10:28 24/11/2022

Những loại trà quý được giới siêu giàu coi như khoản đầu tư

Băng Hảo

Giống như rượu vang, thị trường đang cố gắng phân biệt các loại trà quý và trà cổ. Đối với các nhà đầu tư, họ đánh giá những sản phẩm trà có thể tham gia mạnh mẽ vào thị trường xa xỉ tại Trung Quốc trong vòng một thập kỷ tới…

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Theo tờ Nhật báo Trung Quốc, trà là biểu tượng của văn hóa và lòng hiếu khách của người Trung Hoa. Truyền thống văn hóa của người Trung Quốc khi gặp gỡ bạn bè là uống trà và đàm đạo, trao đổi ý kiến. Và theo suốt dòng lịch sử Con đường Tơ lụa cổ đại và Sáng kiến Vành đai và Con đường hiện tại, trà là một mặt hàng được người dân nhiều quốc gia yêu thích.

Được định giá khoảng 1,2 triệu USD/ kg, trà Da-Hong Pao (Đại Hồng Bào) là loại trà đắt nhất thế giới hiện nay, được trồng ở vùng núi Vũ Di, thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc và được công nhận là quốc bảo vì sự quý hiếm của nó, theo Lifestyle Asia. Trong chuyến thăm chính thức của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông đã gửi tặng ông 200 gram Đại Hồng Bào tượng trưng cho hòa bình và hữu nghị giữa hai quốc gia.

Theo trang Pure Taiwan Tea, vào khoảng 100 năm trước, con người đã tìm thấy 6 cây trà Đại Hồng Bào trên một vách đá ở núi Vũ Di. Loại trà này có mùi thơm ngát như hoa lan, kéo dài, hương vị ngọt ngào. Với đặc điểm khó trồng, năng suất thấp và chất lượng rất tốt, trà Đại Hồng Bào được coi là giống trà ô long quý nhất của Trung Quốc. Hiện nay, Trà Đại Hồng Bào được mang bán đấu giá cho người sành chơi, nhưng mỗi lần cũng chỉ có vẻn vẹn 20gr và không lần nào giá bán thấp hơn 20.000 USD.

Trà Đại Hồng Bào được coi là quốc bảo của Trung Quốc.
Trà Đại Hồng Bào được coi là quốc bảo của Trung Quốc.

Lần cuối cùng người ta hái lá từ những cây trà cổ quý giá này là vào năm 2005 và có lẽ những cây ấy sẽ không tiếp tục sản sinh ra trà nữa. Một vài gram trà còn sót lại giờ nằm trong tay những nhà sưu tập trà – những người xem chúng như vàng. Đại Hồng Bào đặc biệt đến mức những chuyên gia môi giới phải tham gia thế giới của những người giàu có mê trà để làm trung gian giữa người bán và người mua. Đại Hồng Bào cổ, xịn có mức giá không chỉ tính theo trọng lượng vàng mà đắt gấp 30 lần trọng lượng vàng, tức là gần 1.400 USD cho 1 gram trà, tính ra hơn 10.000 USD một ấm trà.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Sotheby’s Hong Kong thông báo ra mắt phiên đấu giá trực tuyến trà Phổ Nhĩ (tiếng Anh gọi là Puer) đầu tiên với hơn 20 lô, bao gồm cả trà cổ xưa và hiện đại. Giá bán cao nhất là 71.600 USD cuối cùng đã thuộc về bánh trà Blue Label năm 1950 nặng khoảng 330g. Món hàng được đánh giá cao không chỉ vì tuổi đời mà còn vì đó là lô trà hiếm hoi được làm trong quá trình sản xuất trà ở Trung Quốc.

Cũng là một trong những dạng trà lâu đời nhất, Phổ Nhĩ là loại trà đen lên men được sản xuất theo cách truyền thống ở tỉnh Vân Nam. Loại trà nhẹ nhàng được biết đến với tác dụng làm dịu tiêu hóa, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và là thức uống phổ biến trong triều đại nhà Thanh (1636-1912). Để dễ dàng vận chuyển được đến phương Tây, lá trà được đóng thành bánh rồi đi trên đường cả tháng trời.

Liam Gui, Giám đốc kinh doanh bộ phận rượu whisky và trà Trung Quốc tại Poly Auction – nơi tổ chức cuộc đấu giá trà đầu tiên ở Bắc Kinh vào năm 2010 cho biết bánh trà Phổ Nhĩ những năm 1950, đã tăng giá hơn 10 lần trong khoảng thời gian này. Trong vòng một thập kỷ qua, người Trung Quốc đã nhen nhóm lại tình yêu của họ với trà, và những loại bánh trà Phổ Nhĩ cổ, mặt hàng mới vươn lên vị thế xa xỉ trong điều kiện môi trường cũng như thị trường đầu cơ đang ngày càng xấu đi.

Những loại trà quý được giới siêu giàu coi như khoản đầu tư - Ảnh 1
Những loại trà quý được giới siêu giàu coi như khoản đầu tư - Ảnh 2
 
Những loại trà quý được giới siêu giàu coi như khoản đầu tư - Ảnh 3
Những loại trà quý được giới siêu giàu coi như khoản đầu tư - Ảnh 4
 

“Khi chúng tôi bắt đầu đấu giá trà, thị trường vẫn chưa sẵn sàng. Chúng tôi không có nguồn cung cấp trà cổ đáng tin cậy cũng như không có đủ chuyên gia để kiểm tra chứng. Nhưng khoảng 5 năm trước, các nhà sưu tập từ Đài Loan, Hong Kong và khắp nơi trên thế giới cũng xuất hiện”, vị giám đốc chia sẻ. Người này cũng cho biết thêm sau khoảng thời gian thích rượu vang và cà phê, người Trung Quốc vẫn thích và đánh giá cao các loại trà cổ.

“So với rượu, có ít chủng loại và sản phẩm trà quý trên thị trường vì không có chuyên gia, quỹ hay tổ chức thu thập trà để đánh giá hoặc chờ nó già thêm tuổi. Người ta cứ uống trà theo thời gian và giờ đây nguồn đang cạn kiệt,” ông Henry Yeung, Giám đốc điều hành của nhà bán lẻ trà nổi tiếng Sun Sing Tea, cho biết. “Với riêng trà Phổ Nhĩ, tôi khuyến khích người mua nên bắt đầu từ những bánh trà 10 - 15 năm tuổi và để già dần thay vì đánh cược vào số lượng lớn, đắt tiền, đặc biệt là khi việc bảo quản trà không đơn giản”.

Đại diện đơn vị đấu giá Poly Auction đồng ý với quan điểm trên và nói thêm rằng vì vẫn chưa có cơ quan kiểm định trà kiểu như GIA đánh giá kim cương nên những người mua mới nên bắt đầu với sở thích về hương vị và cho mục đích đầu tư, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Người này chia sẻ thêm: “Kim cương sẽ không thay đổi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nhưng chất lượng của trà thì phục vào nguồn gốc, khâu bảo quản, người pha, sự hiểu biết về trà và cả nguồn nước”.