17:21 18/06/2024

Nhiều đường bay hết "sốt" vé dịp cao điểm du lịch hè

Ánh Tuyết

Trái ngược với tình trạng khan hiếm và "sốt" giá vé máy bay như trước đây, bước vào mùa cao điểm du lịch hè 2024, giá vé máy bay nội địa hạ nhiệt bất ngờ và tỷ lệ đặt chỗ ở mức trung bình thấp. Một số đường bay từ Hà Nội/TP.HCM đến các điểm nóng du lịch như: Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang mới dao động từ 70-80%...

Chặng bay có tỷ lệ đặt chỗ cao như Hà Nội - Quy Nhơn có giá vé tương đương 67-83% mức trần quy định.
Chặng bay có tỷ lệ đặt chỗ cao như Hà Nội - Quy Nhơn có giá vé tương đương 67-83% mức trần quy định.

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy trên các đường bay nội địa, tỷ lệ đặt chỗ trong giai đoạn từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2024 vẫn ở mức trung bình thấp, tỷ lệ đạt chỗ cao hơn chỉ xuất hiện trên một số đường bay kết nối các điểm du lịch từ các địa phương.

NHIỀU CHUYẾN BAY TRỐNG CHỖ

Cụ thể, số liệu được Cục Hàng không Việt Nam cập nhật ngày 14/6/2024 cho thấy tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến các địa phương đạt khoảng trên 50% trong các ngày cận kề và rơi vào cuối tuần (15/6 - 17/6). Với các ngày xa hơn, tỷ lệ này dao động ở mức chỉ từ 20 - 40%. 

 

"Một số đường bay du lịch từ Hà Nội/TP.HCM có tỷ lệ cao hơn bình quân như: Hà Nội - Quy Nhơn (80,7% ngày 15/6; 72,5% ngày 16/6), Hà Nội - Phú Quốc (74,9% ngày 15/6), Hà Nội - Nha Trang (73,3% ngày 15/6; 64,9% ngày 16/6), TP.HCM - Nha Trang (77,7% ngày 15/6), TP.HCM - Điện Biên (78,3% ngày 15/6)".

Báo cáo của  Cục Hàng không Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trên các đường bay theo chiều từ các địa phương đến Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ đặt chỗ cũng ghi nhận diễn biến tương tự, với tỷ lệ đạt trung bình trên 60% trong các ngày cận kề và 20 - 40% trong các ngày xa hơn.

Các đường bay từ địa phương có các điểm du lịch nổi bật cũng xuất hiện một số chặng có tỷ lệ cao hơn như: Nha Trang - Hà Nội (70,5% ngày 15/6; 75,7% ngày 16/6), Huế - Hà Nội (76,9% ngày 15/6; 93,4% ngày 16/6), Quy Nhơn - Hà Nội (89,4% ngày 15/6; 87,5% ngày 16/6), Đồng Hới - TP.HCM (82,5% ngày 15/6; 88,3% ngày 16/6).

Về giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết trên các trang thông tin điện tử, các hãng hàng không Việt Nam công bố nhiều mức giá vé cho các chặng bay khai thác. Trong đó, có nhiều mức giá thấp hơn đáng kể so với mức tối đa theo quy định đối với hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.

Đơn cử, so sánh giá vé khởi hành ngày kế cận và vào cuối tuần là ngày 15/6/2024, trên chặng bay có tỷ lệ đặt chỗ cao như Hà Nội - Quy Nhơn, các hãng có các mức giá chưa gồm thuế, phí dao động từ 1,9 triệu đồng (Bamboo Airways) đến 2,4 triệu đồng (Vietnam Airlines), tương đương từ 67-83% mức tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng).

Với chặng Hà Nội - Phú Quốc, giá vé chưa gồm thuế, phí dao động từ 2,7 triệu đồng (Vietnam Airlines) đến 3,4 triệu đồng (Vietjet Air), tương đương 69-87% mức tối đa theo quy định (4 triệu đồng). 

Với các ngày khởi hành xa hơn, càng có nhiều mức giá thấp được các hãng công bố để hành khách có nhu cầu lựa chọn.

Như vậy, khi có kế hoạch đặt vé máy bay từ sớm và xa ngày khởi hành, ngoài việc có nhiều cơ hội đặt được chỗ trên những chặng bay, hành khách cũng sẽ có nhiều lựa chọn các mức giá phù hợp với điều kiện và nhu cầu di chuyển của mình. 

