08:55 12/02/2021

Nhận diện các kênh đầu tư 2021: Chứng khoán vẫn lên ngôi?

TS. Đinh Thế Hiển

Kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế - tài chính uy tín trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng tốt trong năm 2021, từ 6 – 7%

TS. Đinh Thế Hiển
TS. Đinh Thế Hiển

Điều này tạo tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư trong năm mới. Bài viết này trình bày một số nhận định về các kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam trong năm 2021. 

Tiền gửi ngân hàng vẫn được đa số lựa chọn so với giữ USD và vàng! Các kênh đầu tư thụ động được hiểu là các kênh an toàn, không đòi hỏi bỏ sức lực phân tích bao gồm mua vàng, gửi tiết kiệm VND và giữ ngoại tệ USD. 

CÁC KÊNH ĐẦU TƯ THỤ ĐỘNG 

Giá vàng 2021 khó tăng như năm 2020. Trong năm 2020, giá vàng thế giới tăng khoảng 25% và giá vàng trong nước tăng 29% đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư vào kênh này. Dự báo giá vàng thế giới trong năm 2021 tiếp tục ở mức cao do lo ngại về dịch Covid chưa được khắc phục, và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt. 

Tuy nhiên quan sát giá vàng trong 5 năm gần đây, thì mức 1890 USD/oz hiện nay là mức rất cao so với mức bình quân vào khoảng 120 – 1400 USD/oz. Với giá vàng đã cao hiện nay, nên khả năng tăng mạnh như năm 2020 sẽ khó xảy ra, thậm chí giá vàng có thể quay đầu nếu vaccine phòng dịch covid hiệu quả, và được triển khai đại trà trên thế giới. Do vậy đầu tư vàng để kiếm lợi cao như năm 2020 được xem là khá rủi ro.

Nhận định trong năm 2021 tỷ giá USD/VND vẫn ổn định. Trong năm 2020 những người nắm giữ USD tiếp tục không được hưởng lợi tương tự năm 2019 với mức suy giảm 0,02% (năm 2019 là  0,06%). Với các kết quả này, đồng USD không còn là kênh đầu tư bảo toàn vốn có lợi cho nhà đầu tư. Hiện nay USD-Index đang là 89,9 điểm, giảm mạnh so với mức 96,5 điểm đầu năm 2020 cộng với dự trữ ngoại tệ Việt Nam đang dồi dào  sẽ khiến tỷ giá  khó tăng trong năm 2021. Trong chiều ngược lại, năm 2021 là năm dự kiến Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công và tăng cung tiền nên tỷ giá cũng khó giảm. Do vậy nhận định tỷ giá USD/VND trong năm 2021 sẽ ổn định như đầu năm với mức tăng dao động trong khoảng 0% - 2%.

Tiền gửi ngân hàng vẫn thực dương trong 2021 và được nhiều người chọn lựa. Lãi suất huy động ngân hàng đang gặp áp lực giảm, tuy nhiên dự kiến trong năm 2021 vẫn vào khoảng 6% - 7% tùy kỳ hạn 1, 2 năm và mức huy động của các ngân hàng. Với CPI vào khoảng 3,2% trong năm 2020 giúp người gửi tiết kiệm thực dương. Xu thế này sẽ tương tự trong năm 2021. Do vậy nhiều nhà đầu tư Việt Nam tiếp tục chọn kênh  gửi tiền tiết kiệm VNĐ, được xem  vẫn là kênh hiệu quả hơn USD, và ít bị rủi ro biến động giá như vàng.

CÁC KÊNH ĐẦU TƯ CHỦ ĐỘNG

Vàng đã tăng mạnh trong năm 2020, nhiều khả năng suy giảm trong thời gian tới gây thiệt hại cho nhà đầu tư chọn kênh này trong năm 2021. Thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tích cực hơn, nhưng khó tăng mạnh! Cùng với dấu hiệu chựng lại cuối năm 2019 và dịch Covid làm du lịch – thương mại đình trệ suốt năm 2020 đã khiến nhiều người lo ngại kịch bản xấu như giai đoạn 2011 – 2013. Tuy nhiên diễn tiến thị trường bất động sản năm 2020 không có sự giảm giá mạnh, thậm chí giá bất động sản vẫn tăng ở một số phân khúc và khu vực. Điều này đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tăng tốt trong năm 2021. 

Phân khúc suy giảm mạnh nhất trong năm 2020 là bất động sản nghỉ dưỡng; với dịch Covid-19 khiến thị trường này gần như "đóng băng"; trong năm 2020 chỉ có gần 5.000 sản phẩm condotel  chào bán; với mức tiêu thụ chỉ từ 5% - 20%; khá nhiều dự án không có giao dịch. 

