14:24 25/07/2024

Nhiều địa phương nỗ lực phát triển quà tặng du lịch

Tường Bách

Quà tặng du lịch góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh địa phương. Tuy nhiên, thị trường này tại Việt Nam vẫn còn nhiều “khoảng trống”, chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách… 

Một trong những sản phẩm lưu niệm được yêu thích tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Một trong những sản phẩm lưu niệm được yêu thích tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của du lịch, yêu cầu đặt ra cho các địa phương là phải không ngừng đa dạng hóa chất lượng sản phẩm du lịch. Sự đa dạng hóa ở đây không chỉ là việc đầu tư, chăm chút để tăng sức hấp dẫn của sản phẩm mà còn là đáp ứng tốt các thị hiếu của du khách tại một điểm đến, trong đó có nhu cầu mua sắm.

Trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã có những chương trình phát động khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm mang đặc trưng và in đậm dấu ấn văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng những sản phẩm lưu niệm có dấu ấn văn hóa mang thương hiệu Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách đặc biệt là khách quốc tế. Điều đó cũng ảnh hưởng tới việc xúc tiến quảng bá thương hiệu cho du lịch Việt Nam, chưa khẳng định được thế mạnh về sản phẩm quà tặng mang hồn cốt văn hóa Việt.

Nhiều địa phương nỗ lực phát triển quà tặng du lịch - Ảnh 1
Nhiều địa phương nỗ lực phát triển quà tặng du lịch - Ảnh 2
 

Tại Hà Nội, du khách mỗi khi đến thăm quan di tích Văn Miếu đều ngạc nhiên khi tiếp cận sản phẩm lưu niệm là những bức tranh miêu tả Khuê Văn Các được làm bằng những hạt gạo. Tương tự, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra mắt những sản phẩm độc đáo là lá bàng sấy khô khắc hình di tích hay các bài thơ của chiến sĩ cách mạng...

Tuy nhiên, đây chỉ là những đại diện ít ỏi trong việc đưa ra sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch có sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết. Thực tế cho thấy, phần lớn các điểm tham quan trên địa bàn vẫn trong tình trạng thiếu vắng sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, độc đáo, đủ sức níu chân du khách.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng chia sẻ, Hà Nội được biết đến là vùng đất trăm nghề với 1.350 làng nghề nhưng hiện nay các sản phẩm quà lưu niệm vẫn na ná nhau, không có điểm nhấn. “Ở đâu người ta cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, móc khóa, bưu thiếp... với hình ảnh cô gái mặc áo dài, xích lô, gánh hàng rong. Có vẻ khả dĩ hơn là các sản phẩm gốm, sứ, nhiều du khách dù rất thích vẫn đành bỏ qua vì kích thước quá lớn và nặng”, ông Thắng thông tin.

Tương tự, vùng đất cố đô Ninh Bình được đánh giá có tiềm năng lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch, bởi đa dạng về điều kiện tự nhiên, có bề dày văn hóa, lịch sử và đón lượng du khách lớn (năm 2023 đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch). Tuy nhiên, như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng chỉ ra, việc phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm trên địa bàn còn hạn chế, chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chưa thể hiện nét riêng về văn hóa, con người của vùng đất cố đô.

Được biết, đến năm 2025, ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu đưa doanh thu từ bán hàng lưu niệm đạt 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm 30% doanh thu của ngành du lịch.
Được biết, đến năm 2025, ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu đưa doanh thu từ bán hàng lưu niệm đạt 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm 30% doanh thu của ngành du lịch.

TS. Nguyễn Huy Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhận xét tận dụng thế mạnh có sẵn, Ninh Bình nên hướng tới sử dụng các nguyên liệu tự nhiên địa phương để tạo ra các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm. PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, đề xuất ý tưởng thiết kế "quà lưu niệm di sản" ở Tràng An từ di vật thời tiền sử, như: đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An; đồ gốm tiền sử, chùa Nhất Trụ; cột kinh Phật nhà Đinh; đồng tiền nhà Đinh thế kỷ X...

