19:00 03/05/2021

Nhu cầu mua sắm thiết bị ICT cho ngành giáo dục dự kiến tăng trưởng 30%

Hồng Vinh

Hàng loạt trường chuyển sang học trực tuyến, dự báo nhu cầu máy tính, camera sẽ tăng mạnh…

Mua sắm thiết bị ICT cho ngành giáo dục dự báo tăng trưởng 30% năm nay
Mua sắm thiết bị ICT cho ngành giáo dục dự báo tăng trưởng 30% năm nay

Trước tình hình dịch Covid vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhiều trường đại học đã chủ động thực hiện dạy và học trực tuyến. 

KÍCH HOẠT HỆ SINH THÁI CÔNG NGHỆ ĐỂ HỌC TRỰC TUYẾN

Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết sẽ triển khai dạy và học trực tuyến từ ngày 4/5 đến ngày 8/5. Học kỳ 2 của năm học theo đó cũng được điều chỉnh kéo dài đến hết ngày 27/5, lịch thi bắt đầu từ ngày 28/5.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội chuyển dạy và học lý thuyết, bài tập sang hình thức trực tuyến trên Microsoft Teams từ ngày 4-9/5. Học phần thí nghiệm, thực hành sẽ tạm dừng và được Phòng Đào tạo bố trí lịch học bù sau.

Các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Kinh tế Hà Nội học trực tuyến kể từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Đối với các học phần theo tiến trình 10 tuần và 7 tuần đầu đã được công bố, nhà trường sẽ thông báo sau.

Tương tự, các trường Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Kinh tế Hà Nội cũng cho sinh viên học trực tuyến từ ngày 4/5 đến 8/5. Đại học Mở Hà Nội cũng cho biết đã kích hoạt hệ sinh thái công nghệ để chuyển toàn bộ hoạt động dạy, học và sự kiện đông người tham gia sang hình thức trực tuyến.

Đáng chú ý, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM có một trường hợp sinh viên là F1. Toàn bộ các giảng viên, sinh viên thuộc đối tượng F2 phải cách ly tại nhà 14 ngày. Trường chuyển sang học trực tuyến từ ngày 4/5 đến 9/5. Những lớp thực hành và sinh viên làm đề tài tốt nghiệp vẫn đến trường nhưng phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và “5K” của Bộ Y tế.

DỰ BÁO THIẾT BỊ ICT NGÀNH GIÁO DỤC TĂNG KHOẢNG 30%

Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, hiện nay hầu hết các thầy cô, giảng viên và sinh viên đều có kỹ năng về công nghệ nhất định nên việc triển khai học trực tuyến nhanh chóng, thuận lợi, nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bên liên quan và mức độ sẵn sàng cho việc chuyển đổi giữa online/offline cao.

Khoa có thể đảm bảo dạy và học, thi cử đánh giá gần như trực tuyến 90% nhờ vào hạ tầng kỹ thuật, giải pháp công nghệ, kỹ năng và mức độ sẵn sàng của các thầy cô, sinh viên.

Trong đó, việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến Zoom Meeting kết hợp với nền tảng hỗ trợ giảng dạy Moodle (LMS-Learning Management System) cho phép tổ chức như lớp học trực tuyến, hỗ trợ giảng dạy, tổ chức hoạt động trên lớp, hỗ trợ tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến; việc tổ chức giảng dạy trực tuyến được triển khai đựa trên các mô hình “lớp học đảo ngược” (Flipped classroom) và phương pháp tổ chức kết hợp (Blended learning).

 

Nguyên nhân Covid cũng làm khan hiếm chip, bo mạch chủ, card đồ họa, RAM sẽ khiến một số dòng máy PC/laptop, trang thiết bị ICT nhập khẩu sẽ khan hiếm “cục bộ” trong thời gian tới. Theo nhiều dự báo đến cuối năm nay, mua sắm trang thiết bị ICT trong ngành giáo dục sẽ tăng trưởng khoảng 30%.

Ông Hồ Vi Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhất Tiến Chung

TS. Lâm Quang Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, lấy ví dụ chỉ cần đưa thông tin thời khóa biểu lên website vào ngày giờ cụ thể, thầy và sinh viên cùng lên lớp “trực tuyến” theo sự sắp xếp phòng ảo, sinh viên xem trước tài liệu, bài giảng video ở nhà (Flip Classroom), trên lớp giao viên sẽ chia nhóm thảo luận trong các phòng ảo, các nhóm làm việc cộng tác trên các hệ thống trực tuyến (google slides, padlet..) và trình bày, báo cáo kết quả làm việc để nhận được sự góp ý của giao viên, phản biện của các sinh viên khác trong lớp học trực tuyến.

Theo ông Hồ Vi Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhất Tiến Chung - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ hạ tầng, máy chủ- dự báo, nhu cầu dạy học trực tuyến và mua sắm trang thiết bị như PC, máy chủ, dịch vụ lưu trữ trên đám mây sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, nguyên nhân Covid cũng làm khan hiếm chip, bo mạch chủ, card đồ họa, RAM sẽ khiến một số dòng máy PC/laptop, trang thiết bị ICT nhập khẩu sẽ khan hiếm “cục bộ” trong thời gian tới. Theo nhiều dự báo đến cuối năm nay, mua sắm trang thiết bị ICT trong ngành giáo dục sẽ tăng trưởng khoảng 30%.

TrendForce ước tính rằng các lô hàng máy tính xách tay toàn cầu có cơ hội đạt 217 triệu chiếc vào năm 2021. Con số này sẽ tăng 8,1% so với năm ngoái. Theo TrendForce, giờ đây mọi người có thể làm việc, học tập từ xa hoặc tại nhà là một tiêu chuẩn mới.