11:26 02/08/2008

Nước Mỹ có thêm ngân hàng vỡ nợ

Mai Vân

Một ngân hàng nữa ở Mỹ phá sản vì đã dính dáng quá nhiều đến lĩnh vực cho vay xây dựng và không đòi được nợ

Khách hàng của IndyMac xếp hàng ngoài ngân hàng này chờ rút tiền sau khi IndyMac bị FDIC trưng thu hôm 11/7 - Ảnh: Reuters.
Khách hàng của IndyMac xếp hàng ngoài ngân hàng này chờ rút tiền sau khi IndyMac bị FDIC trưng thu hôm 11/7 - Ảnh: Reuters.
Cơ quan chức năng của Mỹ lại vừa đóng cửa thêm một ngân hàng nữa, nâng số ngân hàng bị đóng cửa ở nước này từ đầu năm đến nay lên 8 ngân hàng.

Ngân hàng bị Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản lần này là First Priority Bank hoạt động tại bang Florida.

FDIC cho biết, ngân hàng First Priority có tổng tài sản là 259 triệu USD và nắm giữ 227 triệu USD tiền gửi của khách hàng. Trong số này có khoảng 13 triệu tiền gửi không được bảo hiểm do số tiền này nằm trong 840 tài khoản có thể vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC.

Do đó, những khách hàng có tài khoản tiền gửi trên 100.000 USD - giới hạn bảo hiểm của FDIC - sẽ trở thành chủ nợ của ngân hàng bị phá sản. Các khoản nợ này sẽ được thanh toán cho khách hàng nếu FDIC bán được thêm tài sản của First Priority.

Sau các thủ tục đóng cửa, FDIC đã chuyển giao First Priority sang cho ngân hàng SunTrust Bank có trụ sở ở bang Atlanta để giải quyết các khoản tiền gửi của khác hàng ở ngân hàng này.

Do đó, 6 chi nhánh của First Priority sẽ mở cửa trở lại vào thứ hai tuần tới với tư cách là các chi nhánh của SunTrust và các khách hàng của First Priority sẽ tự động trở thành khách hàng của SunTrust.

Theo tính toán ban đầu, SunTrust sẽ mua khoảng 42 triệu USD tài sản của First Priority, chủ yếu là tiền mặt, các khoản tương đương tiền, và chứng khoán. Thêm 14 triệu USD tài sản nữa sẽ được bán cho một chi nhánh của ngân hàng Beal Bank Nevada. FDIC sẽ nỗ lực bán nốt 171 triệu USD tài sản còn lại.

Frist Priority là ngân hàng đầu tiên bị đóng cửa tại bang Florida kể từ tháng 3/2004 trở lịa đây. Theo FDIC, First Priority phá sản vì đã dính dáng quá nhiều đến lĩnh vực cho vay xây dựng và không đòi được nợ. Vụ phá sản của First Priority sẽ khiến FDIC phải chi khoảng 72 triệu USD từ quỹ liên bang để bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng.

Vụ ngân hàng phá sản lớn nhất ở Mỹ từ đầu năm đến nay, đồng thời là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, là vụ sụp đổ của IndyMac hôm 11/7. Ngân hàng này có 32 tỷ USD tài sản và 19 tỷ USD tiền gửi của khách hàng. Như vậy, kể từ hôm 11/7 tới nay, đã có 4 ngân hàng ở Mỹ vỡ nợ.

Nhìn chung, sự sụp đổ của 8 ngân hàng ở Mỹ từ đầu năm đến nay bắt nguồn từ áp lực từ nền kinh tế Mỹ đi xuống và cuộc khủng hoảng tín dụng vì giá nhà đất ở nước này “tụt dốc không phanh”.

(Theo Reuters, CNN)