Nhân dân tệ mất giá, “phép thử” đối với Trung Quốc
Một câu hỏi được đặt ra: nhân dân tệ có thể mất giá với tốc độ như thế nào và mất giá tới đâu?...
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD trong bối cảnh tỷ giá đồng bạc xanh duy trì xu hướng tăng. Một câu hỏi được đặt ra: nhân dân tệ có thể mất giá với tốc độ như thế nào và mất giá tới đâu?
Theo hãng tin CNBC, đây là một câu hỏi quan trọng, bởi mức độ mất giá của nhân dân tệ có thể ảnh hưởng toàn cầu vì làm suy yếu khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia khác so với hàng Trung Quốc, đồng thời có thể cản trở nỗ lực của của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
VÌ SAO NHÂN DÂN TỆ MẤT GIÁ?
Tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục đã giảm hơn 3% kể từ khi ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ lần thứ hai vào đầu tháng 11 năm ngoái do triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ đi theo hai hướng khác nhau. Tại thị trường đại lục, nhân dân tệ - dù được kiểm soát tỷ giá chặt chẽ - cũng giảm xuống gần mức thấp nhất 16 tháng.
Nhiều nhà đầu tư hiện đang bi quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc, khi cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp diễn và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm. Với áp lực giảm phát kéo dài và việc các ngân hàng Trung Quốc chật vật khuyến khích nhu cầu vay vốn, dòng tiền đang chảy mạnh vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc, đẩy lợi suất xuống mức thấp kỷ lục. Bắc Kinh chủ trương theo đuổi lập trường chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” trong năm 2025 để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang dự kiến giảm lãi suất chậm lại trong năm 2025. Chính sách thuế quan của ông Trump có thể đẩy lạm phát tăng, cản trở chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed, dẫn tới lãi suất ở Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã trong xu hướng tăng từ tháng 6 đến nay, mới đây lập đỉnh của hơn 1 năm ở mức 4,79%. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác cũng đạt mức cao nhất 26 tháng vào tuần trước.
Với khuynh hướng cứng rắn của Fed và mềm mỏng của PBOC, khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc tăng lên, khiến tỷ giá USD so với nhân dân tệ được đẩy lên theo.
THỬ THÁCH ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC
Những diễn biến thị trường này đang kiểm tra quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ yếu giúp cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng muốn tránh tình trạng đồng tiền mất giá quá mạnh vì điều đó có thể gây ra sự tháo chạy của dòng vốn và biến động lớn trên thị trường tài chính.
Trong một nỗ lực nhằm kéo lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào tuần trước ngừng việc mua vào trái phiếu chính phủ với lý do nhu cầu trên thị trường đối với loại tài sản này đang lớn. Cùng với đó, PBOC đẩy mạnh phát hành tín phiếu tại thị trường Hồng Kông nhằm hút bớt thanh khoản nhân dân tệ, kiềm chế đà mất giá của đồng tiền này.
Gần đây, PBOC cũng đẩy mạnh việc cảnh báo đối với hoạt động đầu cơ bán khống nhân dân tệ, đồng thời nhấn mạnh xu hướng tăng giá mạnh của trái phiếu chính phủ có thể xói mòn ổn định tài chính. Tuần trước, Thống đốc PBOC Phan Công Thắng tuyên bố “quyết tâm ngăn chặn rủi ro biến động tỷ giá quá mức, đảm bảo tỷ giá hối đoái nhân dân tệ cơ bản ổn định ở mức cân bằng, phù hợp”. Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, giới chức PBOC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định tỷ giá dù nhắc lại lập trường nới lỏng.
“Những phát biểu đó cho thấy PBOC có thể ưu tiên ổn định tỷ giá hơn là nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định. Ngày 20/1, PBOC giữ nguyên lãi suất cơ bản tham chiếu như một nỗ lực để giữ ổn định tỷ giá.
Tuy vậy, theo chiến lược gia David Roche của công ty Quantum Strategy, nhân dân tệ có thể giảm giá về mức 8,5 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm nay, trong kịch bản ông Trump áp thuế quan 50-60% lên hàng hóa Trung Quốc. Ngày 20/1, nhân dân tệ giao dịch ở mức gần 7,34 nhân dân tệ đổi 1 USD.
“Nhà chức trách Trung Quốc sẽ cố gắng để sự mất giá của nhân dân tệ diễn ra một cách có trật tự”, ông Roche nói, nhưng thận trọng rằng các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh có thể “không đủ” để mang lại tác dụng lớn hơn việc ổn định nền kinh tế, vì đến nay Trung Quốc vẫn chưa hành động đủ mạnh để giải quyết tình trạng nhu cầu trong nước yếu và các hộ gia đình tiết kiệm quá mức thay vì chi tiêu.
TỶ GIÁ SẼ ĐƯỢC ƯU TIÊN HƠN?
Đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng mất giá của nhân dân tệ đang hạn chế khả năng của PBOC trong việc hạ lãi suất. Như đã đề cập ở trên, ngăn đồng nội tệ mất giá mạnh dường như đang được ưu tiên hơn so với việc kích thích tăng trưởng kinh tế. Hồi tháng 9, Thống đốc Phan của PBOC phát tín hiệu hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng việc cắt giảm đó đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực, dù lập trường chính sách của PBOC chuyển từ “thận trọng” sang “nới lỏng vừa phải”.
Theo nhà kinh tế Helen Qiao của ngân hàng Bank of America, PBOC có thể tránh việc giảm mạnh lãi suất trong ngắn hạn, dù áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế đang lớn, vì ưu tiên sẽ đặt vào ổn định tỷ giá. Bà Qiao dự báo PBOC tiếp tục bảo vệ tỷ giá nhân dân tệ bằng cách siết chặt kiểm soát dòng vốn và định hướng thanh khoản đối với các định chế tài chính.
Ngoài việc duy trì lãi suất, Bắc Kinh còn có nhiều công cụ chính sách khác để hạn chế sự biến động tỷ giá, gồm can thiệp bằng lời nói, điều chỉnh thanh khoản tại thị trường ngoài đại lục thông qua phát hành tín phiếu và chỉ đạo các công ty quốc doanh trực tiếp mua nhân dân tệ tại thị trường đại lục - theo nhà kinh tế Lynn Song thuộc ngân hàng ING.
Tại đại lục, một công cụ chính để PBOC quản lý tỷ giá là tỷ giá tham chiếu thiết lập hàng ngày mà tỷ giá thị trường được dao động trong biên động +/-2%. Từ năm ngoái, PBOC đã giữ tỷ giá nhân dân tệ mạnh hơn mức 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD dù đồng USD liên tục tăng mạnh.
Ngày 20/1, PBOC thiết lập tỷ giá nhân dân tệ ở mức 7,1886 nhân dân tệ đổi 1 USD, nhưng thị trường đẩy tỷ giá đồng tiền này về vùng dưới của biên độ cho phép, với 7,34 nhân dân tệ “ăn” 1 USD.
Theo nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Macquarie, ông Larry Hu, xét tới việc Bắc Kinh đã phát tín hiệu ưu tiên ổn định tỷ giá, “dù thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sắp tới có thể lớn hơn lần trước, phạm vi mất giá của đồng nhân dân tệ có thể nhỏ hơn trước”. Ông Hu dự báo tỷ giá nhân dân tệ ngoài đại lục sẽ chạm đáy năm nay ở mức 7,5 nhân dân tệ đổi 1 USD vào quý 3.