Những điểm mới của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, trong đó có những quy định cấm dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Hiện đang có những luồng ý kiến trăn trở của các thầy, cô, các bậc phụ huynh và học sinh về quy định này...

Dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh cũng như gia đình học sinh. Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm là đúng thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ.
Mặc dù vậy, việc ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh. Trong đó có không ít ý kiến trăn trở khi thực thi một số quy định cấm nêu trong thông tư.
CHỈ CẤM NHỮNG VI PHẠM VỀ QUY ĐỊNH DẠY THÊM, HỌC THÊM
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết quan điểm của Bộ là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư này thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012. Các quy định quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm đã được đưa ra cách đây hơn 12 năm. Thông tư mới lần này không thay đổi tên gọi nhưng có bổ sung, sửa đổi một số điểm nhằm tăng cường giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của cả ngành giáo dục, nhất là khi ngành đang tích cực đổi mới để thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Qua đó cũng nhấn mạnh trách nhiệm của nhà trường, tức là của các thầy cô giáo là dạy để học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức, hình thành phẩm chất, năng lực đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình cũng như đáp ứng nhu cầu của người học.
Nhiều người cho rằng có đầu ra đạt yêu cầu chất lượng cao mà không cần dạy thêm, học thêm là rất lý tưởng. Nhưng thực tế ở Việt Nam cũng như nhiều nền giáo dục của các nước trên thế giới đều xuất hiện nhu cầu học thêm, dạy thêm chính đáng của học sinh và giáo viên. Nhìn nhận việc học thêm, dạy thêm ở Việt Nam, ngoài những mặt tích cực giúp học sinh, giáo viên thì cũng nảy sinh các vấn đề tiêu cực làm xấu đến hình ảnh tôn nghiêm của nhà giáo, ảnh hưởng đến trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà giáo.
Cụ thể như: vấn đề thu tiền học sinh quá mức, giáo viên dùng các chiêu trò ép buộc học sinh học thêm, đối xử không công bằng với học sinh, không đảm bảo chương trình dạy chính khóa để dạy thêm, vi phạm quy định cơ sở vật chất của nhà trường, không công khai minh bạch về tài chính, gây mất đoàn kết, mất tình cảm thầy trò…

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã cố gắng điều chỉnh các mặt tiêu cực của học thêm, dạy thêm nhưng quan điểm “dạy thêm giờ là để làm giàu” của một số người theo quan điểm kinh tế thị trường vẫn thắng thế làm dư luận xã hội nhiều năm qua thêm bức xúc về hình ảnh thầy trò phản ánh qua đồng tiền.
Vì thế, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã có những quy định mới so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Tinh thần của Thông tư 29 là dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không được cắt xén, trùng lắp kiến thức. Các quy định trong Thông tư 29 muốn dạy thêm, học thêm phải minh bạch, rõ ràng để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô, hướng nhà trường từng bước hình thành phương pháp, thói quen tự học cho học sinh. Quan trọng nhất, trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước thì không thể dạy thêm để thu tiền của phụ huynh, học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh”.
SÁU ĐIỂM CẦN LƯU Ý CỦA THÔNG TƯ SỐ 29
Với các quan điểm như vậy, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã bổ sung nhấn mạnh tới 6 điểm quan trọng trong vấn đề học thêm, dạy thêm.
Thứ nhất, bổ sung quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm: dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được cha mẹ học sinh đồng ý. Không được dạy thêm, học thêm trước chương trình. Không được dùng các hình thức kiểm tra, đánh giá để tạo sức ép đối với học sinh.
Thứ hai, bổ sung quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm: không được dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, ngoại ngữ, thể dục thể thao.
Thứ ba, quy định cụ thể hơn về đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường: chỉ học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ tư, dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền.
Thứ năm, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm; dạy thêm thu tiền thì phải đóng thuế.
Thứ sáu, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm; nhà trường có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Những điểm mới nêu trên đã làm “nóng” dư luận xã hội. Nhiều ý kiến rất đồng tình vì nhiều học sinh không phải đi học thêm tràn lan, có nhiều thời gian vui chơi giải trí và tự học hơn.
Các quy định này cũng có thể giúp giáo viên tập trung cho việc dạy học sinh chính khóa hoặc đàng hoàng đứng ra đăng ký tham gia dạy thêm và thu hút học sinh bằng chính năng lực, uy tín của mình bằng cách tự mở lớp, mở trung tâm theo quy định của pháp luật.
Ngược lại, cũng có những ý kiến tỏ ra lo ngại trăn trở việc tìm kiếm cách cho con em học thêm, khó khăn lớn nhất là các em đang học các lớp cuối cấp (lớp 5; 9; 12) trong khi chất lượng, số lượng của các trung tâm dạy thêm khó đáp ứng nhu cầu và học sinh sẽ nộp học phí cao hơn. Ngoài ra, một số gia đình khó quản lý các em nếu không đến trường.
Với giáo viên và nhà trường thì bố trí thời gian giáo viên bổ trợ kiến thức (dạy thêm) ra sao cho học sinh cuối cấp, học sinh từ kém lên đạt chuẩn, từ chuẩn lên khá… Giáo viên làm quá giờ thì lấy ngân sách đâu để trả vì không được thu tiền học thêm, không thể để mất công bằng cho những giáo viên dạy thêm giờ mà không được trả lương…

