11:34 17/09/2015

Nhật bị hạ tín nhiệm, Abenomics “lâm nguy”?

Diệp Vũ

Chưa “mũi tên” nào trong số “3 mũi tên” của Abenomics cho thấy đã phá vỡ được những rào cản về tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Hai diễn biến gần đây cho thấy chiến lược chấn hưng tăng trưởng kinh tế Nhật của Thủ tướng nước này Shinzo Abe, hay còn gọi là chính sách Abenomics, đang khựng lại - tờ Wall Street Journal nhận định.

Hôm qua (16/9), tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) hạ điểm tín nhiệm đối với nợ của Chính phủ Nhật với lý do tốc độ tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. S&P nhận định, “cho dù cho thấy sự hứa hẹn ban đầu”, chiến lược của ông Abe “sẽ không thể đảo ngược được sự giảm tốc của kinh tế Nhật trong 2-3 năm tới”.

“Lâm nguy”

Trước S&P, hai tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới khác là Fitch Ratings và Moody’s Investors Service cũng đã hạ điểm tín nhiệm của Nhật Bản.

Diễn biến thứ hai là việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hạ dự báo sản lượng công nghiệp nước này trong quý 3 xuống mức “gần như đi ngang” do sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi gây sức ép đối với hoạt động xuất khẩu của Nhật.

Những diễn biến mới nhất này xuất hiện khi những hoài nghi về Abenomics ngày càng gia tăng trong giới chuyên gia kinh tế ở vào thời điểm gần 3 năm kể từ khi ông Abe trở thành người đứng đầu Chính phủ Nhật.

“Đây chưa phải là thời điểm chín muồi để tuyên bố về sự thất bại của Abenomics, nhưng chúng tôi cần phải nói rằng chúng ta đang tiến tới sự thất bại đó”, chuyên gia kinh tế Takuji Okubo thuộc công ty phân tích kinh tế Japan Macro Advisors phát biểu.

Hai số liệu thống kê gần đây cho thấy sự “lâm nguy” của Abenomics.

Giới chuyên gia kinh tế tin rằng kinh tế Nhật khó tăng trưởng trong quý 3 này sau khi suy giảm 1,3% trong quý 2. Và bất chấp quy mô nới lỏng tiền tệ chưa từng có tiền lệ của BOJ, lạm phát của Nhật vẫn đi ngang, cản trở nỗ lực của ông Abe về chống giảm phát.

Theo giới chức BOJ, chính giá năng lượng thấp - vốn là một điều tốt đốt với một nước nhập khẩu năng lượng lớn như Nhật Bản - đã phá hỏng những nỗ lực tạo lạm phát ở nước này.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những số liệu cho thấy sự khởi sắc của kinh tế Nhật trong 3 năm qua. Chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán nước này đã tăng 80% kể từ khi ông Abe lên cầm quyền, một phần nhờ lợi nhuận của các công ty Nhật tăng mạnh. Nhu cầu sử dụng lao động ở Nhật đang lên mức cao nhất từ đầu thập niên 1990, thời điểm kinh tế Nhật bắt đầu rơi vào giảm phát kéo dài.

“Abenomics mới đi được nửa đường”,ông Abe nói hôm 8/9 sau khi đắc cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền thêm một nhiệm kỳ. Thủ tướng Nhật nói ông sẽ nỗ lực để “đưa chu kỳ phục hồi kinh tế tới mọi ngõ ngách trên đất nước”.

Mặc dù vậy, đến hiện tại, chưa “mũi tên” nào trong số “3 mũi tên” của Abenomics cho thấy đã phá vỡ được những rào cản ngăn người dân Nhật tiêu dùng nhiều hơn và các công ty của nước này đầu tư nhiều hơn.

Núi nợ khổng lồ

"Mũi tên" thứ nhất mang tên kích thích tiền tệ  đã bị dừng kể từ ngày 31/10/2014 - khi BOJ tuyên bố bơm thêm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống tài chính và mở rộng các chương trình mua vào cổ phiếu.

"Mũi tên" thứ hai mang tên kích thích tài khóa thì đang bị co lại. Sau khi tăng mạnh chi tiêu chính phủ để kích thích tăng trưởng trong năm đầu cầm quyền của Thủ tướng Abe, chi ngân sách của Nhật trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016 sẽ giảm xuống nếu không có ngân sách bổ sung.

Và "mũi tên" thứ ba mang tên cải tổ cơ cấu - với mục tiêu cải thiện quản trị doanh nghiệp và đưa thêm phụ nữ vào lực lượng lao động - vẫn chưa được bổ sung thêm điểm mới đáng kể nào, chẳng hạn như mở cửa rộng hơn cho lao động nước ngoài.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn của Nhật Bản hiện nay là khó thoát ra khỏi vòng xoáy tiêu cực của giá cả đi xuống và tâm lý bi quan về suy giảm dân số và tăng trưởng ì ạch.

“Thật khó để tưởng tượng các hộ gia đình sẽ tăng chi tiêu hay các công ty đầu tư thêm khi mà triển vọng trung và dài hạn vẫn còn u ám”, chuyên gia kinh tế trưởng Tatsuhiko Yoshizaki của công ty giao dịch Sojitz nhận xét.

Một số chuyên gia nói ông Abe có thể thúc đẩy niềm tin bằng cách nỗ lực nhiều hơn nữa để xử lý núi nợ khổng lồ của Chính phủ Nhật. Tuy vậy, những nhân vật gần gũi với ông Abe tiết lộ rằng, những biện pháp “đau thương” để làm được việc này phải chờ cho tới khi kinh tế Nhật hoàn toàn thoát khỏi 15 năm giảm phát.

Mùa hè năm nay, ông Abe dành phần lớn thời gian cho việc thúc đẩy dự luật an ninh mới của Nhật tại Quốc hội nước này. Với dự luật này dự kiến được thông qua lần cuối trong tuần này, giới chuyên gia cho rằng ông Abe sắp tới sẽ dồn sự chú ý cho vấn đề kinh tế.

Theo một nguồn tin quan chức Nhật, Tokyo đang chuẩn bị công bố ngân sách bổ sung trong mùa thu năm nay để tăng chi tiêu chính phủ.

Ông Etsuro Honda, một cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật hiện đang giữ vai trò cố vấn cho ông Abe, cho biết ông đã đề xuất với Thủ tướng về tung một gói kích thích tăng trưởng trị giá 3 nghìn tỷ Yên, tương đương 25 tỷ USD, hoặc hơn.

“Mức độ sụt giảm của nền kinh tế lớn hơn những gì tôi nghĩ”, ông Honda nói.