12:09 22/11/2022

“Nuốt trôi” đống cổ phiếu bán giá sàn, NVL được giải cứu?

Kim Phong

VN-Index tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến điểm số tiến triển chậm. Tuy vậy giao dịch rất tích cực với độ rộng áp đảo từ phía tăng, đặc biệt tâm điểm giao dịch ở NVL tạo ấn tượng mạnh, củng cố tâm lý chung khi những cổ phiếu tệ nhất thị trường đã được “trục vớt”...

Dù số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo, nhưng các trụ lớn lại "ra mặt" kiềm chế chỉ số rất rõ.
Dù số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo, nhưng các trụ lớn lại "ra mặt" kiềm chế chỉ số rất rõ.

VN-Index tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến điểm số tiến triển chậm. Tuy vậy giao dịch rất tích cực với độ rộng áp đảo từ phía tăng, đặc biệt tâm điểm giao dịch ở NVL tạo ấn tượng mạnh, củng cố tâm lý chung khi những cổ phiếu tệ nhất thị trường đã được “trục vớt”.

NVL bắt đầu có tiền lớn vào mua lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị khoảng 15 phút trước 11h. Gần 70 triệu cổ giao dịch giá sàn và quanh sàn trong khoảng thời gian ngắn và dư mua sàn hàng triệu đơn vị đã thu hút lượng lớn những nhà đầu cơ ăn theo.

Tổng thanh khoản của NVL sáng nay lên tới trên 112,9 triệu cổ, là mức cao kỷ lục. Lượng vốn giải cứu cổ phiếu này ước tính 2.893 tỷ đồng. Giá NVL từ mức sàn hồi lại còn giảm 4,95% so với tham chiếu. Như vậy sau 14,5 phiên sàn liên tục, giá bốc hơi 64% chỉ từ đầu tháng 10 cổ phiếu này mới được giải cứu.

Giao dịch ấn tượng của NVL cũng tác động nhất định đến PDR. Tuy vậy áp lực bán ở cổ phiếu này vẫn còn quá mạnh dù đã xuất hiện nỗ lực hấp thụ 34,3 triệu cổ bằng 549 tỷ đồng. Lượng dư bán sàn kết phiên sáng ở PDR vẫn còn 111,74 triệu cổ.

Giao dịch ở những mã như PDR, NVL rất được thị trường chú ý, vì đây là cú “quẫy” của những  “con cá voi”. Cần một lượng tiền khổng lồ mới có thể giải quyết được lượng cổ phiếu cần chuyển nhượng. Ví dụ sáng nay giao dịch của NVL đã tới gần 5,8% tổng khối lượng lưu hành của doanh nghiệp này. Các giao dịch như vậy không đơn thuần là cung cầu thị trường, mà có thể là một sự chuyển giao tài sản ở quy mô lớn.

NVL được giải cứu đã tác động tích cực nhất định đến thị trường, thậm chí tạo một nhịp tăng đầy hưng phấn. VN-Index leo lên 985,28 điểm lúc 10h50, tăng 2,56% so với tham chiếu, tương đương +24,6 điểm. Tuy nhiên sự suy yếu của nhiều cổ phiếu blue-chips sau đó đã kiềm chế chỉ số này. Kết phiên sáng VN-Index chỉ còn tăng 1,25 điểm, tương đương +0,13%.

VN-Index bị kéo xuống mạnh trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng nay.
VN-Index bị kéo xuống mạnh trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng nay.

Các cổ phiếu lớn đi ngược dòng kiềm hãm đà đi lên của chỉ số là VIC giảm 2,5%, BMC giảm 6,93%, VCB giảm 1,47%, MSN giảm 2,21%, VHM giảm 1,38%, HPG giảm 2,01% và dĩ nhiên cả NVL còn giảm 4,95%.

Hiện tượng các trụ giảm diễn ra rất nhanh trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng. Ví dụ MSN từ chỗ tăng 3,05% so với tham chiếu gần như rơi tự do trong một đợt xả chớp nhoáng, thậm chí giá thấp nhất lúc 11h28 bốc hơi tới 6,94%, tức là chạm sàn. VIC cũng đảo chiều từ tăng 2,97% thành giảm 2,97% đúng phút thứ hai trước khi nghỉ giao dịch. VCB đảo từ tăng 1,33% thanh giảm sâu nhất 2,53% trước khi nảy lên vài giá...

Các cổ phiếu vốn hóa lớn này một phần cũng do có đà tăng khá tích cực từ trước nên bị xả là bình thường. Tuy nhiên sức ép lên chỉ số quá mạnh, phần nào giúp hạ nhiệt tâm lý quá hưng phấn khi NVL được giải cứu. VN30-Index chốt phiên sáng chỉ còn tăng 0,15% dù khi đạt đỉnh đã tăng 2,96% so với tham chiếu.

Dù vậy, chỉ số có thể rất yếu, nhưng độ rộng lại tốt. VN-Index ghi nhận 335 mã tăng/95 mã giảm, với 36 mã kịch trần, 126 mã tăng từ 2% tới trên 6%, 48 mã khác tăng trong khoảng 1%-2%. Ngay VN30 độ rộng cũng là 20 mã tăng/10 mã giảm. Điều đáng tiếc là 10 cổ phiếu giảm này toàn các mã cực lớn.

Độ rộng cho thấy chỉ số không phản ánh đúng bức tranh giao dịch sáng nay. Biên độ tăng giá là tích cực và thanh khoản cũng rất cao. NVL khớp quá lớn 2.893 tỷ đồng, đẩy tổng giá trị khớp sàn HoSE lên 9.437 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với sáng hôm qua. Tuy nhiên kể cả khi trừ đi giao dịch của NVL (phiên trước NLV mất thanh khoản), thì giao dịch của HoSE vẫn tăng gần 72%. Nếu trừ luôn cả giao dịch của PDR, thanh khoản vẫn tăng 57%. Nói cách khác, tiền cũng chảy vào các cổ phiếu khác rất mạnh, không chỉ riêng với NVL, PDR.

Khối ngoại đảo chiều bán ròng khoảng 103,6 tỷ đồng trên sàn HoSE với tổng giá trị bán đạt 866,9 tỷ, mua vào 763,3 tỷ đồng. Bán nhiều là DGC -53 tỷ, HPG -48 tỷ, DXG -21,5 tỷ, STB -33,9 tỷ, GEX -25,9 tỷ, CTG -24,1 tỷ, DXG -21,5 tỷ, VND -20 tỷ. Phía mua có MBB +63,7 tỷ, VNM +39,1 tỷ.