"Bên cạnh đó, việc hành khách xây dựng kế hoạch di chuyển và lựa chọn đặt vé từ sớm cũng sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam bố trí nguồn lực, tối ưu hoạt động khai thác tàu bay, hạn chế việc việc hủy chuyến và giảm áp lực trong bối cảnh đội tàu bay của các hãng bị thu hẹp như hiện nay", Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo. 

TÌM CÁCH TIẾP TỤC "HẠ NHIỆT" GIÁ VÉ

Theo nghiên cứu, đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.

Với tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, những thay đổi về tính bền vững, tình hình nâng cấp đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, vấn đề thiết hụt nhân lực, giá phục vụ tại các cảng hàng không… tiếp tục diễn ra như hiện nay, dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Giá vé máy bay nội địa tăng cao, kéo dài từ cao điểm Tết đến những tháng đầu năm 2024 gây ra nhiều tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Theo thống kê, trong quý 1/2024, giá vé đường bay "vàng" Hà Nội-TP.HCM tăng 11-25% so với cùng kỳ, cá biệt đường bay Hà Nội - Phú Quốc tăng gần 50%.

Thậm chí, giá vé máy bay tăng cao, khan hiếm còn khiến người dân muốn đi từ TP.HCM ra Hà Nội phải đi đường vòng, mua vé qua Thái Lan rồi mới về Hà Nội. Thực tế khó hiểu, tưởng chừng là nghịch lý này từng làm nóng dư luận và nghị trường Quốc hội. 

Xác định được các khó khăn, thách thức trong năm 2024, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết hàng không Việt Nam triển khai sớm các giải pháp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, bảo đảm cung ứng phù hợp, cân đối các đường bay, thị trường nội địa/quốc tế. Từ đó, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định về giá vận chuyển hành khách, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu, tiết giảm chi phí, triển khai các chính sách khuyến mãi, ưu đãi giá vé cho hành khách trên các đường bay nội địa phù hợp...

Cục Hàng không Việt Nam cũng quan tâm phối hợp với các cơ quan thuộc bộ, ngành liên quan, đặc biệt với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thúc đẩy và phát triển hoạt động kết nối hàng không - du lịch, tập trung tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không, hành khách đi/đến các điểm du lịch...

Nhằm kích cầu du lịch trong nước, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết công ty đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21h00 hàng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50%; đồng thời, miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour.

"Dự kiến dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay với một chính sách giá rất cạnh tranh và vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và đầy đủ các trải nghiệm cho du khách trong nước", ông Yên kỳ vọng.

Việc triển khai các giải pháp trên bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực, thể hiện rõ nét từ diễn biến giá vé máy bay thời điểm hiện tại khi mặt bằng chung giá vé đã giảm xuống so với giai đoạn trước.

Đưa ra nhiều đề xuất để tiếp tục hạ nhiệt giá vé máy bay, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cho rằng Chính phủ có thể hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021. Chính phủ có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không.

Bên cạnh đó, việc đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không được giao đất sân bay để đầu tư các cơ sở bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay (MRO) là rất cấp thiết. 

Với các cảng hàng không, sân bay thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, ông Chính cho rằng ACV cần tìm các giải pháp tăng cường năng lực điều hành nhằm tăng slot cất hạ cánh, công suất sân bay, giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay; giảm chi phí và giá các dịch vụ mặt đất để hỗ trợ giảm giá vé máy bay.

Đặc biệt, để nghị các cảng hàng không ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để hành khách tự checkin cho chính mình và hành lý như đã rất phổ biến ở các sân bay nước ngoài, để giảm bớt quầy thủ tục check-in và chi phí thuê quầy, tăng khả năng thông qua của các nhà ga.

Về phía các địa phương, chính quyền các tỉnh, thành có thể triển khai thống nhất trên địa bàn với cam kết mức giá tốt và ổn định và có thể công bố rộng rãi trên thị trường, hỗ trợ lựa chọn các cơ sở lưu trú tham gia chương trình cung cấp phiếu giảm giá.

Với hãng hàng không, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề nghị doanh nghiệp hàng không nên bỏ khoản phí thanh toán vé 50.000 đồng/khách/chặng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10%).

"Việc bỏ khoản phí này không chỉ có ý nghĩa giảm tổng chi phí cần thanh toán của khách hàng mà còn thể hiện nỗ lực, sẵn sàng của các hãng hàng không trong việc giảm giá vé máy bay", ông Chính lý giải.