10:47 09/06/2015

Nước châu Âu đầu tiên gia nhập “con đường tơ lụa” của Trung Quốc

Diệp Vũ

Hungary ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về sáng kiến “con đường tơ lụa”

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại Budapest ngày 6/6 - Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại Budapest ngày 6/6 - Ảnh: AP.
Hungary đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về sáng kiến “con đường tơ lụa” nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và giao thông ở châu Á và xa hơn.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/6 cho biết, ngoại trưởng hai nước đã ký kết một bản ghi nhớ về  chương trình “Một hành lang, một con đường” - tên gọi chính thức của sáng kiến “con đường tơ lụa” do Trung Quốc khởi xướng - tại thủ đô Budapest của Hungary.

Trong lịch sử, thuật ngữ “con đường tơ lụa” được dùng để nói đến một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng giữa châu Á với châu Âu, kéo dài trong hàng nghìn năm.

Trung Quốc hoan nghênh các nước châu Âu hướng Đông và tăng cường quan hệ hợp tác với Bắc Kinh và các nước châu Á khác, cũng như tham gia vào chương trình “Một hành lang, một con đường” theo nhiều cách khác nhau - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói.

Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng kim ngạch thương mại hàng năm của các nước tham gia “con đường tơ lụa” hiện đại sẽ vượt ngưỡng 2,5 nghìn tỷ USD sau một thập kỷ.

Hungary mong muốn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và thúc đẩy dự án đường sắt Hungary - Serbia và các dự án xây dựng lớn khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Tổng thống Hungary Janos Ader. Hiện Trung Quốc đang giúp cung cấp vốn và xây dựng một tuyến đường sắt nối giữa Hungary và Serbia.

Các dự án trong kế hoạch “con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc bao gồm một hệ thống đường sắt, đường bộ, đường ống dẫn dầu và khí đốt, mạng lưới điện, Internet, cơ sở hạ tầng đường biển, và các cơ sở hạ tầng khác kết nối vùng Trung, Tây và Nam Á tới Hy Lạp, Nga và Oman, theo đó tăng cường kết nối giữa Trung Quốc với châu Âu và châu Phi.