03:53 20/02/2007

Nuôi heo rừng

Ái Vân

Lâu nay, thịt heo rừng vốn được xem là đặc sản, bởi năm thì mười họa người đi rừng mới bẫy được một con

Thời gian gần đây một số người đã đầu tư nuôi và phát triển đàn heo rừng - Ảnh: TT.
Thời gian gần đây một số người đã đầu tư nuôi và phát triển đàn heo rừng - Ảnh: TT.
Lâu nay, thịt heo rừng vốn được xem là đặc sản, bởi năm thì mười họa người đi rừng mới bẫy được một con.

Còn cái nghề nuôi heo vốn đã phổ biến ở khắp nơi nhưng chuyện nuôi loài heo rừng thì xưa nay mấy ai lại nghĩ đến. Song với nhu cầu ẩm thực của xã hội, ngày nay, con heo rừng đã rời rừng về sống với con người.

Vài năm trở lại đây, ở một số tỉnh ở Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp.HCM “mọc” lên những địa chủ nuôi heo rừng, có nơi còn nuôi với số lượng cả trăm con; còn nếu nói về số lượng nuôi lẻ tẻ vài con trong gia đình làm kiểng cũng không ít. Vì nhu cầu và giá cả của thị trường đã thu hút nhiều người đầu tư.

Thịt heo rừng ngon hơn hẳn heo nhà

Cũng là heo nhưng thịt của heo rừng có giá trị gấp cả chục lần thịt heo nuôi tại nhà. Chính môi trường sống và điều kiện ăn uống đã tạo nên những điểm đặc trưng cho thịt. Trong lúc đám heo nhà được chăm sóc cẩn thận: ở chuồng xây, tắm rửa hàng ngày, ăn uống no say đủ ngày 3 bữa, thức ăn toàn là cám, gạo, mì; không những vậy con nào bỏ ăn, mặt mũi lừ đừ là được chăm nom kĩ lưỡng với thuốc thang đầy đủ.

Ngược lại, con heo rừng phải sống cuộc sống tự thân. Ngay khi còn bú mẹ những con heo con đã theo mẹ chạy khắp nơi kiếm ăn đến khi rã bầy heo con đã có thể tự sống độc lập.

Heo vốn là loài ăn tạp. Hàng ngày lũ heo rừng lùng sục khắp nơi, gặp được thức gì thì ăn thức nấy. Trong quá trình kiếm ăn chúng liên tục đào bới, lùng sục khắp nơi để tìm ăn con giun con dế, các loại củ, rễ cây, cỏ, các loại quả rừng, nấm dại mỗi khi khát nước hay nóng nực chúng lại mò xuống những dòng suối.

Nhờ vận động liên tục nên cơ thịt của heo rừng săn chắc, con heo rừng được hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn là cây cỏ trong tự nhiên; nên thịt heo rừng có nạc nhiều nhưng rất mềm, rất ít mỡ, lại rất ngọt và thơm.

Đặc biệt, đối với heo rừng dù là heo tơ hay heo già thì lớp da cũng rất dầy nhưng cũng rất giòn, không cứng như thịt heo nuôi nhà, da có vị bùi bùi thơm thơm. Một món ăn chế biến với thịt heo rừng nhưng miếng thịt chỉ có mỗi phần nạc, mất đi lớp da dầy vàng ươm là đã giảm bớt đi vị ngon của món ăn.

Từ xưa đến nay, thịt heo rừng rất được mọi người ưu chuộng. Trong các quán ăn, nhà hàng từ các tỉnh thành đến các thành phố lớn nơi nào cũng xếp thịt heo rừng vào hàng đặc sản đắt tiền. Song nhiều lúc có tiền nhưng khách ẩm thực cũng rất ít khi thưởng thức được các món ăn chế biến từ thịt heo rừng do các nhà hàng, quán ăn không chủ động được nguồn thịt thường xuyên.

Nuôi heo rừng đang là nghề mới

Thời gian gần đây một số người đã đầu tư nuôi và phát triển đàn heo rừng. Với giá thịt heo rừng trên thị trường khoảng 100.000 đồng/kg thì nuôi heo rừng đang là một nghề hái ra tiền.

Qua kinh nghiệm nuôi heo rừng của ông Nguyễn Trùng Phương ở Tây Ninh thì con heo rừng có thể phát triển nuôi số lượng lớn như nuôi heo đã thuần dưỡng. Ông kể rằng: trước đây ông chưa bao giờ có ý định kinh doanh nuôi heo rừng. Nhưng cách đây 10 năm trong một lần đi công tác ở Lâm Đồng, khi xe tấp vào quán cơm dọc đường đề nghỉ trưa thì vô tình nhìn thấy bà chủ quán có 4 con heo rừng con đang nhốt ở phía sau.

Thấy vậy, trong đầu ông Phương mới hiện lên ý tưởng mua vài con về nuôi cho vui, năn nỉ mãi bà chủ quán cơm mới chịu nhượng lại cho 1 cặp gồm 1 con đực và một con cái với số tiền 3 triệu đồng. Sau đó, 2 con heo rừng con ấy được mang về Đồng Nai nuôi, không ngờ chúng sống khoẻ, mau lớn và sinh sản.

