11:29 31/07/2008

Người nghèo khó với tới vốn

Phan Dương

“Người nghèo thường không dễ có cơ hội tham gia vào thị trường tài chính sôi động khi gia nhập WTO”

Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là hai đơn vị ưu tiên cấp tín dụng cho các chương trình giảm nghèo.
Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là hai đơn vị ưu tiên cấp tín dụng cho các chương trình giảm nghèo.
“Người nghèo thường không dễ có cơ hội tham gia vào thị trường tài chính sôi động khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”.

Đây là nhận định được đưa ra trong hội thảo “WTO và những ảnh hưởng có thể đến tiếp cận dịch vụ tín dụng của người nghèo ở nông thôn” do ActionAid Việt Nam (AAV) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Khách hàng vay nhiều rủi ro

Việc cổ phần hóa ngân hàng thương mại của Nhà nước có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xã hội của các ngân hàng này và gạt bỏ những khách hàng không sinh lợi như người nghèo.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), dịch vụ tài chính chính thức chiếm 90% thị phần tài chính nông thôn. Cả nước có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, 40 ngân hàng thương mại cổ phần, hơn 920 quỹ tín dụng nhân dân, 70 hợp tác xã tín dụng.

Tuy nhiên, mới chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) là ưu tiên cho các chương trình giảm nghèo. Các ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa có nhiều kênh dịch vụ tại nông thôn mà chủ yếu tập trung ở thành thị với lãi suất thương mại, cạnh tranh.

Về vấn đề trên, ông Phan Cử Nhân, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế - VBSP cho biết: Chi phí hoạt động tín dụng cho người nghèo ở nông thôn khá cao, nhưng lãi suất cho vay thấp. VBSP có phương pháp tiếp cận khá đặc biệt. Khi các xã, phường cách phòng giao dịch quận, huyện với bán kính 3 km trở lên, thì cán bộ ngân hàng phải đến tận các xã, phường để giải ngân.

Mô hình huy động và cho vay vốn của VBSP gồm 9 công đoạn, trong đó các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào 6 còn ngân hàng chỉ làm 3 công đoạn là cho vay, quản lý và thu hồi nợ. Đến nay VBSP đã có dư nợ cho vay hộ nghèo 26.533 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng dư nợ với khoảng 4 triệu hộ nghèo được vay.

Cần nâng cao năng lực tài chính vi mô

Trong bối cảnh này, hoạt động tài chính vi mô ở khu vực phi chính thức và quy mô nhỏ có tính sáng tạo và xã hội vẫn là hình thức quan trọng cho sự phát triển của dịch vụ tài chính và có thể đóng góp hiệu quả cho giảm nghèo.

Ông Tạ Văn Tuấn, Điều phối viên dự án AAV phân tích: tài chính vi mô có hệ thống mạng lưới rộng, thâm nhập nhiều hơn vào các khu vực khó khăn mà các ngân hàng thương mại không vươn tới được. Sản phẩm của tổ chức tài chính vi mô cũng khá đặc biệt, phù hợp với người nghèo, được học tập nhiều kinh nghiệm của quốc tế.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng cho rằng trước diễn biến của thị trường tiền tệ hiện nay, các tổ chức tài chính vi mô đang gặp khó khăn trong huy động tiết kiệm, chỉ huy động được từ chính các đối tượng vay vốn, còn nhóm có khả năng tiết kiệm cao hơn thường gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại .

Khung pháp lý về huy động tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô còn thiếu, chưa tạo được niềm tin vào sự bảo đảm hoạt động dài hạn. Vì thế, đôi khi khách hàng tin tưởng nhiều hơn vào các ngân hàng thương mại và họ mang tiền gửi vào đó.

Hơn nữa, Nghị định 165/2007/CP của Chính phủ quy định các tổ chức tài chính vi mô phải có vốn pháp định là 5 tỷ. Nếu không đạt được vốn pháp định này, các tổ chức tài chính vi mô không được huy động tiết kiệm quá một nửa vốn tự có. Các tổ chức tài chính vi mô hiện nay đa số còn non trẻ và các tổ chức có số vốn pháp định từ 5 tỷ đồng trở lên là không nhiều.

Điều này đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của tổ chức tài chính vi mô.

Để tự tháo gỡ khó khăn, các tổ chức tài chính vi mô phải tìm cách sáp nhập lại với nhau để đạt được vốn pháp định đủ tham gia huy động tiết kiệm và duy trì phát triển quỹ.

Theo GS.TS Hà Hoàng Hợp, để đẩy mạnh tín dụng cho người nghèo ở nông thôn, cần thực hiện các giải pháp: đổi mới chính sách quốc gia cho tài chính vi mô ; kết hợp với chính sách giảm nghèo; cân bằng cho vay thương mại và ưu đãi cho người nghèo; tín dụng vi mô phải kèm theo bảo hiểm vi mô.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo hơn là ưu đãi, đồng thời phải cho phép các tổ chức tài chính vi mô  phi chính thức tiếp cận nguồn vốn từ các kênh tài chính nước ngoài.

Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của các định chế tài chính. Với những cam kết WTO, sẽ cùng lúc có những cơ hội tích cực và ảnh hưởng bất lợi đến việc tiếp cận các dịch vụ tài chính và tín dụng ở nông thôn.

Người nghèo có lẽ chỉ là những người hưởng lợi ít ỏi của sự phát triển nhanh chóng nhưng họ lại luôn phải chịu những hậu quả nặng nề của sự đổ bể.