15:50 23/10/2018

Nhiều nỗi lo phủ bóng, chứng khoán châu Á lại bán tháo

Bình Minh

“Thị trường đối mặt nhiều nhân tố tiêu cực, giữa lúc tâm lý nhà đầu tư đã mong manh sẵn”

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh trở lại sau hai phiên tăng - Ảnh: BI.
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh trở lại sau hai phiên tăng - Ảnh: BI.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi một loạt yếu tố bất lợi, từ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cho tới những nỗi lo mới về chiến tranh thương mại, phủ bỏ lên tâm lý của nhà đầu tư trong khu vực.

Theo tin từ Reuters, cổ phiếu bị bán mạnh khiến chứng khoán châu Á mất hết thành quả tăng của hai phiên trước đó. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản sụt 2,2%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Nhiều thị trường chủ chốt của khu vực ghi nhận mức giảm trên 2%.

Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc và Hang Seng của Hồng Kông cùng giảm 3%, trong khi chỉ số Nikkei của thị trường Nhật Bản "bốc hơi" 2,7%. Phiên giảm này đưa chứng khoán Hàn Quốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017.

"Thị trường đối mặt nhiều nhân tố tiêu cực, giữa lúc tâm lý nhà đầu tư đã mong manh sẵn", chiến lược gia cấp cao Hiroyuki Ueno thuộc Sumitomo Mitsui Trust Asset Management phát biểu. "Và lợi nhuận từ một số công ty Nhật Bản yếu hơn dự báo, khiến một số người bắt đầu đổ lỗi cho chiến tranh thương mại".

Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ giảm 1% trong thời gian diễn ra phiên giao dịch ở châu Á, báo hiệu khả năng Phố Wall sẽ có một phiên giảm điểm đêm nay.

Trong phiên ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 giảm 0,43% khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về lợi nhuận của các công ty niêm yết trong nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự hào hứng về một số báo cáo kết quả kinh doanh khả quan đã không thắng thế được nỗi lo về bất ổn chính trị gia tăng trên khắp thế giới.

"Nói một cách ngắn gọn, nhà đầu tư đang có cảm giác như thế giới sắp rơi vào hỗn loạn vậy", nhà quản lý quỹ đầu cơ trái phiếu Akira Takei thuộc Asset Management One, nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/10 nói rằng ông chưa thỏa mãn với những gì mà ông đã nghe được từ Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa muốn trừng phạt kinh tế đối với Riyadh.

Về phần mình, Saudi Arabia đã cố "cách ly" vụ Khashoggi với thái tử Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, phương Tây vẫn nghi ngờ về những gì mà Riyadh nói. Nhiều quốc gia, gồm Đức, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép đòi Saudi Arabia công bố tất cả sự thật.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ công bố thông tin về cuộc điều tra của Ankara về cái chết của ông Khashoggi trong một bài phát biểu vào ngày thứ Ba.

Bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào ở Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là một nhà đầu tư lớn trên thị trường tài chính, cũng có thể gây ra những ảnh hưởng to lớn trên thị trường.

Tại châu Âu, Italy ngày thứ Hai nói với Ủy ban châu Âu (EC) rằng nước này sẽ giữ vững kế hoạch ngân sách 2019 gây tranh cãi - kế hoạch phá vỡ các quy định tài khóa của Liên minh châu Âu (EU). EC cho biết sẽ ra quyết định về vấn đề này vào ngày thứ Ba.

Trong khi đó, tại Anh, bế tắc trong cuộc đàm phán Brexit xung quanh vấn đề biên giới Ireland và những bất đồng trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền về kế hoạch Brexit có thể khiến ghế Thủ tướng của bà Theresa May lung lay nghiêm trọng.

Trong khi đồng Euro và đồng Bảng Anh cùng giảm giá, đồng Yên Nhật tăng giá 0,4% do nhà đầu tư mua mạnh đồng tiền này để phòng ngừa rủi ro. Đồng USD cũng đang ở mức cao nhất trong khoảng 2 tháng.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ít biến động phiên hôm nay, nhưng đứng gần mức thấp nhất 21 tháng thiết lập vào ngày thứ Hai là 6,9445 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Nhà đầu tư đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng và ứng phó với hàng rào thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm trở lại sau khi tăng tổng cộng gần 7% trong hai phiên ngày thứ Sáu và thứ Hai nhờ những lời trấn an của các quan chức tài chính cấp cao nhất của nước này. Lúc đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất 2,3% điểm số.

"Bất kỳ biện pháp kích cầu nào của Trung Quốc cũng sẽ không được xem là một cú huých cho thị trường chứng khoán, mà chỉ là một tấm nệm hỗ trợ cho nền kinh tế đang giảm tốc tránh những tác động xấu từ bên ngoài", ngân hàng DBS ở Singapore nhận định.

Đồng quan điểm trên, Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch cho rằng hai phiên tăng thứ Sáu và thứ hai của chứng khoán Trung Quốc chẳng qua do yếu tố tâm lý và không phải là một sự phục hồi bền vững.