09:08 27/11/2023

Nguồn cung tăng, “trợ thủ đắc lực” trong cuộc chiến chống lạm phát

An Huy

Khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào đầu tháng 11 này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu về một sự dịch chuyển quan trọng. Ông Powell nói Fed không còn nhất thiết phải lo ngại về việc tốc độ tăng trưởng mạnh của nền kinh tế dẫn tới sức ép tăng giá...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Lý do ở đây là giới hạn tốc độ của nền kinh tế Mỹ, thường được gọi là mức tăng trưởng tiềm năng ngắn hạn (potential growth), dường như như đã tạm thời tăng lên nhờ các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được giải toả, số người tham gia lực lượng lao động tăng lên, năng suất lao động cũng tăng.

Dựa trên cơ sở này, ông Powell trấn an mối lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm 4,9% của Mỹ trong quý 3 vừa qua sẽ dẫn tới sự gia tăng của áp lực tăng giá. Giới chuyên gia và cả các nhà hoạch định chính sách trong Fed đều cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc trong quý 4 này, nhưng vẫn có được sự tăng trưởng lành mạnh. Cùng với đó, lạm phát và tăng trưởng tiền lương đang tiếp tục chậm lại.

Trong các mô hình mà hầu hết các nhà kinh tế học (bao gồm cả các chuyên gia của Fed) sử dụng, khi tốc độ của nền kinh tế Mỹ liên tục vượt qua mức tăng trưởng xu hướng dài hạn (trend growth) là khoảng 2%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống và sức ép lạm phát tăng lên. Còn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống dưới 2%, điều ngược lại sẽ xảy ra: thất nghiệp tăng và áp lực lạm phát giảm.

TĂNG TRƯỞNG TIỀM NĂNG VÀ TĂNG TRƯỞNG XU HƯỚNG

Cho tới trước tháng 11, ông Powell luôn nói rằng một thời kỳ “tăng trưởng dưới xu hướng” là điều cần thiết để kéo lạm phát xuống. Nhưng dù tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã duy trì trên mức xu hướng 2% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn tăng lên và lạm phát lõi giảm xuống mức 2,8% hàng năm trong kỳ 6 tháng kết thúc vào cuối tháng 9, từ mức 4,5% trong 6 tháng trước đó.

Tại cuộc họp báo ngày 1/11/2023, ông Powell đã thay đổi lập trường, nói rằng nền kinh tế Mỹ giờ đây cần tăng trưởng “dưới mức tiềm năng”. Theo tờ Wall Street Journal, đây là một thay đổi tưởng chừng rất nhỏ và khó nhận thấy, nhưng lại bao hàm khác biệt lớn giữa “tốc độ tăng trưởng xu hướng dài hạn” và “tốc độ tăng trưởng tiềm năng ngắn hạn”. Mức tăng trưởng tiềm năng ngắn hạn có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với mức tăng trưởng xu hướng dài hạn, tuỳ thuộc vào nguồn cung lao động và năng suất lao động.

Quan điểm của ông Powell là trong dài hạn, nền kinh tế Mỹ sẽ giữ được mức tăng trưởng khoảng 2% - tức là mức xu hướng. Nhưng sự gia tăng của cả số người nhập cư vào Mỹ và số người tham gia lực lượng lao động ở nước này, cộng thêm các nút thắt cổ chai được giải toả trong chuỗi cung ứng, đã đẩy cao giới hạn tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn của nền kinh tế - theo nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.

Mức tăng trưởng tiềm năng đang tạm thời “tăng lên trong 1-2 năm ở thời điểm này so với mức xu hướng dài hạn, điều này đồng nghĩa nền kinh tế có thể tăng trưởng ở ngưỡng 2% trong năm nay nhưng mức tăng đó vẫn là thấp hơn so với mức tiềm năng”, ông Powell nói. Nhận định này của Chủ tịch Fed là cơ sở để lý giải kỳ vọng bấy lâu của giới chức Fed rằng lạm phát có thể giảm mà không dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt như trong cuộc chiến chống lạm phát hồi thập niên 1980. Thực chất, đại dịch Covid-19 đã dẫn tới sự sụt giảm một lần rồi thôi về năng lực cung cấp hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế, và nguồn cung giờ đây đang phục hồi mạnh.

Vào năm 2021, tình trạng thiếu con chip bán dẫn đã khiến các hãng xe khó tăng sản lượng dù nhu cầu của thị trường tăng mạnh. Người Mỹ khi đó nắm trong tay một lượng tiền mặt lớn và lãi suất được cắt giảm xuống mức siêu thấp. Hệ quả của sự thiếu nguồn cung và thừa nhu cầu này đã đẩy giá ô tô ở Mỹ tăng vọt.

SỰ KHỞI SẮC CỦA NGUỒN CUNG VÀ SỐ NGƯỜI TÌM VIỆC LÀM

Vào tháng 4/2021, giới chức Fed nhận định lạm phát sẽ chỉ là vấn đề tạm thời vì họ cho rằng các nút thắt chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt nhân công sẽ tự cân bằng lại sau vài tháng. Nhưng đến mùa thu năm đó, áp lực tăng giá trong nền kinh tế ngày càng lớn và nhu cầu có vẻ như đã được kích thích quá mức.

