09:39 02/03/2023

Người tiêu dùng Nga liệu có ủng hộ thương hiệu thời Xô viết?

Tuệ Mỹ

Sau hơn một thập kỷ Tây hóa - khi các nhãn hiệu nước ngoài ào ạt đổ vào Nga và lớp thanh niên đua nhau mặc đồ của Valentino hay Louis Vuitton, thì làn sóng "trở lại thời Liên Xô" trong tiêu dùng là một bước đi logic, các nhà quan sát xã hội của nước này bình luận…

Ảnh: Russia Beyond
Ảnh: Russia Beyond

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều hãng lớn của phương Tây đã tuyên bố rút khỏi thị trường Nga, đồng thời tạm dừng đầu tư và nhập khẩu. Theo các nhà kinh tế từ Đại học St. Gallen của Thụy Sĩ, hơn 1.400 công ty đã quyết định rời khỏi Nga trong năm 2022, bao gồm các nhà sản xuất điện tử, nhà bán lẻ, nhà sản xuất ô tô, thương hiệu quần áo và thực phẩm, khách sạn, ngân hàng và chuỗi nhà hàng. Xu hướng này vì thế đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.

NHỮNG THƯƠNG HIỆU TRONG KÝ ỨC

Các nhà phân tích cho rằng tình hình hiện tại mang đến cơ hội tăng trưởng tốt cho các nhà sản xuất Nga. Đầu tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự rời bỏ của các thương hiệu phương Tây đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất trong nước nhận được những cơ hội đặc biệt để phát triển và giờ đây họ phải tận dụng những cơ hội đó. Và một trong các giải pháp được nhà chức trách cho triển khai là khôi phục các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng thời Liên Xô cũ, với hy vọng những ký ức tốt đẹp trong người dân sẽ được khơi gợi và chuyển biến thành hành động tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Theo tờ The Standard, tại thành phố Perm ở Nga, một nhà máy xe đạp đã tái khởi động việc sản xuất xe đạp nhãn hiệu Kama. Những chiếc xe đạp Kama màu đỏ, có thể gấp lại được từng là sản phẩm nổi tiếng của Liên Xô từ những năm 1970 - 1990. Theo đại diện nhà máy, khoảng 3.000 chiếc xe Kama sẽ được sản xuất trong năm nay. Chiếc xe đạp Kama sẽ có cải tiến so với mẫu xe thời Liên Xô cũ. Khâu hàn và sơn xe sẽ được làm tại châu Á, trong đó có Trung Quốc. Xe sẽ được bán tại Nga và Belarus. Giá tối đa là 12.700 Ruble (hơn 4 triệu đồng).

Sau khi hãng sản xuất ô tô Pháp Renault rút khỏi Nga, nước Nga đang bắt đầu khởi động lại nhà máy sản xuất ô tô Moskvich với các loại ô tô khá nổi tiếng một thời ở Liên Xô và các nước XHCN. Sự hồi sinh của hãng này, cùng với sự hợp tác từ Trung Quốc có thể bắt đầu cho ra các sản phẩm hoàn toàn sản xuất trong nước. Mẫu xe Moskvich chạy bằng dầu diesel mới có giá từ 1,97 triệu Ruble (khoảng 634 triệu đồng), trong khi mẫu xe điện có giá 3,5 triệu Ruble (hơn 1,1 tỷ đồng). Xe ô tô Moskvich là thương hiệu lớn thời Liên Xô cũ cho tới những năm 1990.

Những chiếc xe đạp Kama màu đỏ, từng nổi tiếng những năm 1970 - 1990, đã trở lại trên đường phố Nga.
Những chiếc xe đạp Kama màu đỏ, từng nổi tiếng những năm 1970 - 1990, đã trở lại trên đường phố Nga.

Còn với nhãn hiệu Lada - một biểu tượng của sự tự cường thời Liên Xô, bên cạnh việc hưởng lợi từ việc không có sự cạnh tranh của nước ngoài, họ cũng cho biết sẽ thiết kế các mẫu Lada mới để ít phụ thuộc hơn vào phụ tùng nhập khẩu. Chị Natalia, chủ một công ty hậu cần ở Moscow cho biết các nhà sản xuất Nga đã cố gắng bù đắp sự thiếu hụt nguyên vật liệu bằng cách chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường ở châu Á. Đặc biệt, sản xuất sẽ không dừng lại đối với giày dép, quần áo, xúc xích và Nga sẽ quay trở lại nền sản xuất tự cung tự cấp như những năm 60, 70, 80.