Từ những lứa heo con của cặp heo rừng con ngày nào, ông đã gầy dựng và mở rộng số lượng đàn heo rừng từ từ cho đến ngày nay. Đến nay, Ông Phương đang quản lí 2 trang trại nuôi heo rừng ở Đồng Nai và Tây Ninh với tổng số heo nái hơn 70 con. Hàng tháng ông đưa heo thịt từ trại nuôi rộng 2 ha ở xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng Tây Ninh về Đồng Nai tiêu thụ.

Mỗi năm trung bình từ 2 trang trại nuôi heo rừng của ông xuất chuồng khoảng 200 con heo thịt, thu về cả trăm triệu đồng.

Song ông Phương còn cho biết do nhiều người hiện muốn nuôi “thử” heo rừng, vì vậy heo con sinh ra để bán giống là chủ yếu, còn bán thịt để ăn uống vẫn không có nhiều, giá bán giống còn cao hơn cả giá thịt; vậy mà quanh năm không đủ con giống bán.

Thật vậy, theo lời giới thiệu của ông Phương từ trại heo của ông, chúng tôi bước sang một số nhà người hàng xóm. Trong chuồng heo nhà nào cũng có 3- 5 con heo giống và cả chục con heo con. Ngoài những gia đình xung quanh trang trại, ông Phương còn để giống cho một số bạn bè, người quen ở các tỉnh khác như Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu; đây là những cơ sở vệ tinh cung cấp nguồn heo giống cũng như heo thịt mỗi khi khách hàng ở trong khu vực ấy có nhu cầu.

Heo rừng nuôi không khó

Con heo rừng hình dáng nhỏ gọn với mình dài, mõm dài và nhọn, thân suông, lông thưa dài có màu đen hoặc nâu sậm, bình thường lông chỉ mọc dày ở phần gáy và chạy dọc theo sống lưng. Những lúc chúng nổi giận hay hoảng sợ lông gáy của chúng dựng đứng lên, trông rất dữ tợn. Đối với heo rừng con mới đẻ, bộ lông của chúng có hình sọc dưa với 2 màu nâu và đen xen lẫn.

Heo rừng trọng lượng tối đa của một con chừng 35 kg (đối với heo cái) còn heo đực là khoảng 60 - 70kg. Mặc dù có thể đưa heo rừng vào chuồng nuôi nhốt như các dòng heo thuần nhưng điều kiện sống tốt nhất để heo rừng sinh trưởng là môi trường bán thiên nhiên có hồ nước tắm, “sân chơi” rộng cho lũ heo chạy nhảy, ủi đất không bị cuồng chân để chúng khỏi phá phách.

Heo rừng có sức đề kháng mạnh nên rất ít bệnh tật. Heo rừng ăn tạp vì vậy ngoài cám, gạo còn có thể cho chúng ăn những loại rau cỏ, củ khác. Ông Phương cho biết, hàng ngày, những con heo rừng trong trang trại của mình chỉ được ăn 2 bữa là cám gạo, còn 1 bữa thì ăn các loại củ như sắn (khoai mì), khoai lang, bắp khô.

Lâu nay, mọi người không lạ gì với việc nuôi các giống heo thuần chủng, còn khi nhắc đến heo rừng mọi người nghĩ ngay đến hình ảnh một loài heo dữ tợn sẵn sàng lao vào tấn công con người bất cứ lúc nào. Nhưng theo như giải thích của những người đang nuôi heo rừng thì phần lớn heo rừng đang được nuôi ở các gia đình đều đã qua lai tạo. Chúng là thế hệ con lai đời F1, F2 của những con heo rừng chính gốc, hoặc bố là heo rừng gốc.

Thông thường mọi người hay dùng giống lợn ỉ để phối với con heo rừng để cho ra lớp heo rừng con lai F1; sau đó tiếp tục lấy heo cái đời F1 phối với heo rừng đực gốc cho ra đời heo F2, từ đời heo lai F2 phối giống với heo rừng gốc sẽ cho đời heo lai F3 đây là dòng lợn rừng thuần chủng 100% có chất lượng thịt ngon tương đương với thịt heo rừng thứ thiệt, có thể phát triển nuôi lấy thịt.

Vì sống gần con người những heo rừng lai đã hiền hơn, dạn dĩ với người hơn. tuy nhiên, với người quen thì chúng thế còn đối với người lạ thì mấy con heo rừng cũng lồng lộng lên, miệng gầm gừ, mắt láo liên vì bản tính hoang dã không bị mất đi.

Vài năm về trước, thịt heo rừng ở Bình Phước chỉ ở mức 60.000 đồng/kg nhưng nay heo hiếm giá cũng đã tăng lên trên hơn 100.000 đồng, song có ngày có ngày không. Nhưng ngày nay, trước phong trào nuôi heo rừng phát triển mạnh ở nhiều nơi, không chỉ các tỉnh Đông Nam Bộ mà ngay cả các tỉnh vùng ĐBSCL cũng đã có khá nhiều người đầu tư nuôi heo rừng thì muốn ăn thịt heo rừng không còn khó mấy, nếu chịu khó có thể tìm được, không chỉ một vài kilogam mà cả nguyên một con heo còn sống nguyên.

Thị trường cho thịt heo rừng đang rất rộng. Ngoài nhu cầu ăn uống của người dân ở các tỉnh thành thì Tp.HCM vẫn được xem là thị trường đầy tiềm năng là mạng lưới các quán ăn, nhà hàng. Đấy là chưa nói đến nhu cầu ăn uống của các hộ gia đình.