13:29 07/06/2023

Nhật Bản vẫn tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam

Phúc Minh

5 tháng đầu năm 2023, trong tổng số hơn 59.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì riêng thị trường Nhật Bản chiếm hơn 28.500 người, tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, theo sau là Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc..

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 5/2023 là 9.765 lao động (3.576 lao động nữ).

Con số này xấp xỉ 0,58 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2022 là 16.740 lao động, trong đó có 6.787 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản 5.359 lao động (2.397 lao động nữ), Đài Loan (Trung Quốc) 3.515 lao động (989 lao động nữ), Hungari 192 lao động (108 lao động nữ).

Singapore 185 lao động nam, Hàn Quốc 106 lao động nam, Trung Quốc 89 lao động nam, Ba Lan 76 lao động (19 lao động nữ), Romania 71 lao động (16 lao động nữ), Malaysia 33 lao động (30 lao động nữ) và các thị trường khác.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 59.645 lao động (20.585 lao động nữ), đạt 54,2% kế hoạch năm 2023, (năm 2023 kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động), và gấp hơn 1.9 lần so với cùng kỳ năm ngoái (5 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 31.229 lao động).

Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 28.513 lao động (11.916 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 26.201 lao động (20.585 lao động nữ), Hàn Quốc 1.210 lao động (53 lao động nữ), Trung Quốc 729 lao động (2 lao động nữ).

Singapore 644 lao động nam, Hungari 569 lao động (300 lao động nữ), Rumania 420 lao động (64 lao động nữ), Malaysia 189 lao động (79 lao động nữ), Algeria. Số còn lại tập trung ở các thị trường khác.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước dần khôi phục lại việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, các thị trường truyền thống lâu năm như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…vẫn đánh giá cao lao động Việt Nam ở sự nhanh nhẹn, chăm chỉ, có tay nghề vững, nên khi tiếp nhận lao động trở lại sau dịch Covid-19 họ vẫn dành sự ưu tiên nhất định cho lao động Việt Nam.

Trong năm 2023, ước tính 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tập trung ở thị trường Đông Bắc Á. Đây cũng là những thị trường lâu năm, an toàn, có thu nhập ổn định và ưa chuộng của lao động Việt Nam.

Mặc dù vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn hướng đến mở rộng các thị trường chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Trong năm 2023, Bộ sẽ đàm phán với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về gia hạn Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các cơ quan để triển khai đàm phán thỏa thuận hợp tác lao động với một số nước châu Âu, hướng đến mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023...