14:00 16/09/2010

Nợ nằm ngoài phạm vi bảo lãnh: “Đáng lo đấy”

Nguyễn Lê

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói về các khoản nợ riêng của doanh nghiệp, không do Chính phủ bảo lãnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển.
Tại hội thảo về vấn đề nợ công do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức, TS. Benedict Bingham, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, cho rằng khi giám sát về nợ công, Quốc hội nên tính tới cả những khoản nợ mà Chính phủ không bảo lãnh.

Xung quanh chủ đề này, VnEconomy đã có cuộc trò chuyện bên lề hội thảo với TS. Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Thưa ông, hiện tại báo cáo của Chính phủ về nợ cũng mới chỉ có nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh, chứ chưa tính các khoản nợ mà doanh nghiệp vay riêng?

Trong báo cáo hàng năm trước Quốc hội, Chính phủ luôn có báo cáo về vấn đề nợ, trong đó có báo cáo nợ Chính phủ. Nhưng lần này, Chính phủ phải có báo cáo nợ công như thế nào, không chỉ là nợ của một năm mà là nợ 3 năm, 5 năm, tức phải có kế hoạch tài chính trung hạn.

Riêng về nợ công thì đầu tiên phải đi từ định nghĩa. Luật Quản lý nợ công của chúng ta quy định ba loại: một là nợ của Chính phủ, hai là nợ của chính quyền địa phương, ba là nợ do Chính phủ bảo lãnh và Chính phủ phải chịu trách nhiệm về chuyện đó.

Còn các khoản nợ khác ví dụ như các khoản nợ riêng của doanh nghiệp, không do Chính phủ bảo lãnh thì đó là khoản nợ nói ngầm thì không phải, mà là chúng ta không quán xuyến được.

Ví như phát hành trái phiếu công ty chẳng hạn, khoản đó Chính phủ không bảo lãnh. Hoặc như khoản vay nước ngoài mấy trăm triệu USD mà Vinashin tự vay không thuộc bảo lãnh của Chính phủ thì đều không thuộc khái niệm nợ quốc gia, nợ Chính phủ. Nhưng các chuyên gia cảnh báo đó là nợ ngầm, tức là rất nhiều doanh nghiệp tự đi vay nợ trong và ngoài nước, không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, còn những khoản nợ không chỉ là nợ trái phiếu mà còn nợ qua hệ thống các ngân hàng, cũng cần lưu ý.

Thưa ông, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có nắm được số nợ nằm ngoài phạm vi quản lý nợ công như ông đề cập ở trên là bao nhiêu không?

Chúng ta có thể tính toán được, bởi vì những khoản nợ đã qua ngân hàng thì nắm được. Rồi những khoản nợ các doanh nghiệp đi vay nước ngoài bao giờ cũng phải qua ngân hàng Nhà nước chúng ta cũng có thể biết. Còn tỷ trọng là bao nhiêu thì hôm nay chưa thể khẳng định. Hiện Ủy ban đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo tại phiên họp sắp tới đây.

Vậy theo ông, những khoản nợ như vậy ở Việt Nam có thực sự đáng lo hay không?

Cái đó đáng lo đấy. Cảnh báo của chuyên gia IMF tôi cho là đúng đắn.

Vì những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh, tức là đã có nguồn lực để bảo lãnh và có thể tính được khoản nợ đó vì Chính bảo lãnh thì phải tính được khoản nợ là bao nhiêu. Nhưng, có những khoản nợ mà Chính phủ không nắm được mà cuối cùng khoản vay đó lại sử dụng không hiệu quả, dẫn tới vỡ nợ thì quy luật tài chính nó như bình thông nhau, khi một lĩnh vực đã bị khủng hoảng thì sẽ tác động đến nhau theo hiệu ứng domino.

Ví như tư nhân vay nhưng không có khả năng trả nợ thì đầu tiên nếu họ vay ngân hàng, dẫn tới ngân hàng mất khả năng thanh toán vì không thể thu hồi nợ để trả nợ được. Mà ngân hàng mất khả năng thanh toán sẽ dẫn tới các định chế tài chính khác gặp khó khăn. Cho nên, thậm chí nếu chúng ta không quản lý tốt lĩnh vực tư nhân và khống chế tốc độ cho vay cũng như dư nợ của ngân hàng thì không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực đó mà tác động lên tất cả một cách gián tiếp.

Bên cạnh đó, rất nhiều người dân góp vốn thông qua hệ thống chứng khoán, khi thị trường chứng khoán có vấn đề gì hoặc các doanh nghiệp hạch toán có vấn đề gì  không minh bạch thì cũng sẽ tác động.

Chúng ta vẫn xem thị trường chứng khoán là hơi thở của nền kinh tế. Nhưng có một điều là với 400 - 500 công ty trên sàn thì vốn cũng chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ so với toàn bộ nền kinh tế nên cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều.

Thưa ông, tại hội thảo này, phân tích của các chuyên gia nước ngoài có cho thấy ở nhiều nước, các chỉ tiêu đánh giá ngưỡng an toàn nợ công khác với Việt Nam?

Trong Luật Quản lý nợ công của Việt Nam có quy định Quốc hội quyết định đến chỉ tiêu an toàn nợ, ví như nợ công so với GDP, nợ công so với ngân sách, nợ công so với mức độ xuất khẩu của chúng ta.

Ở đây, các chuyên gia cảnh báo chúng ta đừng có quá vin vào các tiêu chí đó, vì thậm chí có nhiều quốc gia hiện nay có ngưỡng an toàn rất tốt như Argentina, Ucraina..., nhưng vẫn xảy ra khủng hoảng. Bởi gốc rễ là nằm ở cơ cấu nợ, là nợ dài hạn hay ngắn hạn. Nếu mà dài hạn thì tạm gọi là ổn định, còn nếu ngắn hạn, phải trả ngay thì vẫn có thể khủng hoảng ngay, mặc dù nợ trên GDP rất thấp. Hoặc là, dư nợ của anh thấp nhưng hiệu quả đầu tư lại cao.

Đồng tình với nhiều cảnh báo của chuyên gia, trong hoạt động giám sát tới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ làm gì để góp phần tránh những nguy cơ rủi ro về nợ công?

Hội thảo hôm nay giúp cho Ủy ban có thêm góc nhìn về lý luận mà các chuyên gia tài chính thế giới đã đưa đến trong giám sát nợ công. Tại kỳ họp cuối năm nay, chúng tôi sẽ có báo cáo giám sát trước Quốc hội về nội dung này cùng với việc sử dụng trái phiếu Chính phủ, báo cáo giám sát 6 năm thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước…

Thế còn cơ chế giám sát nợ nằm ngoài phạm vi quản lý, thưa ông?

Cơ chế giám sát nợ thì đã có trong luật, Luật Quản lý nợ công của Việt Nam đã quy định rất rõ là giao Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội phải giám sát, trong đó Ủy ban chúng tôi chính là cơ quan phải thực hiện chức năng này.

Theo ngưỡng an toàn của chúng ta thì năm nay và 2011, chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, đấy là điều khẳng định. Song, nếu như chúng ta không có biện pháp trung hạn, cơ cấu lại các khoản nợ, giảm dần các khoản nợ, đầu tư phải có hiệu quả và tích cực hơn thì câu chuyện chúng ta vượt ngưỡng an toàn nợ sẽ xảy ra trong tương lai.