13:35 04/01/2022

Nguy cơ “khủng hoảng thiếu” hướng dẫn viên khi du lịch phục hồi?

Song Hoàng

Hơn 2 năm tuyệt vọng vì mất việc, không nhìn thấy cơ hội để trở lại với nghề, nhiều hướng dẫn viên du lịch đã chuyển hướng mưu sinh. Thực trạng này khiến ngành du lịch đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu khu du lịch phục hồi.

Dịch bệnh liên miên đã khiến hàng ngàn hướng dẫn viên du lịch mất việc
Dịch bệnh liên miên đã khiến hàng ngàn hướng dẫn viên du lịch mất việc

Hai năm qua là khoảng thời gian ác mộng với Hoàng Tuấn Long một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên đưa khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound).

Dịch bệnh phúc tạp diễn ra liên miên khiến Việt Nam cũng như nhiều nước xiết chặt quy định nhập cảnh, đây là yếu tố quyết định khiến giới hướng dẫn viên du lịch cả trong và ngoài nước như Long “bó chân” toàn tập.

Anh Long là một người lạc quan, thường tự trào phúng với bạn bè trên mạng xã hội, là đang trong giai đoạn để vợ nuôi, rồi một ngày nào đó, nhưng chưa biết đó là ngày nào, anh sẽ được trở lại với nghề để kiếm tiền nuôi vợ con như trước.

Nhưng không thể chờ đợi trong vô vọng, Hoàng Tuấn Long chuyển sang đủ thứ nghề để kiếm sống, từ làm youtuber, bán chè, bán lòng lợn online và hiện đang chuyển qua làm thịt xiên nướng với thương hiệu Hảo Xừ.

 “Tình hình bất ổn như thế này, dù có đam mê công việc đến mấy tôi cũng không thể tiếp tục làm hướng dẫn viên. Vì quay trở lại, có nghĩa là phải bỏ hết công việc đang làm. Nếu bỏ, thì vốn liếng đầu tư, quan hệ khách hàng đã có, cũng mất. Nhưng du lịch thì quá bấp bênh, sẽ có ít người dám mạo hiểm quay lại”, anh Long nói.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp làm hướng dẫn viên như anh Long cũng đã chuyển sang các công việc khác như trồng lan, môi giới bất động sản, buôn bán online… Tất cả đang dần làm quen với công việc mới và cũng có người thành công, thu nhập ổn định.

Nguy cơ “khủng hoảng thiếu” hướng dẫn viên khi du lịch phục hồi? - Ảnh 1
Mất việc khiến các hướng dẫn viên du lịch như Hoàng Tuấn Long phải làm đủ việc để mưu sinh. Nhiều hướng dẫn viên không dám quay lại với nghề. 

Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện cả nước có hơn 15.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đây là những người được chính thức cấp thẻ hành nghề. Nhưng trong 2 năm qua, hơn 15.500 nhân sự này cơ bản đã rơi vào cảnh mất việc. Những người giỏi nghề, yêu nghề như Hoàng Tuấn Long cũng không còn còn nuôi hy vọng quay trở lại.

Có thể nói, tác động của đại dịch Covid -19 đã khiến các doanh nghiệp  kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh. Các doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự.

Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống. Năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%.

Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Đại dịch kéo dài gần hai năm và những hậu quả tiếp sau đã khiến lao động trong ngành du lịch lâm vào tình cảnh thất nghiệp hay chuyển việc. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành, việc thu hút lại nguồn nhân lực này sẽ là một trong những vấn đề vô cùng cấp thiết.

Tâm lý e ngại những rủi ro trong tương lai, cũng như một bộ phận nguồn nhân lực đã ổn định ở một vị trí việc làm mới sẽ là khó khăn rất lớn để thực hiện được những định hướng và mục tiêu của ngành đề ra trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn, nâng cao kĩ năng chuyên môn cho nguồn lao động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn cũng là vấn đề cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các hiệp hội cũng như việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề.

Cũng theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 11/2021, việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành, theo đó, mức hỗ trợ với hướng dẫn viên mất việc làm là 3.710.000 đồng/người, tổng số tiền đã hỗ trợ đã giải ngân trên cả nước là trên 55 tỷ đồng.

Song song với việc hỗ trợ một khoản tiền để hướng dẫn viên tạm yên tâm, giữ nghề, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề xuất hướng đi mới cho nhân sự ngành du lịch.

Theo đó, cần tổ chức điều tra, đánh giá và dự báo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, trong đó chú trọng điều tra, đánh giá và dự báo nhu cầu đối với nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhu cầu đối với nhân lực du lịch đáp ứng sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, nhân lực quản trị doanh nghiệp du lịch và lao động trong các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ.

Quan tâm giữ lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp cũng là một "kế sách" được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tính đến, đồng thời xem xét để bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt lớn và chất lượng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.

Nếu không kịp thời thực hiện giải pháp này, khi du lịch thực sự được phục hồi, sẽ rất khó tìm được nhân sự đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các hướng dẫn viên đã được cấp thẻ. Đây là nhóm nhân sự đặc thù, ngay cả ở thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát thì hướng dẫn viên giỏi nghề cũng luôn trong tình trạng khan hiếm tại Việt Nam.