Vì sao xu hướng nghỉ dưỡng chữa lành lại “hot”?
Những chuyến đi tập trung vào “chữa lành” đang ngày càng phát triển và trở thành một ngành công nghiệp lớn, đáng giá tỷ USD. Trên thế giới, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng đầu đang đầu tư thêm vào cơ sở vật chất để theo kịp xu hướng…
Nghỉ dưỡng chữa lành (Reboot Retreats) được hiểu là chuyến đi nghỉ ngơi, trải nghiệm ở một điểm đến nhằm nâng cao sức khỏe, giúp thư giãn tâm trí, tinh thần. Hình thức này thường được tích hợp trong các mô hình du lịch sinh thái với các hoạt động chăm sóc sức khỏe như đi bộ, thiền, yoga, ẩm thực... Qua đó, những chuyến nghỉ dưỡng chữa lành không chỉ nhằm thụ hưởng, nghỉ ngơi, mà còn là cơ hội khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về văn hóa điểm đến như một cách để cảm nhận về giá trị cuộc sống.
Năm 2023, trang booking.com đã ủy thác nghiên cứu trên 27 nghìn khách du lịch trên 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, kết hợp với dữ liệu của nền tảng du lịch kỹ thuật số đã đưa ra 7 dự đoán du lịch trong năm 2024. Theo đó, xu hướng nghỉ dưỡng chữa lành được dự đoán không chỉ thống trị trong năm 2024 mà sẽ còn có phủ sóng trong những năm tiếp theo. Xu hướng này giống như một “liều thuốc tinh thần” cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại, khuyến khích du khách “ngắt kết nối” khỏi những công việc bận rộn và áp lực mỗi ngày để dành thời gian kết nối lại với chính mình.
Cụ thể, báo cáo Dự đoán Du lịch năm 2024 của Booking.com đã chỉ ra rằng gần hai phần ba (66%) du khách đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết muốn đi du lịch chỉ để có một giấc ngủ chất lượng, không bị gián đoạn. Xu hướng này đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, nơi 83% du khách tìm kiếm kỳ nghỉ tập trung hoàn toàn vào giấc ngủ. Tiếp theo là Hong Kong và Thái Lan lần lượt với 76% và 75%. Việt Nam xếp vị trí thứ 6, cùng hạng với Singapore với tỷ lệ là 67%.
Nền tảng du lịch trực tuyến đánh giá khi căng thẳng và tình trạng rối loạn giấc ngủ ngày càng diễn ra thường xuyên, du lịch ngủ nổi lên như một yếu tố cơ bản của nghỉ dưỡng chữa lành, vừa mang sức hấp dẫn của một chuyến đi, đồng thời giải quyết nhu cầu thiết yếu về chất lượng giấc ngủ. “Xã hội ngày càng hối hả, giấc ngủ dần trở thành một thứ tài nguyên quý giá và du lịch ngủ được dự đoán là một xu hướng nghỉ dưỡng phổ biến", Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam chia sẻ.
Thực tế, nhiều chuỗi khách sạn nổi tiếng thế giới đang mở rộng dịch vụ chăm sóc giấc ngủ cho khách hàng. Ông Sindhu Gangola, người sở hữu và điều hành Grand Oak Manor, một khu nghỉ dưỡng ở bang Uttarakhand phía bắc Ấn Độ, cho biết những khu nghỉ dưỡng nhìn ra đồi núi, rừng cây, biển hay sông suối và biệt lập đòi hỏi du khách phải đi bộ đường dài mới có thể tiếp cận, đa phần đều có tác dụng kỳ diệu đối giấc ngủ.
Bên cạnh đó, một số du khách khác lại thích cách tiếp cận giấc ngủ mang tính can thiệp hơn, trong đó phải kể đến các gói chăm sóc kéo dài nhiều ngày có sự tham gia của các chuyên gia, chế độ ăn kiêng, chương trình spa hoặc ghế bập bênh giống như kén. Chẳng hạn như, khu nghỉ dưỡng Four Seasons Bali tại Sayan, mang đến trải nghiệm Sacred Nap, kết hợp những chiếc võng đưa du khách vào giấc ngủ ngon trong âm thanh của thiên nhiên. Hay Khách sạn Shangri-La ở Singapore cung cấp chương trình "Better Sleep" với sự kết hợp giữa các liệu pháp spa và bồn tắm chăm sóc sức khỏe và thực đơn gồm các món ăn giàu dinh dưỡng.
Báo cáo của HTF Market Intelligence, một tổ chức nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Ấn Độ cũng nhấn mạnh dịch vụ ngủ nghỉ đang trở thành một phần không thể thiếu trong danh mục du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Đây là một phân khúc sẵn sàng hướng tới mức tăng trưởng lành mạnh 8% mỗi năm và trị giá 400 tỷ USD vào năm 2028. "Vấn đề mà nhiều người đang gặp phải trên toàn cầu là ngủ không đủ giấc, tâm trí không được thả lỏng, được xem là tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng", báo cáo HTF Market Intelligence ghi nhận.
Một số xu hướng nổi bật khác thuộc nhóm nghỉ dưỡng chữa lành bao gồm cả kỳ nghỉ lãng mạn cho “hội” độc thân. Theo đó, 62% du khách Việt Nam độc thân chia sẻ rằng họ sẽ dành thời gian trong kỳ nghỉ của mình để tìm kiếm một mối tình hay người yêu mới. Mặt khác, 38% cho biết họ muốn dùng thời gian đi du lịch để chữa lành tổn thương sau khi chia tay.
Song song với đó, một kỳ nghỉ riêng tư cho các bậc phụ huynh cũng được xếp vào danh mục nghỉ dưỡng chữa lành. Bởi có đến 66% phụ huynh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn một chuyến du lịch riêng tư để không bị những hoạt động chăm sóc gia đình khiến tâm trí không thể thả lỏng. Booking.com thậm chí còn nhận thấy rằng 46% khách du lịch hy vọng dành thời gian để trải nghiệm lối sống tự cung tự cấp và tập trung nhiều hơn vào sự cân bằng giữa công việc và thời gian dành cho bản thân.
Tại Việt Nam, tọa đàm “Quốc gia hạnh phúc - vai trò và đóng góp của khoa học liên ngành” hồi đầu năm 2024 cho thấy, một trong các giải pháp giúp cải thiện chỉ số hạnh phúc của người Việt là phát triển các tour du lịch chữa lành. Về cơ bản, du lịch chữa lành tại Việt Nam là loại hình du lịch được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, với các hoạt động như thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng...
Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), hiện có nhiều điểm tương đồng về mặt nội hàm giữa du lịch “chữa lành” và một số hình thức du lịch khác như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh... nhưng du lịch chữa lành thiên nhiều hơn về mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du khách.
Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành thường tập trung vào các nhóm khách lẻ, ít người, song loại hình này lại đặc biệt thu hút khách quốc tế và dòng khách có khả năng chi trả cao. Mặt khác, du lịch nghỉ dưỡng chữa lành thường tập trung vào mùa thu - đông, do đó xu hướng du lịch này nếu được phát triển một cách bài bản, đúng hướng sẽ góp phần giải quyết vấn đề mùa vụ của ngành du lịch trong tương lai gần.