Thông tư 29 nhằm hướng tới trường học không có dạy thêm
Đến thời điểm này, nhiều trường học trên cả nước đã tạm dừng dạy thêm. Có trường vẫn dạy ôn thi cho riêng khối 9 và kinh phí do trường chi trả. Mỗi môn dạy không quá 2 tiết/tuần...
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/14/thi-thpt-2024-10-17555789-10193881-1734491806773-1734491807110906287754.png)
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29). Thông tư này thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012. Thông tư 29 chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Đến thời điểm này, nhiều trường học trên cả nước đã tạm dừng dạy thêm. Sở giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội có công văn yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm,học thêm tại Thông tư số 29. Sở cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, phụ huynh những thông tin về dạy học thêm đúng quy định.
Một số trường học ở Hà Nội đã tạm dừng dạy thêm. Chị Nguyễn Thị Thủy (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết nhà trường tổ chức họp phụ huynh, thông báo dừng học thêm vào buổi chiều. Gia đình dự định cho con học trung tâm bồi dưỡng thêm môn Toán và Tiếng Anh.
Một số trường dự kiến bố trí kinh phí để bồi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định, gồm nhóm có kết quả học tập chưa đạt ở môn cuối học kỳ liền kề; các em được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cô giáo Đỗ Thi Xuân (ở Bắc Giang) cho biết nghỉ dạy thêm từ ngày 6/2/2025. Tuy nhiên, nhà trường vẫn dạy ôn thi cho riêng khối 9 và kinh phí do trường chi trả. Mỗi môn dạy không quá 2 tiết/tuần.
CẦN HƯỚNG TỚI TRƯỜNG HỌC KHÔNG DẠY THÊM
Chia sẻ về Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh năm 2012 đến 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 26/8/2019.
Hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm.
![Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: MOET](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/14/tt.jpg)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với 5 quan điểm và nguyên tắc.
Thứ nhất, để thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/01/2024.
Thứ hai, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy đinh; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quan lý hoạt động này.
Thứ ba, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thứ tư, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Thứ năm, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hình thành phẩm chất, năng lực qua cả quá trình học và hoạt động giáo dục. Học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan. Hình thành phương pháp, thói quen, khả năng tự học của học sinh.
Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GDĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
“Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.