Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua lần đầu tiên đã bổ sung thêm chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, thay vì chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất như luật hiện hành…
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội có nội dung: Bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua khảo sát, tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.
Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo hiểm xã hội còn thiếu hấp dẫn, vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn. Mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng còn rất thấp.
Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Do đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao gồm cả lao động nữ và lao động nam, khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện là đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp thai sản.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.
Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.
Người vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Còn với trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Đồng thời, mức trợ cấp 2 triệu đồng cũng áp dụng cho trường hợp mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Riêng lao động nữ là người dân tộc thiểu số, hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách nhà nước bảo đảm. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Cũng để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, Luật mới thông qua cũng mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia.
Một trong những yêu cầu cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định “Mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã thể chế cơ bản Nghị quyết số 28/NQ-TW, quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm gồm:
(i) Chủ hộ kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
(ii) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
(iii) Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
(iv) Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...
Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Việc bổ sung quy định trên đảm bảo phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động 2019. Đồng thời, bảo đảm gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia, góp phần gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội.