Nhà sáng lập Huawei: “Mỹ đã đánh giá thấp về chúng tôi”
Ông Nhiệm Chính Phi nói việc Mỹ nới trừng phạt không giúp ích gì nhiều, bởi Huawei đã có sự chuẩn bị từ trước
Mỹ đã tạm nới các biện pháp trừng phạt mà nước này áp lên Huawei nhằm giảm thiểu sự gián đoạn đối với các khách hàng của công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi nói động thái của Mỹ chẳng có ích gì nhiều bởi hãng đã chuẩn bị từ trước cho lệnh trừng phạt của Washington.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm khiến cho "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc không thể mua được công nghệ và linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ. Hôm thứ Hai, Mỹ tuyên bố cho phép Huawei tiếp tục mua hàng hóa Mỹ trong 3 tháng để đảm bảo dịch vụ cho các khách hàng hiện có, nhưng không được mua công nghệ và linh kiện Mỹ để phục vụ cho việc sản xuất thiết bị mới.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhà phân tích Mark Kelleher thuộc D.A. Davidson nói rằng, hiện chưa rõ Chính phủ Mỹ có gia hạn việc nới trừng phạt Huawei hay không, nhưng nếu được tiếp tục mua linh kiện Mỹ, công ty này có thể đặt mua thêm để tích trữ.
Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc ngày thứ Ba, ông Nhiệm Chính Phi nói việc Mỹ nới trừng phạt không có nhiều ý nghĩa đối với Huawei, vì Huawei đã có sự chuẩn bị từ trước cho một kịch bản như vậy.
"Hành động của Chính phủ Mỹ vào thời điểm này đánh giá thấp khả năng của chúng tôi", ông Nhiệm nói với truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, với lời đe dọa của ông Trump về áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và việc Mỹ siết "gọng kìm" đối với Huawei, Bắc Kinh không hề phát một tín hiệu nhượng bộ nào.
Không chỉ Chính phủ Trung Quốc mà cả Huawei cũng thể hiện quan điểm cứng rắn. Trong một cuộc trả lời truyền thông phương Tây mới đây, ông Nhiệm khẳng định Huawei sẽ không khuất phục sức ép của Mỹ.
Phát biểu trước báo giới Trung Quốc ngày thứ Ba, ông Nhiệm tái khẳng định rằng sự trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì đến triển vọng kinh doanh của Huawei. Ông cũng nói sẽ không có một công ty nào có thể đuổi kịp Huawei về công nghệ 5G trong 2-3 năm tới.
Tuy nhiên, ông Nhiệm thừa nhận rằng Trung Quốc còn "kém xa" Mỹ về công nghệ nói chung.
Ông Nhiệm nói mâu thuẫn là giữa Huawei với Chính phủ Mỹ chứ không phải giữa Huawei và các công ty Mỹ. Ông thậm chí còn ca ngợi điện thoại iPhone của đối thủ Mỹ Apple, và cho biết đã tặng iPhone cho người thân trong gia đình.
"Apple có một hệ sinh thái kinh doanh tốt… Chúng ta không nên tư duy nhỏ hẹp rằng yêu Huawei là phải yêu điện thoại Huawei", ông nói.
Giới phân tích hiện đang tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của Huawei rằng công ty có thể đảm bảo vững vàng chuỗi cung ứng mà không cần đến sự giúp đỡ của Mỹ. Các chuyên gia về con chip nói công nghệ mà Huawei mua của các công ty Mỹ là "khó thay thế".
Trong năm ngoái, gần 16% giá trị linh kiện mà Huawei mua để sử dụng được cho là đến từ các công ty Mỹ gồm Qualcomm, Intel và Micron.
Một báo cáo của Information Technology & Innovation Foundation ước tính rằng các công ty Mỹ có thể mất 56,3 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong vòng 5 năm vì các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo của Chính phủ nước này đối với Huawei. Ngoài ra, những cơ hội bị đánh mất vì lệnh cấm của Washington đối với Huawei còn có thể đe dọa tới 74.000 việc làm ở Mỹ.