Tại Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, quầy quà lưu niệm Cậu Ba của chị Bùi Thị Thùy Trang đang trưng bày, giới thiệu các mặt hàng khá đa dạng. Chiếm số lượng nhiều nhất là những món quà lưu niệm như: bộ nhạc cụ đờn ca tài tử, mô hình xe của Công tử Bạc Liêu bằng gỗ, túi xách lục bình, những dụng cụ đánh bắt của nông dân miền Tây được làm từ tre; một số đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh như: muối, nước mắm, mắm chua, rượu Công tử Bạc Liêu…

Chị Thùy Trang cho biết: “Chúng tôi đã ký kết với các hợp tác xã đan đát, cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, chủ thể sản phẩm OCOP trong tỉnh để mỗi món quà, đặc sản là một cách thức để du khách nhớ nhiều, hiểu sâu hơn về Bạc Liêu”. Lần đầu đến Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, bà Jade Phạm, Việt kiều Mỹ, tỏ ra thích thú với những món quà lưu niệm được bày bán tại đây. Sau khi nghe lời giới thiệu của người bán hàng, du khách này quyết định chọn mua bộ nhạc cụ đờn ca tài tử bằng gỗ và cho biết sẽ trưng tại nhà để lưu dấu việc đã từng đến miền Tây.

Chiếc vòng tay mang mã QR quảng bá tour tuyến chuyên biệt cho khách du lịch tàu biển được trao tặng miễn phí.
Chiếc vòng tay mang mã QR quảng bá tour tuyến chuyên biệt cho khách du lịch tàu biển được trao tặng miễn phí.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ khi du lịch tàu biển nối lại hậu đai dịch, Sở Du lịch tỉnh luôn mong muốn lan tỏa hơn nữa vẻ đẹp vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu đến phân khúc khách này. Năm 2023, một mẫu vòng tay đã đạt giải Nhất cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng địa phương năm 2023 do Tỉnh Đoàn tổ chức. Chiếc vòng đeo tay handmade nhỏ gọn, phần dây thổ cẩm nhiều màu được đan kết xinh xắn và quan trọng hơn cả là mặt hình tròn tích hợp mã QR chứa các dữ liệu về du lịch địa phương.

Ngay sau cuộc thi, Sở Du lịch đặt vấn đề với tác giả để mua bản quyền, chỉnh sửa một số chi tiết và đặt hàng sản xuất. Đến cuối năm 2023 chiếc vòng hoàn thiện. Khi quét mã QR, du khách sẽ thấy hình ảnh và thông tin 48 di tích, danh thắng đã được xếp hạng của Bà Rịa-Vũng Tàu. Bên cạnh đó là 6 tour chuyên biệt cho khách du lịch tàu biển đã được Sở Du lịch xác lập từ kết quả phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách tàu biển. Các tour tuyến đều có hình ảnh, thông tin đi kèm bằng tiếng Anh.

Thông qua Royal Carribbean International - hãng tàu chiếm hơn 50% thị phần du lịch tàu biển toàn cầu - Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đã gửi 2.000 vòng đặt trên các tàu du lịch của hãng này. Còn 1.000 vòng được đặt tại Trung tâm thương mại GO! TP.Bà Rịa, nơi khách du lịch tàu biển thường dừng chân tham quan mua sắm.  

 

Sở Du lịch Khánh Hòa đang tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa lần thứ hai, từ ngày 19/7 đến 30/9. Trước đó, vào tháng 4/202, Khánh Hòa đã phát động cuộc thi để lựa chọn sản phẩm quà tặng du lịch nhưng không chọn được tác phẩm để trao giải vì chất lượng tác phẩm chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ban tổ chức khuyến khích những mẫu sản phẩm sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao, thuận tiện chế tác; sản phẩm phải thể hiện được nét đặc trưng, ý nghĩa của du lịch địa phương gồm các di tích, danh lam thắng cảnh như Tháp bà Ponagar, tháp Trầm Hương, Mũi Đôi, cột mốc chủ quyền Trường Sa.