Trong bối cảnh vắng bóng các thương hiệu phương Tây, việc các doanh nghiệp Nga tận dụng hình ảnh của các thương hiệu nổi tiếng trong quá khứ có thể coi là một sự lựa chọn không tồi. Điều này sẽ giúp họ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhanh hơn, và khơi gợi tâm lý hoài cổ trong nhóm người lớn tuổi. Trả lời phỏng vấn AP, bà Tatyana, một người dân Moscow cho biết: “Tôi đã lớn lên cùng với các thương hiệu dưới thời Xô viết. Chúng tôi đã từng chạy xe đạp Kama. Tôi cảm thấy rất vui và ủng hộ các nhà sản xuất”.

VẪN CÒN MỘT CHẶNG ĐƯỜNG DÀI

Theo AP News, kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu NielsenIQ gần đây cho thấy, gần một nửa số người Nga đã tìm được các sản phẩm thay thế trong nước cho các sản phẩm nước ngoài không có sẵn, do lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.

 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra trong năm qua, 47% người Nga đã chuyển hoàn toàn sang các thương hiệu sản xuất trong nước hoặc bắt đầu mua sản phẩm sản xuất nội địa thường xuyên hơn.

Khoảng 1/3 người được hỏi trả lời không thay đổi sở thích và tiếp tục mua những nhãn hiệu mà họ đã từng sử dụng trước năm 2022, trong khi 17% chuyển sang các thương hiệu nước ngoài mới.

Đưa ra lý do vì sao chuyển sang sử dụng các hàng hóa trong nước, hơn một nửa trong số người tiêu dùng được hỏi cho biết họ làm vậy để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, trong khi 20% cho biết họ không thể tìm được các sản phẩm tương tự nước ngoài với mức giá hợp lý. 10% khác nói rằng họ không thể tìm thấy hàng hóa nước ngoài phù hợp với chất lượng và đặc điểm mà họ đánh giá cao, nhưng lại thấy chúng có trong các sản phẩm của Nga.

Dẫu vậy, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng khôi phục các thương hiệu thời Xô viết và cho rằng việc xây dựng các thương hiệu mới sẽ hiệu quả hơn là làm sống lại những thương hiệu đã từng thất bại trong quá khứ. Chuyên gia kinh tế Dmitry Potapenko cũng cho rằng, mặc dù các kết quả khảo sát cho thấy thái độ tích cực của người dân, đó mới chỉ là biểu hiện của tâm lý hoài cổ, chứ không phải là sự sẵn sàng ủng hộ bằng hành động tiêu dùng thực tế. Ngay cả khi các sản phẩm mang thương hiệu truyền thống có thể khơi gợi ký ức của một số người, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt để thu hút người tiêu dùng Nga.

Nga đang bắt đầu khởi động lại nhà máy sản xuất ô tô Moskvich với các loại ô tô khá nổi tiếng một thời ở Liên Xô.
Nga đang bắt đầu khởi động lại nhà máy sản xuất ô tô Moskvich với các loại ô tô khá nổi tiếng một thời ở Liên Xô.

Các số liệu thống kê mới được cơ quan phân tích Autostat của Nga công bố cho thấy, thị trường hiện vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với những chiếc Moskvich mới. Cụ thể, trong tháng 12/2022, chỉ có 6 chiếc Moskvich chạy dầu diesel được bán ra. Con số này tăng lên 29 xe trong tháng 1/2023. Đối với ô tô điện, tính đến nay mới chỉ có 5 xe được bán. Sự ảm đạm về doanh số diễn ra trong bối cảnh thị trường ô tô Nga dù yếu đi vì khó khăn kinh tế nhưng vẫn đang rất khát nguồn xe chất lượng cao.

Theo Reuters, người tiêu dùng Nga vẫn sẽ ưu tiên một chiếc xe cũ do phương Tây sản xuất hơn so với các sản phẩm nội địa hay xe Trung Quốc. Đây được coi là tín hiệu không mấy khả quan cho ngành sản xuất Nga, bởi nó cho thấy ngay cả khi các sản phẩm phương Tây đã dần vắng bóng, khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà của các thương hiệu nội địa, dù là “vang bóng một thời”, cũng chưa được cải thiện hơn là bao. Đây sẽ là thách thức lớn mà các nhà sản xuất của Nga cần phải vượt qua, nếu không muốn một lần nữa thất bại như những thương hiệu thời Xô viết.