Nhật ký nghị trường: Cơ hội lịch sử
Tâm tư về cơ hội lịch sử sửa Hiến pháp của một số vị đại biểu Quốc hội
Gần 17h chiều 4/6, đại biểu thứ 86 dừng lời, màn hình lớn ở hội trường vẫn chạy danh tính 33 vị đã đăng ký nhưng chưa được đăng đàn, trong khi Phó chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc hai ngày thảo luận của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Cũng dễ hiểu khi có tới 119 vị muốn thể hiện chính kiến của mình tại các phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp này, bởi nói như nhiều đại biểu, thì sửa Hiến pháp là một cơ hội lịch sử mà không phải Quốc hội khóa nào cũng được trao.
Sự “ấm ức” của một số vị đại biểu phải “xếp hàng sau” dù nhấn nút đăng ký rất sớm đã khiến cho đoàn thư ký kỳ họp ngày 3/6 đã phải gửi văn bản giải thích cặn kẽ hơn về quy trình hoạt động của hệ thống đăng ký phát biểu.
Theo đó thì để đảm bảo khách quan, công bằng nên từ kỳ họp thứ ba hệ thống này chỉ được kích hoạt khi có chuông báo phiên họp bắt đầu, nên nếu đăng ký trước đó thì cũng sẽ không cập nhật được vào danh sách trên màn hình.
Hơn nữa, đây là hệ thống đã cũ (sản xuất trước năm 2002) chỉ tiếp nhận được tối đa 80 vị trí đăng ký, nên từ vị thứ 81 cũng có thể khó thành công nếu không nắm rõ kỹ thuật.
Tuy nhiên, để đảm bảo linh hoạt và đáp ứng yêu cầu đặt ra thì thứ tự phát biểu còn phụ thuộc vào sự điều hành của chủ tọa, nên đôi khi “ấm ức” cũng là điều khó tránh.
Được mời phát biểu sau cùng chiều nay là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng thời là Phó trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Phúc. "Lời hay ý đẹp thì các vị trước đã nói hết, nhưng vẫn mong nhận được sự chia sẻ", ông Phúc nói lời mở đầu.
Nhận xét về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ông Phúc cho rằng điều cần nhấn mạnh là bên cạnh số lượng nhiều là chất lượng rất cao và phong phú đa dạng của các loại ý kiến. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cố gắng tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến xác đáng hợp lý của nhân dân.
Tuy nhiên, “nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp thu như vậy còn chừng mực, có ý kiến còn cho rằng thể hiện sự quá dè dặt, sự do dự, chưa thấy tính đột phá trong cải cách đổi mới, tôi cũng thấy như vậy”, ông Phúc nói.
Trước ông Phúc không lâu, một thành viên khác của Ban biên tập, đại biểu Dương Trung Quốc cũng đăng đàn trong phiên cuối của hai ngày thảo luận.
“Trong lần thảo luận này, chúng ta đã chứng kiến một ý chí thống nhất khá cao của các đại biểu, nhằm thể hiện rõ quan điểm mang tính nguyên tắc của Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp chỉ là hiến định hóa Cương lĩnh chính trị của Đảng, mà với lần sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra là Cương lĩnh của Đại hội 11 về giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nhà sử học vào đề.
Từ nhận xét trên, ông Quốc cho rằng không cần thiết đề cập tới những vấn đề vốn rất hệ trọng nhưng đã được định chế không thể thay đổi so với dự thảo ban đầu, như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân...
Và, ý kiến cụ thể đầu tiên được đại biểu Quốc đóng góp ý là việc Hiến pháp phải khẳng định những quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được thực thi đầy đủ.
Bên cạnh thực trạng là quyền phúc quyết của nhân dân đã được nêu lên trong Hiến pháp của nước ta từ lâu mà chưa thực hiện chỉ vì thiếu luật, đại biểu Quốc nói ông muốn nhấn mạnh đến các quyền tự do hội họp (trong đó có quyền biểu tình), quyền lập hội và luật thực thi “trưng cầu dân ý”.
