10:58 17/04/2023

Nguy cơ tái bùng phát Covid-19 tại châu Á, chưa phát hiện biến chủng đáng lo ngại

Hoài Phương

Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 đột ngột gia tăng ở nhiều nước châu Á. Mặc dù làn sóng hiện tại không nghiêm trọng nhưng các ca nhiễm mới làm tăng thêm khối lượng công việc vốn đã nặng nề tại các bệnh viện…

Thái Lan cảnh báo nguy cơ ca nhiễm tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Songkran. Ảnh: Nikkei Asia
Thái Lan cảnh báo nguy cơ ca nhiễm tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Songkran. Ảnh: Nikkei Asia

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng gần 481% ở Đông Nam Á và 144% ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Các nước như Singapore, Ấn Độ, Indonesia... chứng kiến đợt sóng gia tăng mạnh nhất trong khu vực khi có nơi vượt quá 11.000 ca nhiễm mới/ngày.

Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức tương đối cao, khoảng 10.000 trường hợp mỗi ngày. Các quốc gia vành đai châu Á như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran… cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng nhanh. Xét theo quốc gia, số ca mắc mới ở Nepal tăng nhanh nhất, lên tới 1.198%, tiếp đến là tới Ấn Độ 937%.

Bác sỹ Atul Gogoi từ bệnh viện Sir Ganga Ram, Ấn Độ, nhận định: "Chúng tôi dự tính con số nhiễm mới Covid-19 có thể tăng lên trong vài tuần tới, dự báo có thể tăng mạnh nhất trong khoảng hai tuần. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cần thận trọng hơn". Theo các báo cáo, Ấn Độ đã có hơn 10.000 ca nhiễm trong ngày 13/4, cao nhất kể từ tháng 8/2022. Chính phủ Ấn Độ trong tuần này cũng yêu cầu các đơn vị y tế diễn tập ứng phó dịch bệnh. Một loạt bang đã ban hành trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Theo các nhà khoa học, số ca Covid-19 tại Ấn Độ tăng là dấu hiệu cho thấy virus đang chuyển dần sang trạng thái đặc hữu như cúm mùa. Các ca nhiễm tại nước này hiện nay có triệu chứng nhẹ, được điều trị ngoại trú. Bệnh nhân nhập viện đều là người già hoặc có bệnh nền. Các dấu hiệu tập trung ở đường hô hấp trên như đau họng, chảy nước mũi, sốt và đau nhức cơ thể.

Malaysia ghi nhận gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 từ đầu tháng 4 do có nhiều sự kiện xã hội lớn được tổ chức nhân dịp lễ hội Hari Raya.
Malaysia ghi nhận gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 từ đầu tháng 4 do có nhiều sự kiện xã hội lớn được tổ chức nhân dịp lễ hội Hari Raya.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết đất nước có mức độ miễn dịch cao, nghĩa là tình hình "vẫn được kiểm soát tốt", song ông kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4. Bộ Y tế Indonesia đã tiếp nhận tài trợ thuốc Paxlovid kháng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ Mỹ và Australia với tổng số thuốc được viện trợ là 24.096 viên nén.  Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, Paxlovid có hiệu quả đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ nhưng nguy cơ cao phát triển thành các triệu chứng nghiêm trọng. Paxlovid được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em.

Tại Kuala Lumpur, trước sự gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 từ đầu tháng 4, cũng như khả năng số ca mắc sẽ tăng mạnh do có nhiều sự kiện xã hội lớn được tổ chức nhân dịp lễ hội Hari Raya – lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Hồi giáo, giới chuyến gia y tế Malaysia đã đưa ra cảnh báo và khuyến nghị phòng, chống dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia, Zaliha Mustafa, 63,8% số ca nhập viện do Covid-19 trong thời gian gần đây liên quan đến bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, trong khi 90,7% là những người mắc bệnh lý nền. Hầu hết trong số họ có các triệu chứng nhẹ và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân không được tiêm vaccine cao gấp 6 lần so với những người được tiêm một liều.

