Nhiều việc làm mà có học vẫn cứ thất nghiệp?
Hàng năm, thị trường lao động Việt Nam thường tạo ra từ 1,4 - 1,6 triệu việc làm/năm
Hàng năm, thị trường lao động Việt Nam thường tạo ra từ 1,4 - 1,6 triệu việc làm/năm. Đây là yếu tố làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, trong các bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý, con số này vẫn cho thấy những dấu hiệu khác thường cần rà soát, đánh giá lại .
Với số việc làm hàng năm như vậy, có thể nói thị trường lao động Việt Nam phát triển khá ổn định. Tuy nhiên, trong năm 2018, thị trường cũng bộc lộ một vài điểm cần lưu ý liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp. Thí dụ như việc các em đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học nhưng lại có tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc thời gian tìm kiếm việc làm dài và phải làm những công việc không tương xứng với trình độ đào tạo...
Vì thế, chúng ta cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm; rà soát, đánh giá lại việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để giúp thị trường lao động phát triển ổn định hơn.
Lý giải điều này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ta cơ bản là tốt, nhưng hiện vẫn nặng về giải quyết hậu quả mà nhẹ về tính phòng ngừa. Tức là chúng ta thiếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại lực lượng lao động, bố trí lại lao động để tránh sa thải. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể tiếp tục sử dụng lao động thay vì cho họ thôi việc, chấm dứt hợp đồng.
"Những vấn đề như lao động trung niên, từ 35-40 tuổi bị sa thải chẳng hạn vẫn chưa có chính sách hỗ trợ, trong khi rất nhiều nước đã có những chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp và đóng giúp một phần bảo hiểm xã hội để giảm chi phí cho doanh nghiệp và họ tiếp tục sử dụng lao động", ông Diệp nói thêm.
Cho nên chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải làm sao thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với nhau, giữa những người có trình độ, kỹ năng cao hơn, công việc ổn định hơn với những người có trình độ thấp, công việc bấp bênh hơn. Chính sự gắn kết sẽ làm cho cộng đồng doanh nghiệp mạnh hơn và người lao động cũng được đảm bảo hơn về mặt an sinh.
"Đó là lý do chúng ta cần rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chuẩn bị cho sửa đổi Luật Việc làm khi thực hiện đề án về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp".
Đây là việc không dễ vì trước hết phải nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cần phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng làm việc của cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm.
Ngoài ra, cần triển khai sửa đổi một số nghị định liên quan đến hỗ trợ việc làm, rà soát sửa đổi các quy định về mức vay, thủ tục vay, thời hạn cho vay, đối tượng cho vay... để đảm bảo tất cả những người mong muốn tiếp cận với Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm đều có thể tiếp cận được, không để ai bị bỏ lại phía sau. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của chúng ta là cố gắng chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức.