22:09 03/06/2013

Nhật ký nghị trường: Câu chuyện lòng tin

Nguyên Thảo

Nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân là cụm từ được nhắc đến dày đặc hôm 3/6

Thủ tướng trao đổi với đại biểu giờ giải lao thảo luận về Hiến pháp - Ảnh: N.H.
Thủ tướng trao đổi với đại biểu giờ giải lao thảo luận về Hiến pháp - Ảnh: N.H.
Giờ giải lao phiên thảo luận toàn thể về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sáng 3/6, Thủ tướng vui vẻ trò chuyện với một số vị đại biểu Quốc hội bên hành lang.

Nhưng không phải về Hiến pháp, mà về dư âm phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 của ông, với thông điệp về củng cố lòng tin chiến lược. Nói vui khi nhận được lời đề nghị được phỏng vấn từ báo chí, rằng “mấy bữa nay nói khản cổ, mà cũng đầy đủ lắm rồi”, song Thủ tướng khá hào hứng với chủ đề Shangri-La.

Nhắc lại một số câu hỏi “khó” được dẫn cả ở báo chí nước ngoài dành cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, một vị đại biểu bình luận “thời buổi này mà anh Ba đặt câu chuyện chữ tín - niềm tin thật quá đã”.

Chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ về câu chuyện củng cố lòng tin chỉ dừng lại khi chuông báo hết giờ nghỉ. Cùng với Thủ tướng, nhiều quan chức Chính phủ cũng chăm chú lắng nghe các góp ý nhiều chiều về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong cả ngày 3/6.

Như mọi người dân, các thành viên Chính phủ đều đã có cơ hội thể hiện chính kiến vào bản dự thảo Hiến pháp.

Trong báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được gửi đến các vị đại biểu, có riêng một phần tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ, qua phiếu lấy ý kiến về một số vấn đề cụ thể.

Theo đó, một số quy định - trong đó có việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp - có số người tán thành và không tán thành đều không quá bán.

12/25 vị đồng ý phương án “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.

10/25 thành viên đồng ý phương án “Dự thảo Hiến pháp được trưng cầu ý dân sau khi Quốc hội thông qua với ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”, đồng thời bổ sung quy định “Trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân do luật định”.

Có 3 thành viên Chính phủ không tán thành cả hai phương án. Trong đó, một vị cho rằng vấn đề trưng cầu ý dân không nên đặt ra trong dự thảo Hiến pháp, vì các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục xây dựng Hiến pháp đã loại bỏ sự cần thiết của việc trưng cầu ý dân.

Nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân cũng là cụm từ được nhắc đến dày đặc tại phiên thảo luận toàn thể về dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày đầu tiên.

Ở quy định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" tại điều 2, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ phản ánh sự đồng tình của cử tri, song bà cũng nêu lên nỗi băn khoăn khi người dân - người chủ của quyền lực nhà nước - đang gặp nhiều khó khăn, phiền hà trong các việc như khám chữa bệnh, học hành, xin việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn.

Tất cả những việc nêu trên, rất nhiều trường hợp người dân phải như đi xin, đi nhờ thậm chí phải phong bì mới được giải quyết. Như vậy, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, đang bị một số tổ chức và cá nhân làm ngược lại.

Từ lập luận này, bà Huệ đề nghị hiến định "tất cả các hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật".

Góp ý về điều 4, đại biểu Huệ cũng đề nghị bổ sung nội dung "Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật" sau quy định "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Phản ánh còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đại biểu Huệ cho rằng cán bộ Đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết nào đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân, thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật.

“Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể. Trong Đảng có điều lệ, có quy định, có quy chế để điều chỉnh, xem xét, xử lý các vấn đề trên. Nhưng đó là việc nội bộ của Đảng, vì vậy người dân khó có ý kiến vào công việc nội bộ của Đảng”, bà Huệ phát biểu.

Cũng xuất phát từ đề nghị của nhiều cử tri, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Chu Sơn Hà đã bày tỏ quan điểm khác với đại đa số ý kiến cho rằng việc đổi tên nước sẽ gây nhiều hệ lụy.

Trước khi đại biểu Hà phát biểu, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời với mục tiêu con đường đi liền chủ nghĩa xã hội, và dễ bị lợi dụng tuyên truyền không hay.

Song ông Chu Sơn Hà quả quyết "chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh của một dân tộc Việt Nam anh hùng thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc và làm cho nhân dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội".

Sau phát biểu của đại biểu Hà, tại phiên buổi chiều, lập luận về không nên đổi tên nước tiếp tục được đưa ra.

Kết thúc ngày thảo luận toàn thể đầu tiên, 42 vị đại biểu đã đăng đàn, con số các vị đã đăng ký cho ngày hôm sau nhiều gấp đôi. Trương Trọng Nghĩa, Võ Thị Dung, Phan Văn Quý, Dương Trung Quốc, Hoàng Hữu Phước, Vũ Tiến Lộc… là những vị có tên trong danh sách chờ.

Với thời gian phát biểu được nới từ 7 lên 10 phút cho một lần phát biểu, chắc chắn không đủ thời gian cho tất cả các vị đại biểu đã đăng ký thể hiện chính kiến. Song số lượng góp ý chưa phải là điều quan trọng nhất với công việc vô cùng hệ trọng như sửa Hiến pháp.

Chiều 3/6, nhắc lại câu chuyện về lòng tin trong bài phát biểu đang còn dư âm rất mạnh mẽ của Thủ tướng, một vị đại biểu nói rằng, nếu có cơ hội, ông cũng sẽ đặt câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ về vấn đề niềm tin của cử tri trong bối cảnh hiện nay.