Fed thay đổi lập trường bằng cách đẩy nhanh kế hoạch rút lại các biện pháp kích cầu. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 “đổ dầu vào lửa” lạm phát khi đẩy giá nguyên vật liệu thô tăng vọt, vào đúng thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất. Ba tháng sau đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước ở Mỹ đã lên tới 9,1%, cao nhất trong 4 thập kỷ.

Fed phản ứng bằng cách đẩy mạnh chiến dịch thắt chặt, tăng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Các dự báo kinh tế của Fed trước đó cho rằng việc giảm lạm phát sẽ không gây ra tổn thất gì về mặt tăng trưởng kinh tế, nghĩa là nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm”. Nhưng lý lẽ này của Fed dần yếu đi vì lạm phát dai dẳng ở mức cao.

Gần đây, Fed và một số nhà hoạch định chính sách của Fed thừa nhận rằng đến cuối năm ngoái, họ bắt đầu không còn hy vọng rằng nguồn cung lao động sẽ phục hồi. Nói cách khác, họ lo sợ giá cả sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ vốn đòi hỏi nhiều nhân công.

Năm nay, sự phục hồi nguồn cung cuối cùng đã xuất hiện. Các nút thắt được gỡ bỏ, số người nhập cư và số người tìm việc làm đồng thời tăng, làm gia tăng lực lượng lao động. Cùng với đó, một số lượng lớn căn hộ mới xây được cung ứng ra thị trường. Tất cả đều giúp hạn chế áp lực gia tăng giá cả, giá thuê nhà và tiền lương.

Sự gia tăng của lực lượng lao động giữ vai trò như một “van xả”, cho phép “tiền lương tăng chậm lại mà không dẫn tới một sự điều chỉnh lớn về nhu cầu” - theo Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly. Triển vọng lạm phát giảm mà suy thoái không xảy ra đã sáng lên hơn bao giờ hết vì “các bộ phận của nền kinh tế nằm ngoài sự kiểm soát của chúng tôi đang tự điều chỉnh”, bà Daly phát biểu.

QUAN ĐIỂM THẬN TRỌNG CỦA FED

Các nhà kinh tế học từ lâu đã không đồng tình với quan điểm truyền thống cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cần tăng mạnh thì lạm phát mới giảm, đây là “một sự giải toả lớn. Trước đây, chúng tôi đều bị cho là sai”, nhà sáng lập Julia Coronado của công ty tư vấn kinh tế MacroPolicy Perspectives phát biểu. Bà Coronado cho rằng Fed có vẻ như “đã mất hy vọng về nguồn cung lao động đúng vào lúc chuẩn bị có sự phục hồi đáng kể trong nguồn cung lao động”.

Nhưng điều này không có nghĩa là Fed đã sai khi tăng lãi suất. Lãi suất tăng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế nhu cầu trong khi phía nguồn cung tự phục hồi - theo nhà kinh tế trưởng David Mericle của ngân hàng Goldman Sachs. “Đã có khoảng thời gian nguồn cung luôn phải chạy theo nhu cầu. Nhưng đảm bảo nguồn cung và nhu cầu về trạng thái cân bằng một cách kịp thời là một việc quan trọng”, ông Mericle nói.

Vậy liệu tăng trưởng nguồn cung và năng suất trong nền kinh tế Mỹ có duy trì? Nguồn cung cũng có thể hưởng lợi từ sự gia tăng của năng suất - yếu tố đã tăng mạnh trong cả quý 2 và quý 3 năm nay. Nếu tiềm năng tăng trưởng cao hơn này duy trì, Fed sẽ càng tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm được về mục tiêu 2% sớm hơn và Fed có thể triển khai sớm hơn việc cắt giảm lãi suất từ mức 5,25-5,5% hiện nay.

Bà Coronado lạc quan rằng sự cải thiện của nguồn cung sẽ kéo dài vì đầu tư của doanh nghiệp tăng lên và thị trường việc làm thắt chặt giúp cải thiện hiệu quả của việc kết nối giữa người tìm việc và việc làm mới. “Thực tế này giúp cho sự đánh đổi của Fed trở nên dễ chịu hơn. Họ không cần phải thắt chặt cho tới khi nền kinh tế rơi vào suy thoái”, vị chuyên gia nói.

Nhưng ông Powell đã cảnh báo vào đầu tháng này rằng sự gia tăng gần đây của tốc độ tăng trưởng tiềm năng có thể sẽ không kéo dài thêm nhiều. Chẳng hạn, dòng người nhập cư có thể chậm lại trong thời gian tới, và chi phí chăm sóc trẻ nhỏ gia tăng có thể khiến nhiều bà mẹ có con nhỏ phải bỏ việc. Khi không còn sự hỗ trợ từ phía nguồn cung trong cuộc chiến chống lạm phát, Fed có thể sẽ phải quay trở lại với quan điểm trước đây rằng nền kinh tế giảm tốc là cần thiết để lạm phát tiếp tục giảm, đồng nghĩa Fed sẽ phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.