Nhận diện các thủ đoạn tẩu tán tài sản “núp bóng” giao dịch kinh tế
Xu hướng dịch chuyển tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế cho thấy tội phạm lĩnh vực này không chỉ dừng lại ở khâu nắm giữ, cất giấu tài sản chiếm đoạt, hưởng lợi mà còn nằm trong các giao dịch dân sự và kinh tế dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau, xâm phạm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, sự ổn định của trật tự kinh tế….
Theo Ths. Phạm Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - từ 2022-2024, cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã phát hiện, khởi tố mới hơn 200 vụ án/hơn 6.000 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, trong đó chủ yếu tập trung vào các tội: Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Lạm quyền khi thi hành công vụ...
NHẬN DIỆN CÁC THỦ ĐOẠN DỊCH CHUYỂN TÀI SẢN TINH VI
Theo ông Dũng, trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, chủ thể của các loại tội phạm này thường là người có chức vụ, quyền hạn trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế, đứng đầu của Bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán, thủ quỹ, cán bộ ngân hàng…
Các chủ thể này có khả năng chỉ đạo cấp dưới và ảnh hưởng, tác động đến những người khác, đồng thời còn có năng lực, trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực quản lý. Mặt khác, một trong những đặc điểm nổi bật của tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ là xét về động cơ, mục đích chủ yếu hướng tới việc chiếm hưởng các lợi ích vật chất, tài sản bất hợp pháp.
Vì vậy, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các chủ thể này thường đã tính toán, lên kế hoạch, có sự bàn bạc với các đồng phạm, có sự chuẩn bị trước khi thực hiện tội phạm nhằm che giấu tài sản phạm tội, hành vi phạm tội và hợp thức hoá các tài sản đã chiếm đoạt được hoặc được hưởng lợi từ hành vi phạm tội.
Thủ đoạn phổ biến được sử dụng là nhờ các cá nhân là người quen, họ hàng, cấp dưới cất giấu, tẩu tán tài sản hoặc nhờ họ đứng tên thành lập nhiều pháp nhân, đồng thời ký các hoá đơn, chứng từ thể hiện việc nộp tiền, rút tiền nhằm hợp thức dòng tiền, che giấu hành vi phạm tội và tài sản do phạm tội mà có.
Dòng tiền này bao gồm cả tiền “sạch” và tiền “bẩn”, được hạch toán quay vòng nhiều lần nên việc bóc tách để áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thu hồi thường rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức.
Các đối tượng phạm tội có thể trực tiếp tẩu tán, cất giấu tài sản phạm pháp, hình thức tẩu tán, che giấu này phù hợp với một số loại tài sản là động sản dễ dịch chuyển, không bắt buộc phải qua thủ tục đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Dũng cho biết, thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện và thu giữ số lượng lớn tiền mặt, kim loại quý trong quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can.
Ngoài ra, các đối tượng có sử dụng thủ đoạn chuyển tiền đã chiếm đoạt, hưởng lợi từ hành vi phạm tội ra nước ngoài, cất giữ trong các tài khoản ngân hàng hoặc mua tài sản ở nước ngoài (thường là bất động sản) nhằm trốn tránh việc truy vết, thu hồi của các cơ quan chức năng.
Đối tượng phạm tội còn sử dụng thủ đoạn rửa tiền, hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có bằng những thủ đoạn tinh vi, tìm cách biến tiền, tài sản bất hợp pháp và các khoản lợi nhuận phát sinh từ tài sản có được từ hành vi phạm tội (tiền bẩn) thành tiền hợp pháp.
Hành vi này nguy hiểm hơn những thủ đoạn che giấu tài sản khác vì không chỉ nhằm che giấu tài sản có nguồn gốc, liên quan đến tội phạm mà còn biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch” để đưa vào lưu thông.
Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế cho thấy tội phạm lĩnh vực này không chỉ dừng lại ở khâu nắm giữ, cất giấu tài sản chiếm đoạt, hưởng lợi mà còn nằm trong các giao dịch dân sự và kinh tế dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau, xâm phạm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, sự ổn định của trật tự kinh tế.
Điển hình là vụ án Giang Kim Đạt tham ô tài sản xảy ra tại Vinashinlines, để nhận tiền phạm pháp từ các đối tác nước ngoài, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở 22 tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng và 92 lần nhận tiền từ nước ngoài vào các tài khoản này với tổng trị giá gần 16 triệu USD. Sau đó, Giang Văn Hiển đã mua 40 bất động sản đứng tên người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô.
Hiện nay, với sự xuất hiện của các loại tiền kỹ thuật số, tội phạm rửa tiền được thực hiện dễ dàng hơn khi thực hiện việc đầu tư, mua bán các loại tiền số thông qua các sàn giao dịch, phạm vi không chỉ giới hạn trong một quốc gia, khu vực mà trên toàn thế giới.
“Tiền bẩn” sau khi được “rửa” cũng dễ dàng chuyển sang các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Việc truy vết đối với các tài sản này rất khó khăn, nhiều trường hợp không thể xác định và thu hồi được. Ngoài ra, còn có các đối tượng chính trong vụ án là người nước ngoài.
Trong các vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng không ghi được lời khai, không tiến hành được đối chất; công tác thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng cũng gặp khó khăn, dẫn đến không có cơ sở, xác minh, kê biên, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án.
GIẢI PHÁP THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua có sự chuyển biến rõ nét. Đối với những vụ án có yếu tố nước ngoài, các cơ quan tố tụng đã chủ động phối hợp, xác minh làm rõ các vấn đề về hành vi phạm tội, thủ đoạn che giấu tài sản, nguồn gốc tài sản của các cá nhân liên quan và yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định pháp luật.
Nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, ông Phạm Văn Dũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài, nhất là đối với các giao dịch tài chính lớn, các khoản đầu tư ra nước ngoài của người thân cán bộ, công chức, theo đó, mọi khoản đầu tư của những đối tượng này đều phải được khai báo rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, kiểm soát về nguồn gốc tài sản.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, ngân hàng… để kiểm soát chặt chẽ tài sản của cán bộ, công chức và người dân, tránh tẩu tán, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản; xây dựng, ban hành cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.
Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế chính sách hình sự theo hướng tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả trong giai đoạn trước khi khởi tố; cũng như chính sách hình sự giảm nhẹ đặc biệt đối với những bị can, bị cáo tích cực bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thiệt hại; nhằm khuyến khích, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.
Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp; đẩy mạnh việc thoả thuận, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ giữa Việt Nam và các nước…