Bộ trưởng Y tế Singapore, ông Ong Ye Kung ngày 14/4 cảnh báo "Đảo quốc Sư tử" đang bước vào đợt lây nhiễm Covid-19 mới với số ca mắc hằng ngày ước tính tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3, lên 4.000 ca chỉ trong tuần trước. Khoảng 30% số ca mắc Covid-19 hiện nay là tái nhiễm, cao hơn mức từ 20 - 25% của đợt dịch gần nhất. Trong khi số ca bệnh đang tăng lên, Bộ Y tế Singapore cũng tuyên bố, làn sóng hiện tại được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - chẳng hạn như XBB.1.5, XBB.1.9 và XBB.1.16…, và không có bằng chứng về số ca bệnh nặng gia tăng.

Theo tờ Philstar, trong những ngày qua, Philippines cũng ghi nhận hơn 150 ca mắc mới. Các ca mắc này chủ yếu liên quan đến biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron, còn được gọi là Arcturus. Thị trưởng Manila (Philippines) Honey Lacuna-Pangan cho biết chính quyền thành phố có thể xem xét lại chính sách về việc bắt buộc người dân đeo khẩu trang, đồng thời kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm mũi 4.           

Giới chức Thái Lan cũng kêu gọi người dân nước này cảnh giác trước nguy cơ nhiễm biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron, đặc biệt khi nhiều người tham gia các lễ hội té nước và đi thăm người thân trong dịp Tết Songkran. Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Tares Krasanairawiwong cho biết, số ca mắc Covid-19 sau Tết Songkran có thể cao hơn so với thời điểm năm mới dương lịch.

Theo ông Tares, từ ngày 9 - 15/4 vừa qua, Thái Lan ghi nhận 435 ca mắc Covid-19 mới điều trị tại bệnh viện, trung bình mỗi ngày có 62 ca, cao gấp 2,5 lần so với tuần trước đó. Cũng trong thời gian này, Thái Lan ghi nhận hai trường hợp tử vong do Covid-19, thuộc nhóm người đã tiêm mũi nhắc lại lần cuối cách đây hơn ba tháng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), làn sóng Covid-19 mới ở các quốc gia châu Á là do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - chủng Omicron có khả năng lây truyền cao. Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia, và WHO đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến hiện nay. Các triệu chứng khi nhiễm XBB.1.16 được cho là giống với các biến thể trước đó, bao gồm sốt, khó thở và ho. Tuy nhiên, nhiều ca nhiễm XBB.1.16 cũng phản ánh có triệu chứng bị viêm kết mạc và dính mắt.

Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia, và WHO đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến hiện nay.
Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia, và WHO đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến hiện nay.

Bên cạnh đó, XBB.1.5 cũng là một trong các biến chủng mà các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Singapore cho là đóng góp vào làn sóng dịch mới nhất. Dòng con của XBB này đã càn quét châu Mỹ, châu Âu trước đó và cũng từng gây ra làn sóng mới. Trong tuần lễ thống kê mới nhất, biến chủng cần quan tâm này đã chiếm tới 47,9% các trình tự gen toàn cầu, trong đó 11 quốc gia báo cáo XBB.1.5 chiếm hơn 50% số ca của đất nước họ.

Đánh giá chính thức từ Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) của WHO trước đó phân loại mức độ tăng trưởng của XBB.1.5 là "trung bình", khả năng thoát miễn dịch "trung bình", mức độ nghiêm trọng và cân nhắc lâm sàng là "thấp". Dòng con này thể hiện khả năng lây nhanh, có thể gây tái nhiễm và nhiễm đột phá cao nên có thể thúc đẩy các làn sóng mới, nhưng không tăng độc lực (khả năng gây bệnh nặng và tử vong) so với các Omicron tiền nhiệm.

Hiện WHO tiếp tục kêu gọi các quốc gia tăng cường việc giám sát trình tự bộ gen virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh số trình tự được giải mã và chia sẻ ngày càng ít, đặt ra những thách thức trong việc đánh giá đầy đủ bối cảnh các biến chủng SARS-CoV-2.