10:27 02/06/2023

Những ngành nghề phải cắt giảm nhiều lao động nhất trong 5 tháng đầu năm

Nhật Dương

Việc cắt giảm lao động vẫn trong khả năng kiểm soát, nhưng nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, và lan sang các ngành nghề khác trong thời gian tới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định đó được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu trong báo cáo về tình hình lao động, việc làm trong 5 tháng đầu năm 2023.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do sụt giảm đơn hàng, khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, phát triển thị trường nước ngoài.  

Số này tập trung vào các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành cắt giảm lao động thì nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn (nhu cầu tuyển lao động trong 4 tháng đầu năm 2023 là 481,2 nghìn người; trong đó nhu cầu tuyển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 146 nghìn lao động).

"Việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, sẽ lan sang các ngành nghề khác trong thời gian tới", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 337.432 người, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người/tháng. Cũng trong 5 tháng đầu năm các trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 754.921 lượt người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục duy trì sự phục hồi của thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Đơn cử như thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng...

Cùng với đó, hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động gồm: Hướng dẫn, đảm bảo chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm, kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa lao động, nơi không tuyển được lao động; thu thập, nắm bắt thông tin thị trường lao động để định hướng về đào tạo, việc làm cho người lao động.

Mặt khác, cần bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm của người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh; nghiên cứu, có chính sách giảm các khoản đóng góp cho doanh nghiệp (ví dụ giảm mức đóng bảo hiểm tại nạn lao động bệnh nghề nghiệp...).

Theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn việc người lao động bị lôi kéo, kích động từ bên ngoài gây bất ồn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến người lao động đang làm việc.