18:22 07/08/2021

Nhật Bản phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhiễm biến thể Lambda

Giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2…

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhiễm biến thể Lambda của Nhật Bản là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20/7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda.

Các xét nghiệm của nữ hành khách này ngay tại sân bay đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào.

Kết quả phân tích của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản sau đó đã xác nhận nữ bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda.

 

Theo một số nghiên cứu ban đầu trong ống nghiệm, biến thể Lambda mang hai đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8-2020. Biến thể còn được gọi là C37 hoặc "biến thể núi Andes".

Tại Peru, biến thể Lambda nhanh chóng chiếm đa số các ca mắc COVID-19 (81% tổng số trình tự gene đã phân tích từ tháng 4-2021).

Sau đó, biến thể Lambda đã phát tán đáng kể ở khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) và hiện nay đã hiện diện tại khoảng 30 quốc gia.

Pháp đã phát hiện ca nhiễm biến thể mới Lambda đầu tiên vào đầu tháng 5-2021. Anh đã đưa ra cảnh báo về biến thể mới này vào đầu tháng 7-2021.

Còn tại Mỹ ca đầu tiên nhiễm biến thể Lambda được phát hiện trong bệnh viện ở Houston vào cuối tháng 7-2021.

Cơ quan Y tế công cộng Pháp đánh giá hiện vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu về tác động của biến thể Lambda đối với sức khỏe cộng đồng cũng như tính cạnh tranh của biến thể Lambda đối với các biến thể khác, đặc biệt là các biến thể trong danh mục VOC.

Theo một số nghiên cứu ban đầu trong ống nghiệm, biến thể Lambda mang hai đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2.

Giới khoa học đang cảnh báo thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch Covid-19.  Các nhà virus học cho biết, virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học và công nghệ Áo công bố ngày 30/7 cho thấy, ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Nghiên cứu cho biết, việc hình thành một biến thể kháng vaccine vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng.

"Những biến thể đáng quan ngại" theo phân loại của WHO, được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để chúng lây lan rộng hơn.

Danh sách "những biến thể cần quan tâm" tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vaccine cao hơn, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.