Người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết tiết kiệm, thiết thực
Theo dự báo từ Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, doanh thu từ các sản phẩm nội địa có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng và sự chuẩn bị chu đáo từ các doanh nghiệp…
Số liệu từ Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn. Vì vậy, thời điểm này các nhà sản xuất và nhà phân phối cũng đã nắm bắt và đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán giản đơn hơn, tiện lợi hơn.
Ông Mohammad – Mudasser, Giám đốc dịch vụ Quản lý vốn lưu động Công ty PwC Việt Nam, cho biết: "Người tiêu dùng đang ưu tiên các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hơn là các mặt hàng xa xỉ, với 63% người được khảo sát cho biết họ đang chú ý nhiều hơn đến giá cả so với năm ngoái. Vì vậy, đối với doanh nghiệp họ cần cung cấp nhiều biến thể sản phẩm với mức giá khác nhau có thể thu hút nhiều khách hàng hơn".
Tương tự, từng tổ chức nhiều cuộc khảo sát về xu hướng tiêu dùng của người Việt, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, xu hướng mua sắm Tết thay đổi rõ rệt. Người tiêu dùng không còn xem trọng việc ăn uống, sắm sanh dịp Tết, mà dành khoảng thời gian này cho các hoạt động gia đình, cá nhân thay vì tụ họp đông đúc.
Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Nhiều người cho biết khi nghe nhắc đến tết là thấy mệt. Họ muốn ăn tết thật đơn giản, ý nghĩa. Đây là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ bánh kẹo, đồ giải khát, thực phẩm dự trữ… trong dịp tết giảm”.
Với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất hàng cũng đã và đang thay đổi chiến lược. Trước đây, cách Tết 2 - 3 tháng, họ tập trung sản xuất nhiều hàng. Vài năm qua, họ giảm quan tâm về sản lượng mà tập trung làm ra các sản phẩm mới và rất chú trọng đến yếu tố “độc, lạ”, tiện lợi, giá thấp để thu hút khách hàng. Năm nay, nhiều nhà sản xuất chọn làm các sản phẩm theo trào lưu như: kẹo 4 vị, lẩu được chế biến sẵn, bánh pizza nhập khẩu hay gratin (cơm, nui, mì phô mai đút lò được chế biến sẵn)...
Chuỗi siêu thị bán lẻ thực phẩm của Central Retail Việt Nam gồm: GO!, Big C, Tops Market hiện đã triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt hấp dẫn. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam cho biết, sức mua những ngày qua đã và đang nhích dần lên từng ngày, đặc biệt là những ngày cuối tuần.
Central Retail dự kiến tăng 10% sản lượng thực phẩm tươi sống dịp Tết năm nay so với năm ngoái, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, Central Retail hợp tác với các nhà cung cấp để giao hàng xuyên Tết, đảm bảo nguồn cung trước và sau Tết, kể cả thực phẩm tươi sống.
Tại hệ 800 điểm bán trên toàn quốc bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile…, từ 19/12 – 1/1/2025, cũng có ưu đãi giá tốt cho các mặt hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe, được chế biến sẵn nhằm phục vụ cho các bữa tiệc tất niên, chào năm mới. Trong dịp này Saigon Co.op triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: “Tân niên phú quý – Mua sắm như ý”, giảm 30% - 40% cho hạt các loại, mứt, trái cây sấy, bánh kẹo, rượu bia, yến sào... hay “Hôm nay thứ mấy – Giảm giá từng ấy” - giảm 20%-40% theo ngày trong tuần cho thực phẩm tươi sống.
Hệ thống WinMart/WinMart+/WiN trên toàn quốc cũng tiếp tục tri ân khách hàng với các chương trình ưu đãi kích cầu như: chương trình Hội viên WiN tiết kiệm 20% cho sản phẩm WinEco và MEATDeli; Tuần lễ Thương hiệu hợp tác với nhãn hàng Neptune ưu đãi tới 18%; Tuần lễ Thương hiệu OMO ưu đãi lên tới 33%; khuyến mại giá sốc mua 1 tặng 1, giảm giá trực tiếp tới 50% trong chương trình khuyến mại Tết.
Bên cạnh đó, đề cao yếu tố tiện lợi, dự đoán doanh số bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết do Metric thực hiện mới đây cho thấy, trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử là thực phẩm đồ uống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh kẹo, đồ uống không cồn. Ngoài ra, các sản phẩm làm đẹp, thời trang và bộ quà tặng Tết được dự báo cũng sẽ tăng trưởng.
Người tiêu dùng cũng có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn bằng cách chủ động mua sắm Tết sớm, tìm kiếm khuyến mãi gần Tết. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe cũng sẽ được ưu tiên. Để thu hút người tiêu dùng dịp Tết, các nhà bán hàng trên mạng được khuyến cáo đẩy mạnh ngân sách chạy quảng cáo cao hơn 10 - 30% so với ngày thường. Trước đó, trong dịp Tết năm 2024, tổng doanh số trên các bán lẻ trực tuyến chiếm 4,6% tổng doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam, tăng hơn 100% so với năm 2023.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, hàng hóa tết trên địa bàn dồi dào, giá tốt do các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã có kế hoạch chuẩn bị sớm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. “Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường của TP.HCM đã dành hơn 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị hàng tết, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu”, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết.
Ngoài ra, theo các nhà bán lẻ, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, họ sẽ thực hiện nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... vào những ngày cận Tết. Riêng về việc mở cửa siêu thị, theo thống kê của Sở Công Thương, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên Tết.
Nói về các chương trình khuyến mại lớn nhằm kích cầu mua sắm trong những tháng cuối năm, ngoài các chương trình sát Tết Nguyên đán, ngay từ đầu tháng 12 Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình khuyến mại tập trung quốc gia kéo dài trong suốt tháng 12. Điểm đáng lưu ý của chương trình là doanh nghiệp có thể xây dựng và thực hiện chương trình khuyến mại lên tới 100%, thay cho việc bị giới hạn ở mức 50%. Hoạt động khuyến mại sẽ được tổ chức kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử giúp tạo hiệu ứng lan tỏa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực để khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt. Mục tiêu nhằm nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.