13:38 14/07/2022

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đạt khoảng 60 - 70% kế hoạch kinh doanh hè 

Tường Bách

Du lịch hè đang bước vào giai đoạn cao điểm. Dịp này, các địa phương đều tập trung mọi nguồn lực để chào đón và phục vụ khách du lịch. Một số công ty du lịch lớn đang có kế hoạch tăng tour hè năm nay so với kế hoạch ban đầu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tiếp nối nhiều tour tuyến kinh doanh hiệu quả từ hàng chục năm trước, hè 2022, những hành trình về với biển đảo như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết hoặc về với vùng núi cao mát mẻ quanh năm như Đà Lạt, Sa Pa tiếp tục dẫn đầu ưu tiên lựa chọn của du khách Việt năm nay. Ngoài ra, với tuyến đường di sản miền Trung như Huế - Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam) cũng khá chuộng khách trong mùa hè 2022 khi các địa phương này chào đón du khách bằng nhiều sự kiện du lịch đặc sắc như Tuần lễ Festival Huế, các hoạt động biểu diễn carnaval, sân khấu nghệ thuật cuối tuần…

VÀO MÙA CAO ĐIỂM TOUR

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho biết thực tế tính đến hết quý 2, doanh nghiệp đã đạt khoảng 60 - 70% kế hoạch kinh doanh hè. Công ty có kế hoạch tăng cường thêm tour cho mùa du lịch hè khoảng 20% nữa so với dự kiến. "Hiện chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường outbound và nội địa. Thực tế cho thấy, thị trường outbound bắt đầu sôi động hơn từ đầu tháng 6. Dự đoán từ nay đến cuối năm 2022, thị trường này sẽ chia sẻ bớt thị phần du lịch nội địa khi nhiều điểm đến hot đang dần được mở cửa đón khách trở lại,” bà Thu nói.

Công ty du lịch Vietravel dự kiến phục vụ khoảng 250.000 lượt khách hè này và hết tháng 6 đã nhận được hơn 155.000 lượt booking dịch vụ. Doanh nghiệp cho biết, khả năng sẽ phải mở thêm chỗ nhiều dịch vụ do khách đi du lịch không chỉ tập trung vào một thời điểm mà trải dài thậm chí tới tháng 8, đặt trước từ rất sớm. Tương tự, Saigontourist đặt kế hoạch phục vụ 280.000 lượt khách nhưng đến nay đã vượt 10% so với con số này.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá dịch vụ tour hè ở một số tuyến "hot" có tăng nhẹ từ 5% - 7%. Trong đó chủ yếu là khách du lịch MICE, khách theo nhóm và khách lẻ rất ít. Nhiều điểm đến bị quá tải chủ yếu do khách Việt vẫn còn tâm lý e ngại đi du lịch nước ngoài, khiến cho những khách hàng có điều kiện chi tiêu vẫn chọn du lịch trong nước. Nhóm khách này ưu tiên sử dụng các dịch vụ cao cấp, cơ sở lưu trú 4 - 5 sao... vì thế dòng sản phẩm này cũng trở nên nhộn nhịp trong mùa hè năm nay.

Nhiều điểm đến bị quá tải chủ yếu do khách Việt vẫn còn tâm lý e ngại đi du lịch nước ngoài nên chọn du lịch trong nước.
Nhiều điểm đến bị quá tải chủ yếu do khách Việt vẫn còn tâm lý e ngại đi du lịch nước ngoài nên chọn du lịch trong nước.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Flamingo Holding Group, nhận định: "Du lịch đang bùng nổ mạnh mẽ ở thị trường nội địa dịp hè này. Thống kê của Flamingo Redtours, lượng khách đi du lịch trong nước hè năm nay tăng 300% so với năm 2019 (trước dịch). Đối với các resort trong hệ thống, công suất phòng đạt từ 90% ngày trong tuần, riêng lượng khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị) tăng khoảng 500% so với trước dịch".

Về phía doanh nghiệp dịch vụ, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cũng đồng ý với nhận định hoạt động du lịch trên cả nước đang khôi phục rất khả quan. Các điểm đến của Sun World đang đón lượng khách lớn vào tất cả ngày trong tuần, chứ không chỉ là ngày lễ hay cuối tuần như trước. Tổng lượng khách đến với các Sun World trên cả nước trong tháng 6 đã đạt mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra đại dịch, thậm chí còn nhỉnh hơn đôi chút. 

