20:57 28/05/2013

Nhật ký nghị trường: Nghỉ sớm...

Nguyên Thảo

Một số vị đại biểu gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”

Vẫn không quá khó để bắt gặp các ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, chất lượng.
Vẫn không quá khó để bắt gặp các ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, chất lượng.
15h30, thay vì giải lao như mọi bữa, Quốc hội kết thúc phiên họp chiều. Phần thảo luận buổi sáng ở nhiều tổ cũng “về đích” khá sớm so với thời gian biểu thông thường là 11h30.

Nếu nhìn vào nội dung cần bàn thảo thì điều này hơi khó hiểu một chút. Bởi không nhiều phiên họp tổ được bố trí thảo luận đến ba đầu việc như sáng nay. Trong đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp đều là hai dự án luật mới được trình tại kỳ này.

Bên cạnh đó còn có thêm việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào, cũng không dễ gì đưa ra ngay quyết định.

Buổi chiều, thời gian làm việc chỉ có 3 tiếng kể cả nghỉ giải lao (từ 14 giờ đến 17 giờ) cũng gồm hai nội dung. Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Với quy trình rút gọn, được thông qua trong một kỳ họp, những tưởng đây sẽ là dự án luật được bàn thảo, tranh luận sôi nổi. Nhưng không, chỉ có 10 đại biểu nhấn nút và hầu hết đều không sử dụng hết tiêu chuẩn 7 phút, ban soạn thảo cũng không lên tiếng.

Đem thắc mắc về không khí trầm lắng không chỉ ở phiên thảo luận chiều nay tâm tư với một vị đại biểu chuyên trách, ông nhìn nhận, có nguyên nhân từ một số vị đại biểu gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”.

Dù vậy, theo ông, nếu chịu khó chắt lọc cũng có thể tìm thấy những “viên ngọc” sáng, là những ý kiến thực sự có giá trị.

Không chỉ người viết bài này mà các đồng nghiệp trong cuộc trao đổi cũng bày tỏ đồng tình với ông.

Bởi, chả nói đâu xa, trong hai buổi thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm qua đã có không ít ý kiến được cử tri đồng cảm, và rất có thể đã lay động tâm tư của nhiều vị đại biểu khác.

Nhà sử học Dương Trung Quốc mạnh mẽ “đòi” công cụ để có thể thực hiện việc trưng cầu dân ý, bởi bất kỳ lúc nào ta cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân, nhưng toàn là chuyện nhân danh cả.

Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý nói, khi ban biên tập lập luận cho phương án tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đã giải trình “rất thuyết phục”. Và thành viên ban biên tập, ông Dương Trung Quốc xác nhận, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án cho Quốc hội thảo luận và để người dân cùng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng không ngần ngại nói rằng việc lấy ý kiến nhân dân quá gấp gáp và "đối phó", trong khi Hiến pháp là "sản phẩm của nhân dân", Quốc hội thay mặt nhân dân để biểu quyết, xác định nhân dân là chủ thể xây dựng Hiến pháp.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, khi thảo luận ở tổ về chương trình xây dựng luật cho 2014 cũng “xung phong” tập hợp các chuyên gia xây dựng Luật Biểu tình theo đúng Hiến pháp để tiết kiệm ngân sách nhà nước và kịp đưa vào chương trình năm sau..

Và sáng nay, góp ý về dự án Luật sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp, một vị đại biểu đã đề nghị cơ quan trình dự án này cần phải thể hiện sự tôn trọng Quốc hội hơn nữa, phải làm rõ những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã yêu cầu thì Quốc hội mới có thể biểu quyết được....
 
Vẫn không quá khó để bắt gặp các ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, chất lượng. Nhưng chừng nào mà số các vị đại biểu khi đã đến nghị trường chỉ đặt mình ở vị trí đại diện cho dân - như tâm sự của Trung tướng Trần Văn Độ - chưa chiếm tuyệt đại đa số thì Quốc hội sẽ vẫn có những phiên nghỉ sớm, dù thời gian cho mỗi kỳ họp luôn được “cân đong” kỹ càng.

Nếu không phải Quốc hội thì ai sẽ nói lên nguyện vọng của cử tri, của nhân dân, vị đại biểu chiều nay nán lại trò chuyện cùng cánh phóng viên đã không đặt dấu chấm hỏi cuối câu này. Dường như ông tự nhắc mình, dù cho đến hôm nay ông vẫn là một trong số không nhiều các vị đại biểu mang tiếng “nói nhiều” ở nghị trường.