09:30 27/03/2025

Những ai phải đi đo loãng xương?

Hoài Phương

Trước đây, loãng xương thường được xem là vấn đề chủ yếu ở phụ nữ mãn kinh và người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh đang gia tăng ở cả những người trẻ tuổi, đặc biệt là từ độ tuổi ngoài 30…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, bệnh nhân N.T.A (68 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vì đau vùng cột sống thắt lưng sau khi trượt ngã tại nhà. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bà được chẩn đoán loãng xương kèm theo xẹp đốt sống thắt lưng do té ngã. Sau khi được điều trị bằng thuốc đặc trị loãng xương, bác sĩ khuyến cáo  bà cần tiếp tục tuân thủ liệu trình điều trị trong 3 - 5 năm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm nguy cơ gãy xương tái phát.

Theo ThS.BS Trần Hồng Thụy, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như gãy xương làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người mắc các bệnh lý mãn tính như suy thận, bệnh lý nội tiết như cường giáp hoặc những người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.

Đặc biệt, nam giới cũng có nguy cơ bị loãng xương, đặc biệt là sau 50 tuổi. Các yếu tố như hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động và mắc các bệnh lý nội khoa khác cũng gia tăng nguy cơ loãng xương ở nam giới.

Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.
Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay, một trong những thách thức lớn nhất trong điều trị loãng xương là sự tuân thủ của người bệnh. Nhiều người bệnh thường không kiên trì uống thuốc vì không thấy ngay hiệu quả sau khi điều trị. Tuy nhiên, nếu không uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, hiệu quả điều trị sẽ giảm đáng kể.

Chỉ cần bỏ lỡ 1 liều thuốc trong 1 tháng, hiệu quả điều trị có thể giảm hơn 50%. Nếu bỏ lỡ hai liều, hiệu quả gần như bằng không. Tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn là yếu tố then chốt trong điều trị. Bên cạnh việc tuân thủ liệu trình điều trị, phòng ngừa té ngã là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Tại lễ khai trương dịch vụ khám tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt do Viện Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cuối năm ngoái, TS.BS Trần Châu Quyên, Trưởng Khoa khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng cho biết, trong nghiên cứu mới nhất của Viện Dinh dưỡng mới công bố năm 2024, tập hợp các số liệu của người bệnh được đo loãng xương tại viện có độ tuổi từ 20 - 50 cho thấy tỷ lệ nam và nữ giới mắc loãng xương trung bình từ 6 - 7%.

Về nguyên nhân của tình trạng này, TS. BS. Trần Châu Quyên cho biết: “Trong cuộc điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy rằng những người từ 20 - 50 tuổi bị loãng xương là do chế độ ăn thiếu đa dạng thực phẩm, hạn chế vận động thể lực, thiếu canxi trong khẩu phần ăn. Đặc biệt là ở Việt Nam mình đang dấy lên vấn đề thiếu kẽm ở mức nặng, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ thiếu kẽm lên đến tới 60%. Do đó canxi, khoáng chất và các vi chất nói chung đều là vấn đề mang tính chất sức khỏe cộng đồng”, BS Quyên nói.

Những ai phải đi đo loãng xương? - Ảnh 1

TS. Philippe Halbout, Giám đốc điều hành Hội Loãng xương Quốc tế thông tin, theo thống kê mới nhất, hiện trên thế giới có hơn 500 triệu người bị ảnh hưởng bởi loãng xương. Trong đó, 6,4% nam giới và 21,2% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh loãng xương.

Hàng năm, có khoảng 37 triệu người trên 55 tuổi gãy xương do loãng xương, trung bình mỗi một phút trôi qua có 70 ca gãy xương. Đại diện Hội Loãng xương Quốc tế dự đoán, đến năm 2050, tại khu vực Châu Á, hơn 50% tất cả các ca gãy xương hông có nguyên nhân là do loãng xương.

Còn tại Việt Nam, theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM, loãng xương ở người trên 50 tuổi có tỷ lệ khoảng 30% ở nữ giới và nam giới là 10%. Ước tính hiện có khoảng 3,6 triệu người đang đối mặt với căn bệnh loãng xương. Con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 4,5 triệu vào năm 2030, trong số đó trên 70% người bệnh là phụ nữ độ tuổi sau mãn kinh.

Việc xét nghiệm đo mật độ xương đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu loãng xương, bao gồm tình trạng xương mỏng, yếu và mất khối lượng xương. Xét nghiệm này còn giúp dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai, từ đó đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.

"Chương trình tầm soát loãng xương là biện pháp hữu hiệu giúp mọi người, đặc biệt người lớn tuổi phát hiện sớm nguy cơ loãng xương, để chủ động và tích cực phòng ngừa hoặc có kế hoạch điều trị sớm. Sức khỏe là vàng, hãy lắng nghe cơ thể bạn, cần quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn, mọi sự thay đổi trong cơ thể đều cần được giải thích một cách khoa học", BS Lê Anh Thư khuyến cáo.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng  để đánh giá mật độ xương chỉ trong 30 giây thay vì 15 phút như trước. PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Chương trình đào tạo và Tư vấn nhân lực y tế, cùng cộng sự tại bệnh viện đã nghiên cứu ứng dụng này bắt đầu từ năm 2018. Xuất phát điểm của nghiên cứu là tình trạng quá tải bệnh viện dẫn đến người bệnh phải chờ đợi lượt khám rất lâu.

Đưa mô hình AI vào quy trình khám, đo mật độ xương.
Đưa mô hình AI vào quy trình khám, đo mật độ xương.

"Chỉ cần rút gọn một bước, người bệnh giảm thời gian chờ, giảm chi phí, thậm chí phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm để tránh các biến chứng", BS Hạnh nói. Bên cạnh đó, quy trình tầm soát, kiểm tra vẫn còn nhiều hạn chế, nguy cơ bỏ sót, sai số lớn. Việc đưa AI vào quy trình đo mật độ xương có thể khắc phục những nhược điểm này, giảm gánh nặng chi phí, thời gian điều trị, đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối cho người bệnh.

Sau hơn 4 năm nghiên cứu, BS Hạnh từng bước đưa mô hình AI vào quy trình khám, đo mật độ xương. Khi triển khai đồng bộ các mô hình này, người bệnh không cần phải đến bệnh viện, chỉ cần nhập tuổi, giới, chiều cao, cân nặng, lập tức sẽ nhận được xác suất loãng xương có độ chính xác lên đến gần 90%. Trường hợp vào bệnh viện, bệnh nhân sẽ được chỉ định đo mật độ xương nếu có nguy cơ loãng xương.

Trước đây, mỗi ngày Khoa Thăm dò chức năng đón khoảng 150 - 300 người bệnh. Từ khi áp dụng nhận xét kết quả tự động, mỗi ngày có 300 -600 kết quả được trả. AI đo mật độ xương trở thành trợ lý đắc lực cho các y bác sĩ, không đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng phức tạp, tốn kém. Ứng dụng giúp giảm thời gian chờ, loại trừ nhóm không thật sự cần thiết đo mật độ xương, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.