Thị trường căn hộ do hạn chế nguồn cung và xuất hiện xu thế đầu tư thụ động mua căn hộ cho thuê để có dòng tiền thu nhập ổn định đã giúp thị trường này vẫn đứng vững trong năm 2020 với xu thế tăng giá mặc dù giá thuê đang giảm. Phân khúc bất động sản đất nền vùng ven và các địa phương là phân khúc có  sự phân hóa khá mạnh trong năm 2020 với những vùng tăng xen lẫn những vùng chững  lại và giảm giá. 

Giá bình quân m2 căn hộ trung – cao cấp tại Tp.HCM tăng khá mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020 tác động đến đất vùng ven tăng mạnh.

Triển vọng thị trường bất động sản 2021 là tích cực nhưng không có sự tăng giá ở diện rộng.

Với đặc điểm thị trường bất động sản 2020 cùng với dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6 – 7% của các tổ chức kinh tế – tài chính lớn giúp cho nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên do giá bất động sản đã tăng mạnh trong các năm 2016 – 2019, và kinh tế Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn ảnh hưởng  bởi suy thoái kinh tế thế giới nên sẽ khó tăng trên diện rộng, mà thị trường sẽ sàng lọc và có sự phân hóa mạnh.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và Shophouse sẽ tiếp tục gặp khó khăn với thanh khoản thấp và áp lực giảm giá do du lịch vẫn còn khó khăn và nhà đầu tư đã giảm niềm tin vào phân khúc này. 

Phân khúc căn hộ tại Tp.HCM vẫn ổn định với giá căn hộ tăng nhẹ do nguồn cung vẫn còn bị hạn chế so với nhu cầu của người mua nhà để ở và đầu tư cho thuê. Phân khúc nhà phố tại Tp.HCM tiếp tục gặp áp lực giảm giá do tình hình cho thuê kinh doanh chưa phục hồi và khả năng tăng giá phân khúc này thấp hơn so với đầu tư đất nền. Phân khúc đất nền vùng ven và địa phương sẽ bị  phân hóa khá mạnh. Những khu vực đô thị mới có triển khai khu công nghiệp và đầu tư hạ tầng giao thông lớn sẽ có sự cấu trúc lại trong xu thế tiếp tục phát triển. Những đất nền vùng ven chưa có khả năng tập trung dân cư và thiếu hạ tầng sẽ bị suy giảm do áp lực trả nợ ngân hàng.

Năm 2021 được xem là năm đầu tư mua vào để tìm lợi nhuận tốt trong trung hạn. Một số nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính và thanh khoản thị trường thấp đã phải bán giảm giá; và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có nguồn tiền mua được những bất động sản có vị trí tốt. Trong góc độ toàn cục, đa số nhà đầu tư vẫn chọn kênh đầu tư bất động sản, do vậy thị trường bất động sản vẫn có lực cầu để giúp thị trường này tích cực hơn năm 2020.

Thị trường chứng khoán, năm 2021 sẽ có đợt suy giảm vào đầu quý 2 trước khi tăng lại ở mức 1.100 – 1.200 điểm! Trong năm 2020, VN-Index đã vượt qua mốc 1.100 điểm, tăng 14,86% là mức tăng tốt nhất trong 3 năm 2018 – 2020, đem lại sự phấn khởi cho nhà đầu tư. Tuy mức tăng không bằng mức kỷ lục 57% của năm 2017; nhưng đa số nhà đầu tư đều có lãi; nhiều nhà đầu tư lướt sóng giai đoạn quý 4/2020 đã đạt mức lợi nhuận từ 30% - 100%. Giá trị giao dịch năm 2020 tăng mạnh, trong tháng 12/2020 các phiên giao dịch đều trên 10.000 tỷ đồng

Trong năm 2021 dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn năm 2020 cùng với giá trị giao dịch cuối năm 2020 tăng mạnh; giá trị giao dịch của toàn thị trường duy trì liên tục trên 15.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn cuối năm 2019. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư kỳ vọng năm 2021 sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên cùng với VN-Index đạt 1.100 điểm, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trên 18, là mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. 

Điều này đã khiến thị trường không còn hấp dẫn như giai đoạn giữa năm 2020 với P/E trong khoảng từ 11 – 14 lần; đó cũng là yếu tố khiến khối ngoại bán ròng trong 10 phiên giao dịch cuối năm 2020. Do vậy dự kiến thị trường sẽ có đợt điều chỉnh khá mạnh vào cuối quý 1, hoặc đầu quý 2/2021 trước khi phục hồi trở lại. Dự kiến thị trường sẽ có những đợt tăng giảm khá mạnh trong năm 2021 và VN-Index có thể đạt 1.100 – 1.200 điểm vào cuối năm.