15:06 29/12/2009

Những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lao động năm 2009

Vũ Quỳnh

VnEconomy điểm lại 9 vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lao động năm 2009

Chỉ tiêu đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2009 không thực hiện được.
Chỉ tiêu đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2009 không thực hiện được.
Năm 2009 nhiều chỉ tiêu đặt ra của ngành lao động như tạo 1,7 triệu việc làm trong nước, đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài không thực hiện được. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế cũng khiến lao động phổ thông nước ngoài “tràn” vào Việt Nam một cách bất thường.

Tuy nhiên, 2009 vẫn được nhìn nhận như một năm thành công trong khủng hoảng của ngành quản lý lực lượng trực tiếp làm ra của cải vật chất.

Với thành công của những chính sách điều chỉnh lương tối thiểu, hỗ trợ lao động mất việc, chính sách giảm nghèo cho 61 huyện nghèo nhất nước, đến chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn....đời sống của người lao động phần nào được đảm bảo.

Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, thị trường lao động đã thật sự “vươn mình” phục hồi, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, theo đó là tỷ lệ lao động mất việc cũng giảm đi đáng kể.

VnEconomy điểm lại những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lao động năm 2009.

Rà soát lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép

Thực trạng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không có giấy phép gia tăng đáng kể tại một số đại phương có lẽ là vấn đề “nóng” nhất của lĩnh vực lao động trong năm 2009.

Sự việc được phát hiện đầu tiên bằng hiện tượng "lao động Trung Quốc ở Lâm Đồng", tiếp theo là rất nhiều địa phương trên cả nước. Vấn đề trở nên nóng hơn khi những tháng đầu năm, thực trạng mất việc của lao động trong nước tăng cao, trong khi đó, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và luật pháp Việt Nam chỉ cấp phép cho lao động là người nước ngoài có chuyên môn.

Dư luận càng gay gắt khi con số thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này không thống nhất. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lao động nước ngoài tại Việt Nam, nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động hoặc cố tình vi phạm pháp luật về quản lý lao động.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tiến hành tổng kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng lao động nước ngoài và công tác quản lý số lao động này tại một số địa phương, địa bàn hiện có nhiều lao động nước ngoài làm việc, xử lý các vi phạm về pháp luật lao động theo đúng quy định.

Hỗ trợ giảm nghèo cho 61 huyện

2009 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo đối với 61 huyện nghèo nhất cả nước của Chính phủ.

Với chính sách trên, mục tiêu đặt ra của Chính phủ là đến năm 2010 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo của 61 huyện xuống dưới 40%, cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng, không còn hộ dân ở nhà tạm…

Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 30a, cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm bình quân khoảng 4%/năm, từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 43% (năm 2009).

Điều chỉnh lương tối thiểu

Mặc dù chậm hơn so với lộ trình do khủng hoảng kinh tế nhưng cuối cùng Chính phủ cũng đã ban hành nghị định tăng lương tối thiểu cho người lao động thuộc khối doanh nghiệp từ 1/1/2009 và cho công chức, viên chức bắt đầu từ ngày 1/5/2009.

Theo Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội thì đời sống của người lao động đã phần nào được cải thiện khi lương công chức, viên chức tăng 20% ( từ 540 nghìn đồng lên 650 nghìn đồng/ tháng);  lao động doanh nghiệp trong nước tăng bình quân 18%, đối với doanh nghiệp FDI tăng bình quân 15%.

Tuy nhiên, xung quanh chuyện tăng lương tối thiểu, nhiều ý kiến vẫn cho rằng lương tăng một thì giá tăng mười. Vì vậy, lương tăng cũng không đủ bù lạm phát.

Trình Chính phủ đề án đào tạo nghề lớn nhất từ trước tới nay


Đầu tháng 5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề án đào tạo nghề được xem là lớn nhất từ trước đến nay.

Hơn 32.000 tỷ đồng là tổng kinh phí ước tính cho đề án đào tạo nghề cho 12 triệu lao động nông thôn từ nay đến năm 2020.

Đề án được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%, giải quyết được thực trạng  tỷ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo nghề hiện nay quá thấp, mới chỉ chiếm khoảng 19%.

Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ lao động mất việc

Năm 2009 được đánh giá là năm thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ lao động mất việc do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế.

Quyết định 30 của Chính phủ được xem như là “phao cứu sinh” cho  các doanh nghiệp  gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán, được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất vay 0% để thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc cho người lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép lao động mất việc làm có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề phục vụ cho việc tìm việc làm mới, hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặc biệt đây là năm đầu tiên lao động thực hiện chính sách đóng bảo hiểm thất nghiệp, một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội có việc làm trong thời gian sớm nhất.

Chính thức công bố Bộ thủ tục hành chính

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chính thức công bố Bộ thủ tục hành chính gồm 281 thủ tục liên quan đến các lĩnh vực lao động - xã hội và người có công.

Việc công khai bộ thủ tục hành chính thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phấn đấu xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân, đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả, chỉ đạo, điều hành của Bộ đối với công tác quản lý nhà nước về lao động, xã hội và người có công.

“Mất mùa” xuất khẩu lao động

Cuối tháng 12, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết  xuất khẩu lao động năm 2009 không thể “cán đích”, khi số  lao động đi làm việc ở nước ngoài năm nay giảm trên 22% so với mục tiêu đề ra là 90.000 người.

Nguyên nhân chính khiến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn được nhìn nhận là do các nước bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên đã hạn chế tiếp nhận lao động.

Năm 2009, cũng là năm khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài “điêu đứng”. Bên cạnh việc phải giải quyết quyền lợi cho hàng nghìn lao động phải về nước trước thời hạn, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.

Không đưa được lao động đi, không tạo được nguồn khiến nhiều doanh nghiệp buộc  phải chuyển hướng kinh doanh, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động với dịch vụ đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Thị trường lao động trong nước phục hồi mạnh

Năm 2009, thị trường lao động trong nước được đánh giá là phục hồi mạnh khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ba tháng cuối năm tăng cao

Dấu hiệu phục hồi của thị trường lao động còn thể hiện rõ khi số lượng lao động mất việc làm giảm một cách đáng kể. Cụ thể, trong quý 3/2009, số lao động mất việc làm trong cả nước là 11.198 người, giảm 68% so với quý 2 (34.723 người).

Một số tỉnh thành trước đây tập trung số lao động mất việc làm cao, thì đến quý 3/2009 đã giảm mạnh. Ở  Tp.HCM quý 2 có 8.248 lao động mất việc thì quý 3 còn 415 người; tại Đồng Nai quý 3 này chỉ có 293 người mất việc trong khi đó quý 2 con số trên là  2.361 người; Đáng chú ý là Hà Nội và Hải Phòng trong quý 3 hầu như không có lao động mất việc làm, trong khi số lao động mất việc làm trong quý 2 lần lượt là 1.908 và 1.357 người.

Đình công giảm 70%


Nếu như năm 2007 cả nước có hơn 500 cuộc đình công, năm 2008 số vụ đình công tăng mạnh lên tới gần 800 vụ thì năm nay số vụ đình công lại giảm rõ rệt  về quy mô cũng như số lượng, chỉ bằng 30% so với năm 2008.

Cụ thể, năm 2009 đã xảy ra 216 cuộc đình công, xảy ra chủ yếu trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (157 cuộc, chiếm 72,6%); thuộc ngành dệt may (114 cuộc, chiếm 52,7%) và thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (155 cuộc, chiếm 71,7%).

Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, sở dĩ đình công giảm mạnh là do tác động của khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến cung - cầu lao động. Khi số lượng lao động mất việc tăng, nhu cầu cần việc làm lớn thì số cuộc đình công giảm đi là điều tất yếu.

Tuy nhiên, đình công giảm mạnh cũng chưa phải là thực tế đáng mừng khi cho đến thời điểm này 100% các cuộc đình công vẫn diễn ra tự phát, không đúng theo trình tự pháp luật quy định và không do tổ chức công đoàn cơ sở lãnh đạo. Đáng buồn hơn, phần lớn các tổ chức công đoàn, người đại diện quyền lợi cho người lao động trong doanh nghiệp hiện nay đều do lãnh đạo doanh nghiệp “dựng lên”.