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có thể được xem là một sự đổi mới việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Sẽ có những khó khăn nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một loạt các giải pháp, vừa trước mắt vừa lâu dài. Giải pháp đầu tiên là tuyên truyền động viên hướng nhà trường, giáo viên nghiêm túc thực hiện các quy định của Thông tư 29.
Ngày 7/2/2025 Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện 10/CĐ-TTg về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Công điện yêu cầu các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm kể cả việc bố trí ngân sách của địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường; giảm áp lực trong tuyển sinh, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư; kiên quyết không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không được đến trường.
Nhà trường đề ra những giải pháp về chuyên môn như: nâng cao năng lực và phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, nâng cao trách nhiêm của người thầy khi thấy học sinh chưa đạt chuẩn, phải có trách nhiệm bổ trợ kiến thức cho các em đạt chuẩn. Các em còn lo lắng, lúng túng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, các thầy cô phải có các hình thức bổ trợ một cách phù hợp cho học sinh.
Chính quyền các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như các phụ huynh học sinh cũng phải đề cao trách nhiệm giúp nhà trường hoàn thành nhiệm vụ cùng chung tay lo lắng cho các kỳ thi tốt nghiệp các cấp cho học sinh…
Hiểu và làm đúng trách nhiệm của các bên

Việc ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm là để phù hợp với rất nhiều các chính sách, quy định hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cho đến thời điểm này, qua theo dõi dư luận, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội. Như vậy về tổng thể, việc quản lý một vấn đề lớn và khó như dạy thêm, học thêm đã được thể hiện thông qua các quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29). Bây giờ là quá trình thực hiện, trong đó “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định; triển khai thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định.
Về phía các Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi được biết hiện nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương.
Đối với các nhà trường và thầy cô giáo, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy, những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.
Đối với phụ huynh học sinh và xã hội, lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề chúng ta đang bàn tới là dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.
Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các nhà trường

Thời điểm này, nhiều trường THCS, THPT tạm ngừng hoạt động dạy học tăng cường nhằm ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Lý do là chờ hướng dẫn của địa phương trong thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Thời lượng đó đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra. Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định của chương trình.
Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các nhà trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt là việc hướng dẫn, tổ chức cho học sinh cuối cấp ôn thi. Đồng thời, tuyên truyền đầy đủ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về quy định dạy thêm, học thêm để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập, tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường là buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.
Liên quan đến việc chi trả cho hoạt động dạy thêm đúng quy định trong nhà trường, giáo viên kiêm nhiệm, dạy thừa giờ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định. Việc phân công giáo viên để bảo đảm sự công bằng, phù hợp về thời gian làm việc thuộc trách nhiệm của nhà trường. Nguồn kinh phí để chi trả tiền thừa giờ là nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường, bao gồm ngân sách và các khoản thu theo quy định.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258