Đại diện FLC Hotels & Resorts cũng cho biết, các quần thể du lịch do đơn vị này quản lý và khai thác thường xuyên ghi nhận công suất phòng dịp cuối tuần đạt trên 80%. Thời điểm này du khách cũng đã đặt trước phòng nghỉ đến gần hết tháng 8. Trong đó, khách du lịch MICE chiếm tỷ lệ khá lớn. Để phục vụ nhu cầu đang tăng cao, doanh nghiệp này đã tăng cường nhiều dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí cũng như liên kết với các doanh nghiệp đối tác trong lĩnh vực hàng không, công nghệ, bổ sung nhiều nhân lực chất lượng cao để tối ưu trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

CÒN ĐÓ NHIỀU NỖI LO

Một mùa hè bị biến đổi khí hậu không chỉ làm "nóng" mức nhiệt ngoài trời, mà còn giúp "phá băng" nhanh chóng cho ngành công nghiệp không khói sau hai năm ngưng trệ vì Covid-19. Tuy vậy, đi đôi với những tín hiệu mừng về lượng khách, công suất tour… thì vẫn còn đó nhiều vấn đề thách thức khiến doanh nghiệp lữ hành phải đau đầu.

 
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa.

Nguồn nhân lực du lịch vốn bị "thất thoát" trong suốt 2 năm bị "đóng băng", lại chưa có sự phục hồi tương ứng, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phải chật vậy xoay xở. Dù có gần 100 cộng tác viên là hướng dẫn viên, tuy nhiên Công ty VietSense Travel vẫn phải điều động cả các nhân viên khối văn phòng sang dẫn tour vào các dịp cao điểm. "Sau khi dịch trầm lắng, việc thiếu hụt nhân lực du lịch khá phổ biến. Không chỉ với VNTrip mà với nhiều khách sạn khác, thì việc tìm người đang khá khó khăn," bà Vũ Thị Hương Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNTRIP, chia sẻ.

Bên cạnh đó, dù du lịch sôi động, nhưng có một bộ phận lớn người tiêu dùng thời hậu đại dịch lựa chọn hình thức du lịch tự túc. Nhiều du khách tự tìm kiếm các voucher của các điểm đến qua các hội nhóm "thanh lý voucher” để tiết kiệm chi tiêu. Cùng với đó là tâm lý các điểm đến trong nước đã quá quen thuộc nên không cần hướng dẫn viên hay đơn vị tổ chức. Thực tế này khiến hầu như doanh thu của các công ty lữ hành hiện nay đều phải trông chờ vào các khách đoàn từ các công ty. 

Theo các doanh nghiệp, sự khác biệt lớn nhất của mùa hè năm 2022 là việc bùng nổ rất sớm của các chương trình du lịch MICE ngay từ đầu tháng 5.
Theo các doanh nghiệp, sự khác biệt lớn nhất của mùa hè năm 2022 là việc bùng nổ rất sớm của các chương trình du lịch MICE ngay từ đầu tháng 5.

Đặc biệt, theo ông Trần Văn Tùng, Tổng quản lý khách sạn Navada Nha Trang, giá vé máy bay hiện quá cao khiến nhiều doanh nghiệp lưu trú và doanh nghiệp bán tour gặp khó khăn. “Giá vé máy bay nội địa từ Hà Nội, TP.HCM đến Nha Trang tăng chóng mặt. Điều này đã làm cho chi phí tour tăng cao, trong khi giá phòng vẫn ở mức thấp và doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để thu hút khách,” ông Tùng nói. Theo ông, các doanh nghiệp đang rục rịch tăng giá dịch vụ, tour tuyến để cân bằng chi phí với đà tăng giá của thị trường, trong đó có chi phí xăng dầu, vé máy bay.

Và không chỉ giá vé máy bay, giá xăng tăng cũng ảnh hưởng đến giá xe du lịch. Theo đó, chi phí chạy xe du lịch tăng từ 15 - 25%. Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho biết: “Xe du lịch tăng từng tuần chứ không phải sau mỗi đợt giá xăng tăng khiến doanh nghiệp lữ hành không biết đường nào xoay xở. Bên cạnh đó, nhiều công ty xe không trụ được tài chính nên giải thể, nhân sự lái xe cũng thiếu vì lái xe không còn mặn mà với nghề”.

Nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành cho rằng, với những tour đã được ký kết (tour trọn gói), nếu như đơn vị không phụ thu thêm chi phí phát sinh thì buộc phải bù lỗ vào chi phí vận hành. Trường hợp, nếu như các doanh nghiệp đột ngột tăng giá thành dịch vụ cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và lượng khách có nhu cầu du lịch trong dịp nghỉ hè sẽ giảm mạnh. 

Trong bối cảnh “khó chồng khó”, đa số các doanh nghiệp đều mong mỏi nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa, khách du lịch quốc tế…, để thu hút du khách đến nhanh và đến nhiều hơn.