18:50 19/07/2023

Những địa phương nào có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất trong 1 năm qua?

Phúc Minh

Bộ Nội vụ ghi nhận từ đầu tháng 7/2022 đến hết tháng 6/2023, cả nước có gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc, nhiều nhất tại các địa phương như: Hà Nội, TP. HCM, TP. Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, qua số liệu tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người (bình quân 1.899 người/tháng, cao hơn bình quân 1.318 người/tháng giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 6/2022).

Trong đó có 1.967 công chức, chiếm 10,36% (Bộ, ngành là 772 người, địa phương là 1.195 người) và 17.024 viên chức, chiếm 89,64% (Bộ, ngành là 2.793 người, địa phương là 14.231 người, chủ yếu là viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo chiếm 54,2% và sự nghiệp y tế chiếm 26,5%).

Số nghỉ việc chủ yếu ở độ tuổi dưới 50 tuổi, chiếm 86,25%; trình độ đào tạo đại học chiếm 48,65% và thạc sĩ chiếm 15,7%.

Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất là Hà Nội, TP. HCM, TP. Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang (tổng số là 7.336 người, chiếm 38,63%).

Để thay thế số công chức, viên chức thôi việc, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng mới 64.980 người, trong đó 7.344 công chức (Bộ, ngành 2.795 người, địa phương 4.549 người); 57.636 viên chức (Bộ, ngành: 4.365 người, địa phương 53.271 người), chủ yếu là viên chức ở lĩnh vực sự nghiệp giáo dục (35.297 người) và y tế (12.380 người) để tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trước đó, Bộ Nội vụ từng thống kê, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là hơn 39.500 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Số lượng viên chức nghỉ việc, thôi việc chiếm tỷ lệ lớn tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế, trong đó riêng giáo dục và đào tạo có hơn 16.400 người, gàn 12.200 người thuộc lĩnh vực y tế.

Số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức, cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên có nhiều cơ hội về việc làm. Bộ Nội vụ đánh giá, việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc cũng là xu hướng tích cực "vào - ra theo cơ chế thị trường".

Để giải quyết tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đối với tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Theo Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, dân cư…; tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 110/QĐ-BNV về Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025".

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; hoàn thiện Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.