14:57 04/06/2013

NKG: Động lực nào nhân đôi giá?

Nguyên Hà

Rất khó nhận biết đâu là giá phù hợp của cổ phiếu và cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ

Biến động giá bất thường của cổ phiếu NKG.
Biến động giá bất thường của cổ phiếu NKG.
Tăng hơn 128%, tức là gấp hơn 2 lần thị giá chỉ trong một tháng, NKG là một trong những cổ phiếu đáng chú ý nhất trên thị trường hiện tại.

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG-HOSE) rơi xuống mức đáy trong lịch sử niêm yết ở mức 6.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/5/2013. Tuy nhiên NKG bất ngờ thực hiện một hành trình tăng giá ngoạn mục chưa từng có và đến ngày 31/5 đã đạt 14.600 đồng/cổ phiếu. Mức thanh khoản bình quân tháng (20 phiên giao dịch) cũng tăng từ dưới 10.000 cổ phiếu/phiên lên gần 80.000 cổ phiếu/phiên và có những ngày giao dịch đột biến trên 200.000 cổ phiếu.

Lợi nhuận phục hồi

Nguyên nhân khiến NKG rơi xuống mức giá thấp nhất trong lịch sử vào đầu tháng 5 được cho là do kết quả kinh doanh yếu kém năm 2012. Theo báo cáo tài chính năm đã kiểm toán, con số lỗ sau thuế là 105,13 tỷ đồng. Thực ra con số lỗ chưa kiểm toán gần 100 tỷ đồng cho năm 2012 đã được công bố vào cuối tháng 3, và là nguyên nhân bẻ gãy sóng tăng giá tháng 2/2013 của NKG. Con số lỗ kiểm toán công bố đầu tháng 5 cũng không gây bất ngờ và không kéo giá giảm thêm bao nhiêu. Tuy nhiên, việc NKG báo lãi lớn trong quý 1/2013 đã lý giải hành trình nhân đôi thị giá trong tháng 5 vừa qua.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2013, NKG đã đạt mức lợi nhuận sau thuế 25,27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng. So với cùng kỳ, đây là bước tiến nhảy vọt. Thậm chí nếu nhìn một quá trình chuyển lỗ thành lãi, NKG cũng có bước tiến đáng kể. Quý 3/2012, NKG báo lỗ 55,58 tỷ đồng, quý 4/2012 báo lỗ hơn 47 tỷ đồng.

Việc chuyển từ lỗ sang lãi thường mang hiệu ứng tâm lý mạnh hơn là thực tế con số lợi nhuận. Biến động giá cổ phiếu trên thị trường là một quá trình tái định giá lại doanh nghiệp và chịu ảnh hưởng nhiều từ kết quả kinh doanh. Nếu hai quý liên tiếp cuối năm 2012 lỗ nặng và lỗ cả năm trên 100 tỷ đồng khiến NKG rơi xuống mức giá thấp nhất trong lịch sử, thì việc chuyển sang lãi quý 1/2013 cũng có thể tạo nên điều kỳ diệu. Dĩ nhiên vấn đề tái định giá này mang tính thị trường nhiều hơn, rất khó nhận biết đâu là giá phù hợp của cổ phiếu và cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ.

Một hành động rất phù hợp với thời điểm tháng tăng giá của NKG là thông tin Chủ tịch Hội đồng Quản trị mua vào khối lượng lớn. Cho tới tận ngày thông báo chính thức là 27/5/2013, thì NKG đã kịp tăng trên 91%. Mặt khác, như một thông lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, những thông tin đồn thổi về hoạt động mua này đã lan truyền sớm hơn nhiều thông tin chính thức và không có gì nâng đỡ giá cổ phiếu tốt hơn tin đồn.

Khối lượng mua vào 1,1 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trong khi mức thanh khoản bình quân của NKG như đã nói ở trên chỉ quanh quẩn 80.000 cổ phiếu/phiên thì hiệu quả thông tin là rất cao. Thông tin này đã ảnh hưởng tới giá NKG nhiều hơn là hoạt động mua thực chất, vì các giao dịch được đăng ký chỉ bắt đầu từ 31/5 và kéo dài đến 27/6.

Ẩn số dòng vốn đầu cơ

Việc giá một cổ phiếu như NKG còn tăng được hay không là điều ít liên quan đến các yếu tố cơ bản. Yếu tố chi phối lớn nhất là liệu dòng vốn đầu cơ quan tâm đến cổ phiếu này ở mức độ nào. Chẳng hạn với quy mô giao dịch lớn nhất của NKG, đạt được vào ngày 30/5/2013 thì giá trị giao dịch thực tế cũng chỉ khoảng 3,1 tỷ đồng. Đây là số tiền không lớn so với quy mô của hoạt động đầu cơ trên thị trường.

Thông thường mối quan tâm của dòng vốn đầu cơ phụ thuộc vào “độ nóng” của giá. NKG đã tăng hơn 2 lần thị giá chỉ trong một tháng và vài phiên giao dịch đột biến về thanh khoản có thể là biểu hiện của dự “thay ngựa giữa dòng”. Nếu dòng vốn đầu cơ vào muộn vẫn đủ tiềm lực thì giá có thể vẫn còn tăng tiếp, điều này không thể đoán trước.

