18:00 30/07/2013

Núi Pháo đem công nghệ Đức về Việt Nam

Khánh Hà

Với liên doanh vừa được thành lập, Núi Pháo sẽ sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới và lợi thế về khả năng tiêu thụ sản phẩm

<font face="Arial, Verdana" size="2">Một góc dự án Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.</font>
<font face="Arial, Verdana" size="2">Một góc dự án Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.</font>
Tập đoàn Masan (MSN-HOSE) vừa công bố thành lập liên doanh Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck (công ty liên doanh). Đây là sự hợp tác giữa Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty con của Masan và H.C. Starck - tập đoàn hàng đầu về chế biến khoáng sản công nghiệp.

Cùng với đó là hợp đồng bao tiêu phần lớn sản phẩm từ H.C. Starck. Đây là bước tiến xa hơn giúp nhà máy đi vào hoạt động trong quý 4 năm nay và có thể bắt đầu đóng góp thu nhập cho tập đoàn từ cuối năm 2013.

Theo thỏa thuận hợp tác, H.C. Stark sẽ sở hữu 49% vốn cổ phần tại công ty liên doanh và Núi Pháo sở hữu 51% còn lại. Liên doanh này sẽ thực hiện việc tinh luyện quặng vonfram được khai thác và chế biến sâu tại mỏ Núi Pháo thành các sản phẩm vonfram có giá trị gia tăng cao hơn. Công ty có khả năng tinh luyện lên đến 10.000 tấn tinh quặng vonfram mỗi năm.

Ngoài ra, cũng theo thỏa thuận, H.C. Starck sẽ vận hành nhà máy của liên doanh này và cam kết mua lại phần lớn sản phẩm để sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. H.C. Starck cũng sẽ hỗ trợ việc chào bán phần sản lượng còn lại ra thị trường.

Với việc hợp tác thành lập liên doanh với H.C. Starck, Núi Pháo đã đưa thêm một cái tên mang tầm thế giới trong lĩnh vực chế biến khoáng sản công nghiệp vào danh sách các đối tác của mình. Thành lập từ năm 1920 tại Đức, H.C. Starck là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các kim loại và gốm sứ công nghệ cao. Tập đoàn này có 14 nhà máy sản xuất riêng của mình nằm ở châu Âu, châu Mỹ, và châu Á với 3.000 nhân viên tại Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tinh luyện Vonfram, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ chuyên sâu, sự hợp tác giữa H.C. Starck và Núi Pháo đã hoàn chỉnh quy trình khép kín từ khâu khai tác tới tinh luyện và bán sản phẩm. Việc tham gia điều hành của H.C. Starck cũng nâng tầm công ty liên doanh, và có khả năng sản xuất sản phẩm vonfram giá trị cao với hàm lượng tinh luyện hơn 65%, trong khi tiêu chuẩn hiện tại của Việt Nam đối với vonfram xuất khẩu chỉ là 55%.

Ông Dominic Heaton, Tổng giám đốc điều hành của Núi Pháo cho biết: “H.C. Starck có chuyên môn đẳng cấp thế giới trong việc chế biến và tinh luyện  các sản phẩm vonfram. Sử dụng công nghệ và kĩ thuật chuyên sâu của H.C. Starck, Masan Group sẽ góp phần vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam thành nước xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn”.

H.C. Starck là cái tên thứ ba trong danh sách những đối tác chính của Núi Pháo. Từ năm 2010, Mount Kellett - một công ty đầu tư đa lĩnh vực, tập trung vào các loại tài sản đặc biệt trên toàn cầu - đã bỏ ra 100 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần trong Masan Resources.

Núi Pháo cũng đã ký một thỏa thuận bao tiêu sản phẩm florit được sản xuất với CMC Cometals. Đây là đơn vị thuộc Commercial Metals Company (CMC) chuyên sản xuất, tái chế và cung cấp thép, kim loại cũng như các sản phẩm liên quan trên toàn thế giới. CMC Cometals cũng là nhà phân phối hàng đầu về khoáng sản và hóa chất. Florit là một trong 4 khoáng sản chính của dự án Núi Pháo. Các sản phẩm còn lại bao gồm vonfram, bismut và đồng.

Theo những thông tin ban đầu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm của H.C. Starck dự kiến thu hơn 1 tỷ USD trong 10 năm. Với thời gian khá dài, thỏa thuận giúp đảm bảo và giảm rủi ro đối với dòng tiền về dài hạn cho mỏ Núi Pháo. Vonfram không được giao dịch rộng rãi và không được niêm yết giá tại Sở giao dịch kim loại London, nên giá không biến động giống như hầu hết các kim loại khác vì người mua nói chung là người sử dụng cuối cùng.

Lợi thế công nghệ tiên tiến của H.C. Starck giúp giá trị sản phẩm vonfram của Núi Pháo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này phù hợp với định hướng của Việt Nam trong việc hạn chế xuất khẩu khoảng sản thô, tập trung vào sản xuất và xuất khẩu khoáng sản tinh luyện có giá trị gia tăng cao hơn.

Vonfram được Liên minh châu Âu xem là “một trong những nguyên liệu thô quan trọng” với những ứng dụng công nghiệp hầu như không thể thay thế được. Trung Quốc hiện đang thống lĩnh thị trường vonfram cơ bản của thế giới chiếm khoảng 85% sản lượng  toàn cầu. Hiện tại, nước này đã áp dụng hạn ngạch trong xuất khẩu vonfram và mức hạn ngạch cũng đang giảm dần hàng năm.

Chính vì vậy, việc Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng với sản phẩm đạt chuẩn sẽ tạo chỗ đứng tốt cho lĩnh vực khoáng sản trong nước. Theo những kết quả khảo sát, Núi Pháo là một trong những mỏ vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc với khoảng 52,5 triệu tấn quặng. Núi Pháo được dự báo sẽ trở thành một trong những đơn vị sản xuất florit cấp axit và bismut lớn nhất thế giới.

Theo thông tin từ Núi Pháo, giai đoạn đầu tiên của nhà máy chế biến vonfram sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tháng tới và các giai đoạn tiếp theo dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) với những thông tin từ cuộc gặp gỡ trực tiếp với ban giám đốc tập đoàn Masan tin tưởng rằng Núi Pháo có thể bắt đầu tạo doanh thu từ quý 4/2013.