Nhiều quốc gia đồng loạt ban hành hạn chế đi lại do lo ngại biến thể Omicron
Sau các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể Omicron có khả năng lây truyền nhanh hơn cả Delta, phần lớn các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt ban hành lệnh cấm du lịch đến Nam Phi và miền nam châu Phi…
Hội đồng các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể mới được ghi nhận ở Nam Phi B.1.1.529 là Omicron. Theo WHO, bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể mới có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể có khả năng lây truyền cao khác. Điều đó có nghĩa là những người đã nhiễm Covid-19 và đã phục hồi vẫn có thể bị nhiễm Omicron.
Sau khi những thông tin ban đầu về biến thể Omicron được WHO công bố, Hoa Kỳ, Canada cùng Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp cấm đi lại đối với du khách đến từ miền nam châu Phi.
Mỹ nằm trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới đã phản ứng ngay lập tức với biến thể mới B.1.1.529 bằng lệnh cấm đi lại với người đến từ một số quốc gia miền Nam châu Phi. Các hạn chế trên được áp dụng đối với 8 quốc gia gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Công dân không phải người Mỹ đã ở các quốc gia này trong vòng 14 ngày trước đó sẽ không được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố: "Đây được coi như một biện pháp phòng ngừa cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin. Tôi ban hành lệnh hạn chế thêm việc đi lại bằng đường hàng không từ Nam Phi và 7 quốc gia khác. Những hạn chế mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 29/11. Chúng tôi sẽ tiếp tục được hướng dẫn với những khuyến cáo từ các nhà khoa học và đội ngũ y tế của chúng tôi".
Một quan chức Mỹ cảnh báo rằng, Mỹ có thể bổ sung thêm một số quốc gia vào danh sách hạn chế nếu biến thể này lan rộng. Canada đã cấm nhập cảnh tất cả những người nước ngoài đã đến miền nam châu Phi trong hai tuần qua.
Một ủy ban gồm các chuyên gia y tế từ tất cả 27 quốc gia EU “đã nhất trí về sự cần thiết phải kích hoạt thời gian nghỉ khẩn cấp và áp đặt hạn chế tạm thời với tất cả các chuyến đi lại vào EU từ phía nam Châu Phi” - Slovenia, quốc gia đang đảm nhận cương vị Chủ tịch EU, thông tin trên Twitter.
Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu Eric Mamer cho biết thêm, các hạn chế sẽ được áp dụng với Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Theo Reuters, một quan chức EU cho hay, các chính phủ EU cũng đã được yêu cầu không khuyến khích đi lại đến những nước này. Mỗi quốc gia trong số 27 thành viên EU được tự do áp dụng các biện pháp mới. Một số thành viên đã áp đặt các hạn chế.
Các quan chức EU lưu ý, chưa có quyết định nào được đưa ra với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới đã phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới Omicron gồm Hong Kong (Trung Quốc), Israel và Bỉ - một quốc gia thuộc EU.
Vương quốc Anh, Singapore và Nhật Bản cũng nằm trong số những quốc gia đang gấp rút thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ hơn và cấm các chuyến bay từ Nam Phi và các nước láng giềng. Chính phủ Nhật Bản thông báo công dân nước này trở về Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Nam Phi và Lesotho sẽ phải cách ly tại các phòng dành riêng trong 10 ngày và thực hiện ba lần xét nghiệm Covid-19 trong thời gian đó.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron hay B.1.1.529 được Anh đánh giá là "mối quan ngại quốc tế lớn" và "có thể đặt ra rủi ro đáng kể với sức khỏe cộng đồng". Anh đã cấm các chuyến bay từ 6 quốc gia Châu Phi và yêu cầu công dân Anh trở về từ những quốc gia này phải cách ly.
Từ 28/11, Singapore cũng sẽ cấm tất cả du khách có lịch sử đi lại gần đây tới Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe nhập cảnh hoặc quá cảnh qua Singapore. Công dân Singapore trở về và thường trú nhân sẽ cách ly 10 ngày tại các cơ sở cách ly.
Malaysia có động thái tương tự Singapore. Với những công dân Malaysia trở về và người lao động được cấp phép phải cách ly 14 ngày. Công dân Malaysia cũng bị cấm đến 7 quốc gia trong danh sách trên. Philippines đã tạm dừng các chuyến bay từ Nam Phi và các vùng lãnh thổ liên quan tới biến thể SARS-CoV-2 mới cho đến ngày 15/12.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng thắt chặt các biện pháp cách ly với những người nhập cảnh từ các quốc gia có biến thể mới. Tương tự, Ấn Độ chỉ thị cho tất cả các bang sàng lọc nghiêm ngặt du khách từ Nam Phi và các vùng lãnh thổ khác bị ảnh hưởng của biến thể SARS-CoV-2 mới nhưng vẫn chưa siết chặt kiểm soát biên giới. Cả Australia và New Zealand đều đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Israel cũng chuyển sang cấm đi lại đến các vùng lãnh thổ phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới và cũng đang cân nhắc dừng các chuyến bay từ những khu vực đó.
WHO cho biết có thể mất hàng tuần để các nhà khoa học tìm hiểu đầy đủ về các đột biến của biến thể Omicron. Các cơ quan y tế đang tìm cách xác định xem Omicron có khả năng lây truyền hoặc lây nhiễm nhiều hơn các biến thể khác hay không và liệu các loại vaccine Covid-19 hiện nay có hiệu quả chống lại biến chủng này hay không.