Tuy nhiên có một hỗ trợ lớn là hoạt động mua của cổ đông lớn. Các giao dịch được xác định là khớp lệnh trên sàn (không có thỏa thuận) thì dù phải tuân theo các quy định về bước giá chào mua, nhưng vẫn sẽ tạo lực cầu lớn vì khối lượng cần mua quá lớn so với thanh khoản bình thường.

Phiên giao dịch ngày 4/6, NKG tiếp tục có một phiên tăng kịch trần bùng nổ. Thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ đỉnh tháng 6/2012. NKG biến động giá một cách bất ngờ và xuất hiện khối lượng mua lớn. Đây có thể là dòng vốn đầu cơ tiếp tục quan tâm đến cổ phiếu này, nhưng cũng có thể là hoạt động mua vào của cổ đông lớn, hoặc phối hợp cả hai. Chênh lệch cung cầu hàng ngày là động lực để giá cổ phiếu tăng.

Một điều chắc chắn là khối lượng cần mua của cổ đông lớn đủ sức duy trì được mức thanh khoản hiện tại trong một tuần nữa, nếu không kể dòng vốn đầu cơ hợp tác bổ sung. Tuy nhiên cũng phải kể đến lần đăng ký mua trước trong thời gian 18/3-16/4/2013, giá NKG đã sụt giảm mạnh, dù cổ đông lớn mua vào trên 1 triệu cổ phiếu.

Phục hồi lợi nhuận có bền vững?

Chuyển biến đáng kể nhất của NKG là chuyển lỗ thành lãi trong quý 1/2013. Xét về cơ cấu lợi nhuận, chuyển biến này là đáng ghi nhận trong việc tiết giảm chi phí đầu vào.

Theo kết quả kinh doanh quý 1/2013, tỉ suất lãi gộp quý này là 10,5%, có mức cải thiện rất đáng kể so với 1,7% trong quý 4/2012. Lợi nhuận gộp tăng mạnh trong quý 1/2013 là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của quý này đạt +23,81 tỷ đồng, trong khi quý 4/2012 là -46,33 tỷ đồng. Cần lưu ý một điểm, là các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 1/2013 đều tăng cao so với quý 4/2012.

Tỉ suất lãi gộp tăng là một con số ý nghĩa, thể hiện khả năng tiết giảm giá vốn đầu vào của hoạt động sản xuất. Cùng kỳ quý 1/2012, con số này cũng chỉ là 5,6%, quý 2/2012 là 6,7%, quý 3/2012 là 1,3%. Tuy nhiên chi phí đầu vào giảm đi trong kỳ kế toán đầu năm 2013 cũng có thể là nhờ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho.

Cả hai quý cuối năm 2012, thời điểm mà NKG ghi nhận lỗ thì lợi nhuận gộp vẫn là con số dương. Nguyên nhân dẫn đến lỗ trước thuế, là chi phí tài chính quá cao, khiến cho lợi nhuận từ hoạt động báng hàng không đủ bù đắp. Như đã nói ở trên, những nguyên nhân này vẫn tồn tại trong quý 1/2013, thậm chí còn tăng cao hơn, nhưng do lợi nhuận gộp đủ lớn để cân bằng nên kết quả kinh doanh tổng thể mới là con số dương.

Quý 1/2013, NKG không giảm được chi phí tài chính, so với cùng kỳ năm ngoái thậm chí còn tăng 14%. So với hai quý liền trước, chi phí tài chính quý này đều tăng hơn khoảng 9%. Chi phí tài chính cao là một trong những đặc điểm của ngành thép. Công ty cần nguồn vốn lưu động lớn cho hoạt động sản xuất.

Trong quá khứ NKG phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngắn hạn, lên tới hàng ngàn tỉ đồng trong quý 2 và quý 3/2012. Tỉ lệ vay và nợ ngắn hạn của hai quý này so với tổng nợ ngắn hạn tương ứng 72% và 81%. Tỉ lệ này trong quý 4/2012 giảm xuống còn 60% và quý 1/2013 còn 56%.

Xu hướng giảm mức vay nợ là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên khả năng thanh toán nhanh của NKG không tốt. Tài sản lưu động thấp hơn mức vay nợ ngắn hạn. Khoản lớn nhất là phải thu khách hàng theo báo cáo quý 1/2013 là 410 tỷ đồng, trong khi riêng khoản vay và nợ ngắn hạn là 769,5 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ ngắn hạn còn khoản phải trả người bán 508,6 tỷ đồng. Trong cơ cấu hàng tồn kho quý này thì thành phẩm và hàng hóa trị giá khoảng 405,1 tỷ đồng. Chỉ có đẩy mạnh thu hồi nợ và tăng bán hàng mới đáp ứng được dòng tiền trả nợ.

NKG hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và có thị trường. Dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 1/2013 đạt 455,62 tỷ đồng bù đắp được cho nợ gốc vay. Tuy nhiên, NKG vẫn phải phụ thuộc vào vốn vay. Doanh thu thuần quý này vẫn giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Như đã nói ở trên, chuyển biến lớn nhất trong hoạt động kinh doanh quý này là giảm được giá vốn giúp lãi gộp tăng lên đột biến. Hiện chưa rõ chuyển biến này có mang tính bền vững hay không. Tỉ suất lãi gộp của quý 1/2013 trên 10,5% là mức cao nhất kể từ quý 2/2010 (15%). Trong 12 quý gần nhất, con số này biến động và không ổn định.