Bởi chính vì thiếu những công cụ ấy, nên theo ông, việc thu thập ý kiến của nhân dân đã được tiếp thu và phản ảnh vào dự thảo thực sự vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Theo nhìn nhận của ông thì con số 26 triệu người tham gia, gần 30 ngàn cuộc sinh hoạt, hay trong hàng chục vạn người tham gia đóng góp ý kiến ở địa phương mình chỉ có một vài ý kiến khác với dự thảo, thí dụ như việc đổi tên nước... như phát biểu của một số đoàn đại biểu địa phương vẫn chỉ là những con số nói đến quy mô của sự việc.
Vấn đề là phương thức thu thập ý kiến của nhân dân và những công cụ của nhân dân để thực thi quyền tự do bày tỏ theo luật định khiến cho mục tiêu “lấy ý kiến của nhân dân” chưa có cơ sở để định lượng một cách thuyết phục, ông phân tích.
Vì thế, đề nghị được ông Quốc đưa ra là điều 3 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân... phải có thêm nội dung: mọi quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được bảo đảm được thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất.
Theo sát quá trình thảo hiến, vị đại biểu dày dạn kinh nghiệm lập pháp này cho rằng “sự dở dang của những vấn đề hệ trọng liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp đang đặt ra sự lưỡng lự của một số đại biểu Quốc hội đối với những nội dung trong dự thảo sửa đổi và thời điểm thông qua tại kỳ họp tới của Quốc hội”.
Tiếp theo nhiều phân tích về khoảng cách giữa đòi hỏi thực tiễn và bản dự thảo Hiến pháp, đại biểu Quốc cho rằng, một thảo luận đầy đủ hơn để đi đến kết luận là tiếp tục sửa đổi Hiến pháp 1992, hay xây dựng một hiến pháp mới nhằm triển khai, kế thừa những gì mà chúng ta đã chuẩn bị và thực thi, phải chăng là câu hỏi được đặt ra với thời điểm này?
"Quốc hội khóa 13 có một trách nhiệm lịch sử, đó là đóng vai trò Quốc hội lập hiến, do đó, tất cả những vấn đề khác nhau cần thảo luận đến cùng, để đi đến quyết định chịu trách nhiệm trước nhân dân", một thành viên nữa trong ban biên tập, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch ở phiên thảo luận chiều qua cũng đã tỏ bày.
Cũng dễ hiểu khi có tới 119 vị muốn thể hiện chính kiến của mình tại các phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp này, bởi nói như nhiều đại biểu, thì sửa Hiến pháp là một cơ hội lịch sử mà không phải Quốc hội khóa nào cũng được trao.
Sự “ấm ức” của một số vị đại biểu phải “xếp hàng sau” dù nhấn nút đăng ký rất sớm đã khiến cho đoàn thư ký kỳ họp ngày 3/6 đã phải gửi văn bản giải thích cặn kẽ hơn về quy trình hoạt động của hệ thống đăng ký phát biểu.
Theo đó thì để đảm bảo khách quan, công bằng nên từ kỳ họp thứ ba hệ thống này chỉ được kích hoạt khi có chuông báo phiên họp bắt đầu, nên nếu đăng ký trước đó thì cũng sẽ không cập nhật được vào danh sách trên màn hình.
Hơn nữa, đây là hệ thống đã cũ (sản xuất trước năm 2002) chỉ tiếp nhận được tối đa 80 vị trí đăng ký, nên từ vị thứ 81 cũng có thể khó thành công nếu không nắm rõ kỹ thuật.
Tuy nhiên, để đảm bảo linh hoạt và đáp ứng yêu cầu đặt ra thì thứ tự phát biểu còn phụ thuộc vào sự điều hành của chủ tọa, nên đôi khi “ấm ức” cũng là điều khó tránh.
Được mời phát biểu sau cùng chiều nay là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng thời là Phó trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Phúc. "Lời hay ý đẹp thì các vị trước đã nói hết, nhưng vẫn mong nhận được sự chia sẻ", ông Phúc nói lời mở đầu.
Nhận xét về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ông Phúc cho rằng điều cần nhấn mạnh là bên cạnh số lượng nhiều là chất lượng rất cao và phong phú đa dạng của các loại ý kiến. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cố gắng tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến xác đáng hợp lý của nhân dân.
