10:51 01/04/2009

"Nhật đã thấy quyết tâm của Việt Nam trong chống tham nhũng"

Lê Châu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức lễ ký công hàm về khoản tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam

"Tôi cho rằng thái độ của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến các cá nhân của Việt Nam là cơ sở quan trọng để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy".
"Tôi cho rằng thái độ của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến các cá nhân của Việt Nam là cơ sở quan trọng để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy".
Ngày 31/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ ký công hàm về khoản tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Sau khoảng 7 tháng nỗ lực từ cả hai phía, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nối lại ODA cho Việt Nam. Về những cơ sở dẫn đến quyết định này, ông Võ Hồng Phúc - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói:

- Viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam đã góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong suốt 35 năm qua.

Tôi cho rằng thái độ của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến các cá nhân của Việt Nam là cơ sở quan trọng để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy.

Chúng ta cũng đã thực hiện một số biện pháp chống tham nhũng khác trong các dự án sử dụng vốn ODA như thành lập ủy ban hỗn hợp về chống tham nhũng, đưa ra các giải pháp cụ thể phòng ngừa tham nhũng và đưa ra các quyết định để đảm bảo công tác chống tham nhũng có hiệu quả hơn.

Từ đó, Chính phủ Nhật Bản đã thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng.

Cùng đó, chúng ta cũng nói rõ với phía Nhật Bản rằng ODA dành cho Việt Nam không phải là vấn đề quyền lợi của Việt Nam mà là quyền lợi của hai nước. Chúng ta đã thực hiện rất hiệu quả nguồn vốn này và từ đó tạo điều kiện cho các công ty Nhật có thể tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua việc thực hiện các dự án cụ thể.

Đối với Việt Nam, nguồn vốn viện trợ nước ngoài là nguồn vốn quan trọng, trong đó đặc biệt là vốn tài trợ từ Nhật Bản.

Kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã tài trợ cho chúng ta gần 14 tỷ USD, chiếm 1/3 trong tổng số vốn tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhật Bản đã giúp chúng ta nhiều trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Thông qua viện trợ phát triển, các công ty Nhật Bản cũng có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cũng giúp cho các nhà đầu tư của Nhật Bản có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn để đầu tư.

Bộ trưởng có bình luận gì về quyết định của Chính phủ Nhật Bản nối lại ODA sau một thời gian tạm ngưng?

Việc Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam sau một thời gian tạm ngưng cung cấp ODA chứng tỏ sự đánh giá cao của Nhật Bản đối với quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam cũng như đối với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường pháp lý và sử dụng hiệu quả các dự án ODA bao gồm cả công tác phòng chống tham nhũng.

Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam đến nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam. Với 83,21 tỷ Yên tín dụng ưu đãi được chính thức ký kết ngày 31/3, cam kết ODA (bao gồm viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi) của Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam từ năm 1992 đến nay đạt 1.477 tỷ Yên.

Điều đó cũng thể hiện niềm tin của phía bạn dành cho Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả vốn ODA. Thực tế thì Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất thế giới.

Công hàm có phải là bước khởi động chính thức cho sự trở lại của một loạt các dự án vay vốn ODA của Nhật tại Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Công hàm trao đổi được ký ngày 31/3 quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng 83,201 tỷ Yên tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở điều kiện khung này, cũng trong ngày 31/3, tại Tokyo, Thứ trưởng Bộ Tài chính VN và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký 4 hiệp định tín dụng cụ thể cho 4 dự án trong tài khóa năm 2009.

Bộ trưởng có thể cho biết đó là những dự án cụ thể nào và tầm quan trọng của những dự án này?

Các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa 2009 là những dự án rất quan trọng.

Trước hết, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, tuyến số 2, giai đoạn 1 có giá trị 14,688 tỷ Yên).

Dự án này sẽ giúp giải quyết vấn đề vận tải trong nội đô Hà Nội từ phía Nam cầu Thăng Long đến trung tâm thành phố. Đây là dự án rất lớn, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô.

Dự án thứ hai là dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội, giai đoạn 2. 29,289 tỷ Yên vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản sẽ được sử dụng thực hiện giai đoạn 2 của dự án, đó là mở rộng ra ngoài phạm vi của sông Tô Lịch và tăng cường khả năng thoát nước ra sông Nhuệ, góp phần giải quyết tình trạng úng ngập, cải thiện môi trường hiện nay ở Hà Nội.

Dự án thứ ba là cải thiện môi trường thành phố Hải Phòng có số vốn 21,306 tỷ Yên sẽ giúp nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý chất thải lỏng ở thành phố này.

Dự án thứ tư là dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để nâng cấp mạng lưới đường bộ giai đoạn 2, với số vốn 17,918 tỷ Yên. Đây là dự án nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ. Trong khuôn khổ dự án này, nhiều cầu và đường bộ sẽ được xây dựng ở một số tỉnh.