khai hoang trồng sắn, trồng bắp nhưng mùa thì ngập, mùa thì hạn không làm được thường xuyên. Bắp và sắn thu hoạch từ làm nương không đủ ăn.

“Nhưng từ khi Công ty Lâm nghiệp La Ngà thuê người dân ở đây trồng và chăm sóc rừng, thì cái nghèo mới dần được xua đuổi. Làng thu hút nhiều gia đình di dời vào đây lập nghiệp, ước tính số hộ dân đã tăng lên gấp bốn lần so với thời gian đầu. Đây cũng là niềm phấn khởi cho người dân đồng bào Chơro nói chung”, bà Lan chia sẻ.

 

“Nếu tính theo ngày công lao động thì mỗi người dân tham gia trồng rừng được trả khoảng 250 nghìn đồng/ngày công. Mỗi năm, bình quân mỗi người dân tham gia khoảng 130 ngày công, như vậy thu nhập cũng được trên 30 triệu đồng/người”. 

Bà Điểu Thị Út Lan, Trưởng ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. 

Năm nay bà Điểu Thị Út Lan 58 tuổi, nhưng đã có thâm niên 9 năm làm già làng (trưởng ấp) trong cộng đồng người Chơro. Bà Út Lan cho hay: Sau khi đại diện ký hợp đồng với công ty khoán trồng 70 ha rừng, bà Lan phân chia đầu việc cho bà con trong làng để ai cũng có công ăn việc làm lo toan cơm áo.

"Mỗi ha công trồng rừng, người dân được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà trả 5 triệu đồng và 1,7 triệu đồng/ha công chăm sóc, bảo vệ rừng. Cứ mỗi năm người dân sẽ thực hiện hai đợt chăm sóc, bảo vệ rừng", Già làng Út Lan chia sẻ.

Nhờ việc trồng và bảo vệ rừng, cộng với thói quen sống tiết kiệm, không ít hộ dân biết cách tích lũy, mua thêm bò, heo để nuôi, cải thiện cuộc sống qua ngày. Tính đến nay, làng có 20 hộ dân thoát nghèo từ làm rừng, trong ấp chỉ còn còn lại 7 hộ nghèo.

Trong nhà bà Lan có rất nhiều bằng khen công nhận đóng góp, thành tích của bà trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ rừng, giúp nâng cao ý thức cho người dân nơi đây. Bà kể mình đã từng được mời đi Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, Nam Bộ, đại diện tiếng nói cho đồng bào dân tộc, hội nông dân tỉnh…

“Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người phụ nữ dân tộc có thể được đi nhiều nơi như vậy, đây là niềm vinh hạnh lớn của đời tôi. Chính vì vậy, tôi muốn giúp bà con hiểu rõ hơn giá trị của rừng, sự rộng lượng của mẹ thiên nhiên và thực hiện công tác tuyên truyền thật tốt đến người dân”, bà tâm sự.

KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU LÀM RỪNG BỀN VỮNG

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, cho biết hiện công ty đang quản lý, chăm sóc và bảo vệ khoảng 170.000 ha rừng, trong đó rừng trồng sản xuất chủ yếu là keo đang cho khai thác với tổng diện tích khoảng 5.900 ha. Hiện sản lượng gỗ khai thác của La Ngà trung bình mỗi năm đạt khoảng 30.000 m3, tương đương 200 – 300 ha, toàn bộ đều là gỗ keo thuộc rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ FSC.

 

"Mỗi năm Công ty sử dụng 500-700 lao động là người dân địa phương tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Công ty La Ngà đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng thôn/ấp để hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc". 

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà.

Cũng theo ông Cường, nhờ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân địa phương, trong những năm qua công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng của La Ngà được thực hiện tốt, được cấp Chứng chỉ rừng FSC (quản lý rừng bền vững).

Để có được chứng nhận FSC, Công ty Lâm nghiệp La Ngà đã dựa trên 10 nguyên tắc, 70 tiêu chí và 206 chỉ số. Đồng thời, phải đảm bảo việc thu hoạch các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ trong khi vẫn duy trì và phát triển được tính đa dạng sinh học và năng suất; giúp người dân địa phương và toàn xã hội được hưởng lợi ích lâu dài từ rừng; giảm thiểu lãng phí các nguồn tài nguyên từ rừng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường trong một cánh rừng trồng tai xã Thanh Sơn
Ông Nguyễn Mạnh Cường trong một cánh rừng trồng tai xã Thanh Sơn

Không chỉ vậy, người dân tại đây còn được hưởng lợi từ các loại lâm sản ngoại gỗ như: Củi, các loại nấm, cây dược liệu, măng rừng, tre nứa,... từ đó giúp tăng thêm thu nhập cho người dân. Đồng thời, với các diện tích rừng của Công ty Lâm nghiệp La Ngà giúp hạn chế xói mòn đất, chống suy thoái tài nguyên nước; bảo vệ môi trường sinh thái, tạo vùng đệm cho Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Từ đó góp phần bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ diệt chủng.

GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ

Bà Trần Thị Mỹ Phúc - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, cho biết xã Thanh Sơn được thành lập vào năm 1994 với diện tích tự nhiên khoảng 316km2. Xã Thanh Sơn được xem như một "ốc đảo", ngăn cách với các địa phương khác bởi hệ thống sông Đồng Nai.

Trước đây, người dân xã Thanh Sơn muốn đi ra bên ngoài xã thì bắt buộc phải đi phà ngang sang sông. Đến năm 2020, cây cầu Thanh Sơn nối liền xã Thanh Sơn với xã Ngọc Định (huyện Định Quán) đã được xây dựng và khánh thành, đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Nhà văn hóa của người Chơ Ro ở Định Quán
Nhà văn hóa của người Chơ Ro ở Định Quán

Theo bà Phúc, xã Thanh Sơn và xã Phú Túc là hai xã thuộc vùng sâu vùng xa nhất của huyện Định Quán, gần như 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, với các dân tộc chủ yếu: Khmer, Chơro, Châu Mạ, Dao, Tày, Nùng… Tại xã Thanh Sơn, bà con vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa với nhiều phong tục cổ truyền.

Trong đó, nổi bật là tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer; tục gửi con, gửi họ và lễ cấp sắc của người Dao… Người dân tộc Chơro tại đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa tiêu biểu như: lễ hội Sayangva (cúng thần lúa), Sayangbri (cúng thần rừng)…

Vì vậy đã duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thanh Sơn nói riêng, huyện Định Quán nói chung. Những năm qua, huyện Định Quán đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc. Trong giai đoạn 2015 – 2020 đã đầu tư xây một nhà văn hóa của đồng bào Chơro và một nhà Văn hóa dân tộc Châu Mạ. Hiện UBND huyện đã tiếp tục xin chủ trương xây dựng nhà văn hóa dân tộc Tày – Nùng tại xã Thanh Sơn.

“Từ ngày có Nhà văn hóa dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất vui mừng, phấn khởi. Việc tổ chức lễ hội cũng như tập luyện cồng chiêng được thuận lợi hơn. Bà con có nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa, văn nghệ”, bà Trần Thị Mỹ Phúc nhấn mạnh. 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Người Chơro trồng rừng bền vững: Đoạn tuyệt kiếp đói nghèo  - Ảnh 1