Tuy nhiên, “nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp thu như vậy còn chừng mực, có ý kiến còn cho rằng thể hiện sự quá dè dặt, sự do dự, chưa thấy tính đột phá trong cải cách đổi mới, tôi cũng thấy như vậy”, ông Phúc nói.
Trước ông Phúc không lâu, một thành viên khác của Ban biên tập, đại biểu Dương Trung Quốc cũng đăng đàn trong phiên cuối của hai ngày thảo luận.
“Trong lần thảo luận này, chúng ta đã chứng kiến một ý chí thống nhất khá cao của các đại biểu, nhằm thể hiện rõ quan điểm mang tính nguyên tắc của Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp chỉ là hiến định hóa Cương lĩnh chính trị của Đảng, mà với lần sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra là Cương lĩnh của Đại hội 11 về giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nhà sử học vào đề.
Từ nhận xét trên, ông Quốc cho rằng không cần thiết đề cập tới những vấn đề vốn rất hệ trọng nhưng đã được định chế không thể thay đổi so với dự thảo ban đầu, như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân...
Và, ý kiến cụ thể đầu tiên được đại biểu Quốc đóng góp ý là việc Hiến pháp phải khẳng định những quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được thực thi đầy đủ.
Bên cạnh thực trạng là quyền phúc quyết của nhân dân đã được nêu lên trong Hiến pháp của nước ta từ lâu mà chưa thực hiện chỉ vì thiếu luật, đại biểu Quốc nói ông muốn nhấn mạnh đến các quyền tự do hội họp (trong đó có quyền biểu tình), quyền lập hội và luật thực thi “trưng cầu dân ý”.
Bởi chính vì thiếu những công cụ ấy, nên theo ông, việc thu thập ý kiến của nhân dân đã được tiếp thu và phản ảnh vào dự thảo thực sự vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Theo nhìn nhận của ông thì con số 26 triệu người tham gia, gần 30 ngàn cuộc sinh hoạt, hay trong hàng chục vạn người tham gia đóng góp ý kiến ở địa phương mình chỉ có một vài ý kiến khác với dự thảo, thí dụ như việc đổi tên nước... như phát biểu của một số đoàn đại biểu địa phương vẫn chỉ là những con số nói đến quy mô của sự việc.
Vấn đề là phương thức thu thập ý kiến của nhân dân và những công cụ của nhân dân để thực thi quyền tự do bày tỏ theo luật định khiến cho mục tiêu “lấy ý kiến của nhân dân” chưa có cơ sở để định lượng một cách thuyết phục, ông phân tích.
Vì thế, đề nghị được ông Quốc đưa ra là điều 3 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân... phải có thêm nội dung: mọi quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được bảo đảm được thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất.
Theo sát quá trình thảo hiến, vị đại biểu dày dạn kinh nghiệm lập pháp này cho rằng “sự dở dang của những vấn đề hệ trọng liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp đang đặt ra sự lưỡng lự của một số đại biểu Quốc hội đối với những nội dung trong dự thảo sửa đổi và thời điểm thông qua tại kỳ họp tới của Quốc hội”.
Tiếp theo nhiều phân tích về khoảng cách giữa đòi hỏi thực tiễn và bản dự thảo Hiến pháp, đại biểu Quốc cho rằng, một thảo luận đầy đủ hơn để đi đến kết luận là tiếp tục sửa đổi Hiến pháp 1992, hay xây dựng một hiến pháp mới nhằm triển khai, kế thừa những gì mà chúng ta đã chuẩn bị và thực thi, phải chăng là câu hỏi được đặt ra với thời điểm này?
"Quốc hội khóa 13 có một trách nhiệm lịch sử, đó là đóng vai trò Quốc hội lập hiến, do đó, tất cả những vấn đề khác nhau cần thảo luận đến cùng, để đi đến quyết định chịu trách nhiệm trước nhân dân", một thành viên nữa trong ban biên tập, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch ở phiên thảo luận chiều qua cũng đã tỏ bày.