12:00 08/12/2023

Nhiều giải pháp gỡ khó cho phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp

Minh Hà

Chiều 7/12, Ban Chuyên đề Công an TP.HCM, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) phối hợp cùng Tập đoàn Hoa Sen đã tổ chức tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp”…

Tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp” diễn ra chiều 7/12 tại TP.HCM.
Tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp” diễn ra chiều 7/12 tại TP.HCM.

Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) Đại tá Nguyễn Minh Khương, cho biết, Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự thông thoáng, nhanh chóng đối với hồ sơ về phòng cháy chữa cháy như: Bỏ thủ tục chấp thuận địa điểm xây dựng, góp ý thiết kế cơ sở trong thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, chỉ thực hiện thẩm duyệt 1 bước đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; Cắt giảm các giấy tờ do cơ quan Công an ban hành trong hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy…

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, phần lớn những khó khăn vướng mắc về phòng cháy chữa cháy tập trung vào loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất công nghiệp... Ngoài ra, hiện tại vẫn còn hơn 22.000 trong tổng số hơn 38.000 công trình, dự án, cơ sở có khó khăn, vướng mắc, vi phạm về phòng cháy chữa cháy chưa được khắc phục (chiếm đến 59,3%), các vi phạm chủ yếu liên quan đến giải pháp về kiến trúc, quy hoạch không gian của công trình hiện hữu nên rất khó khắc phục. 

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kiểm tra Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cho biết: Các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp về các quy định pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới được ban hành, bổ sung sửa đổi trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy trong thời gian áp dụng thực tiễn vừa qua đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, làm gia tăng nhiều về thời gian, chi phí và tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Qua đó, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: Với các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam đã cũ và không còn phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong tình hình hiện nay cần loại bỏ những nội dung không còn phù hợp và khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn mới. Đối với các loại hình cơ sở mới hình thành chưa có quy định cụ thể về phòng cháy, cần thiết lập các quy định mới để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.

Bên cạnh đó, cần thống nhất toàn quốc nội dung cũng như quy trình thủ tục áp dụng tiêu chuẩn quốc tế với những trường hợp phù hợp. Điều này sẽ giúp cho việc áp dụng các tiêu chuẩn mới được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phân cấp, phân quyền và trách nhiệm việc áp dụng các quy định của các bộ, ngành khác để thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy rõ ràng hơn. Qua đó, sẽ hạn chế những khó khăn, bất cập và phải xin ý kiến các đơn vị chủ trì xây dựng quy định này, gây chồng chéo, rườm rà về thủ tục, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy.

Với tinh thần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM (PC07) cho biết, đầu năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 629 công trình xây mới, cải tạo thiết kế chưa đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy để cấp giấy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Căn cứ các quy định, Phòng PC07 khẩn trương triển khai tổ chức các buổi hội nghị, đối thoại nhằm nhanh chóng hướng dẫn đến chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng như các đơn vị thiết kế về phòng cháy chữa cháy các nội dung giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Ngoài ra, Phòng PC07 chủ động liên hệ, hướng dẫn trực tiếp chủ đầu tư, đơn vị thiết kế về các nội dung vướng mắc, tồn tại liên quan đến hồ sơ công trình. Đến ngày 15/7/2023, số lượng công trình nêu trên còn 370 công trình (giảm 259 công trình). Các công trình đã được tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu tổng cộng có 95 công trình.

Phòng PC07 đã xây dựng và tiến hành khảo sát thực tế và có biên bản làm việc, hướng dẫn trực tiếp cho chủ đầu tư đối với 95/95 công trình, đến nay số lượng công trình nêu trên còn 55 (giảm 40/95) công trình. Qua công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy, Phòng PC07 đã hướng dẫn 568 cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khắc phục các tồn tại…

Tại tọa đàm, đại diện Tập đoàn Hoa Sen giới thiệu các ống thép, ống thép mạ kẽm nhúng nóng dùng trong các hệ thống ống dẫn nước để chữa cháy cho các công trình công nghiệp, nhà cao tầng. Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy được giới thiệu như: Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler cho nhà kho; Công nghệ chữa cháy bằng khí sạch: Sol khí, Novec 1230, IG100 hoặc Nitơ lỏng; Hệ thống camera trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, hệ thống này giúp cho hoạt động trinh sát, tìm kiếm và xác định vị trí, số lượng người mắc kẹt trong các tòa nhà cao tầng; Công nghệ robot và các thiết bị bay không người lái (drone) chữa cháy nhà cao tầng và khu công nghiệp…