06:00 31/03/2022

Nông sản Việt làm gì để chinh phục thị trường Nhật?

Vũ Khuê

Nông sản Việt Nam được đánh giá có tiềm năng đáp ứng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Tuy nhiên để biến tiềm năng thành đô la, không chỉ doanh nghiệp mà cả các bộ ngành liên quan cần nỗ lực rất nhiều về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, marketing…

Xoài đông lạnh Việt Nam được người tiêu dùng Nhật yêu thích.
Xoài đông lạnh Việt Nam được người tiêu dùng Nhật yêu thích.

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu thị trường Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức, các ý kiến đều nhận định, các sản phẩm nông sản của Việt Nam rất có tiềm năng tại thị trường Nhật Bản.

VIỆT NAM ĐỨNG THỨ 10 XUẤT KHẨU RAU QUẢ VÀO NHẬT BẢN

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông sản, thuỷ sản mà Việt Nam có khả năng cung ứng tốt như cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Hiện nay, Nhật Bản chiếm khoảng 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông – thuỷ sản của cả nước.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông – thuỷ sản Việt Nam sang Nhật đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5% so với năm 2020. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản có mức giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng các mặt hàng còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt như cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%...

2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản có mức tăng trưởng tốt, với 19,6% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 294,8 triệu USD.

Trong đó hầu hết các mặt hàng đều có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 như hạt tiêu tăng 174,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 82,7%, cà phê tăng 47,4%, hạt điều tăng 23,6%, thuỷ sản tăng 14,6%, rau quả tăng 10,2%.

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu rau quả thứ 10 vào Nhật Bản, chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này, với các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài, thanh long, vải và các sản phẩm trái cây chế biến.

Với việc hai nước cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Asean – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… càng mở ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.

VẪN CÒN NHIỀU "CHÔNG GAI"

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật phải nỗ lực nhiều để chiếm vị thế tại thị trường Nhật.

Ông Toản cho rằng, đây là thị trường có yêu cầu chặt chẽ, nên dù doanh nghiệp đã chủ động cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, dư lượng về hoá chất nông nghiệp… nhưng họ vẫn cần được thông tin về các kênh chính thống, đầu mối hỗ trợ và cơ chế cập nhật về các chính sách, yêu cầu, quy định của thị trường.

Ngoài ra, trong phân phối doanh nghiệp cần được hỗ trợ, kết nối để tìm ra con đường riêng trong tiếp cận tới các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, để thâm nhập thành công thị trường Nhật, cần hiểu rõ về thị trường này như tiêu chuẩn kỹ thuật (GAP, HACCP hay JAS - tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật), hệ thống phân phối, thị hiếu tiêu dùng...

Cái khó hiện nay với doanh nghiệp Việt Nam là chủ yếu xuất khẩu cho các công ty thương mại và các nhà bán buôn Nhật Bản. Trong khi việc tiếp cận các kênh khác như hệ thống cửa hàng bán lẻ, các nhà chế biến công nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt hầu hết các công ty Việt Nam hiện chưa có hệ thống đại diện hoặc chi nhánh tại thị trường Nhật.

Theo đánh giá của ông Yoshida Keigo, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Aeon TopValu Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đa số nhỏ nên chỉ chú trọng sản xuất chưa quan tâm tới hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu, chưa theo đuổi cải cách kỹ thuật mới…

Người tiêu dùng Nhật lựa chọn hoa quả trái cây thì độ tươi ngon của sản phẩm là điều kiện tối quan trọng nhất. Nhưng sản phẩm nông sản đi từ Việt Nam sang Nhật bằng đường biển sẽ mất 6-8 ngày. Do đó bảo vệ độ tươi ngon của sản phẩm là bài toán đặt ra cho nông sản Việt Nam.

Để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm, đại diện Aeon cho rằng phương thức vận chuyển lý tưởng nhất là đường hàng không. Tuy nhiên, so với nước láng giềng như Thái Lan thì giá thành vận chuyển của Việt Nam đang cao hơn nhiều.

Đơn cử, 1kg vận chuyển bằng đường hàng không của Thái chỉ mất 0,97 USD nhưng ở Việt Nam là 2,32 USD. Nên khi đến thị trường Nhật Bản sản phẩm của Việt Nam sẽ bị thua về giá thành.

Vì vậy, theo ông Yoshida Keigo, để tăng thu nhập cho nông nghiệp Việt Nam bên cạnh các sản phẩm nông sản xuất khẩu tươi theo mùa vụ, việc nâng cao kỹ thuật chế biến cần được ưu tiên để gia tăng sản lượng.

Ví dụ như hạt dẻ sơ chế, có thể xuất khẩu quanh năm chứ không chỉ theo thời vụ 1,5 tháng. Hiện số lượng hạt dẻ sơ chế Aeon xuất khẩu khoảng 900 tấn hạt dẻ. Xoài đông lạnh có thể xuất cả năm với khối lượng 360 tấn…