11:04 22/11/2022

Các quỹ trái phiếu Việt Nam đã bị rút bao nhiêu tiền trong 2 tháng qua?

An Phong

Một con số thống kê được thực hiện bởi Techcom Capital cho thấy, từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một con số thống kê được thực hiện bởi Techcom Capital cho thấy, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, các quỹ trái phiếu trên thế giới ghi nhận rút ròng với tổng giá trị là 175 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Tính riêng các thị trường mới nổi, giá trị rút ròng đã chạm mức 70 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay.

QUỸ TRÁI PHIẾU BỊ RÚT RÒNG 10.000 TỶ ĐỒNG TRONG 2 THÁNG

Riêng tại Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng. Tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%.

Trong đó, quỹ trái phiếu SSIAM bị rút ròng nhiều nhất 67,7% từ 1.457 tỷ đồng xuống chỉ còn 471 tỷ đồng. Đứng thứ hai là quỹ MB Capital bị rút ròng 60,8% tương ứng giảm từ 2.491 tỷ đồng xuống còn 977 tỷ đồng. Đứng thứ ba là quỹ DCIP của Dragon Capital bị rút ròng 46,6% từ 1.022 tỷ đồng xuống còn 546 tỷ đồng.

Đứng thứ tư là TCBF của Techcom Capital bị rút 31,8% từ 19.983 tỷ đồng xuống còn 13.623 tỷ đồng. Đứng thứ năm là DCBF của Dragon Capital bị rút 23,8% tương ứng giảm từ 817 tỷ đồng xuống còn 623 tỷ đồng.

Một số quỹ khác cũng bị rút ròng mạnh trong vòng 2 tháng qua gồm quỹ ABBF của An Bình Capital bị rút 23,1%; VFF của VinaCapital bị rút 8,5% từ 1.192 tỷ đồng còn 1.090 tỷ đồng...

Techcom Capital lưu ý rằng rút ròng quá nhiều sẽ hạn chế khả năng đáp ứng tiền mặt của các quỹ, hay các hoạt động tái cân bằng danh mục và tận dụng các cơ hội từ thị trường. Do đó, việc tạm thời hạn chế mua lại chứng chỉ quỹ thường để nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của các nhà đầu tư.

Trong lịch sử, hành động hạn chế mua lại chứng chỉ quỹ này là không hiếm. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007– 2008 đã chứng kiến sự gia tăng đột biến việc các quỹ đầu tư ngừng mua lại chứng chỉ quỹ, do khủng hoảng tín dụng đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các quỹ phòng hộ và các phương tiện đầu tư khác.

Nửa đầu năm 2020, theo Fitch Ratings, hàng trăm Quỹ mở (“Mutual Fund) chiếm khoảng 62 tỷ đô la Mỹ giá trị tài sản quản lý (AUM) trên toàn cầu đã tạm dừng việc mua lại chứng chỉ quỹ trong bối cảnh căng thẳng thị trường do COVID19 gây ra.

Trong số các công ty quản lý quỹ đã từng tạm dừng mua lại chứng chỉ quỹ trong quá khứ, có cả những cái tên lớn và có lịch sử phát triển lâu dài như M&G Investments, Columbia Threadneedle, BNP Paribas, Blackrock…

CÁC QUỸ NÊN LÀM GÌ ĐỂ HẠN CHẾ BỊ RÚT VỐN?

Bình luận về tình hình thị trường trái phiếu nói chung trong thời gian qua, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư IPA AM thuộc VnDirect, cho rằng  thanh khoản trên thị trường trái phiếu có phần bị sụt giảm do hiệu ứng tâm lý khi khởi tố tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Xét tỷ lệ quy mô trái phiếu trên GDP, quy mô thị trường trái phiếu của chúng ta còn rất rất nhiều tiềm năng phát triển khi hiện nay mới là 17% GDP trong khi quy mô ở Maylaysia lên tới 57% GDP, các thị trường khu vực đều trên 25% GDP.

Thực sự đây là kênh rất hấp dẫn để huy động nguồn vốn trong dân một các hiệu quả. Vấn đề duy nhất là khi thị trường trái phiếu tương đối non trẻ thì những bước đi chập chững đầu tiên cần được dìu dắt và nâng đỡ rất kỹ càng của cơ quan quản lý.

"Động thái của cơ quan quản lý là có thể tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường như có các quỹ tham gia thị trường để hỗ trợ cho nhà đầu tư giai đoạn này. Đây có thể là một biện pháp rất tốt trên thị trường vốn của chúng ta", ông Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối phát triển kinh doanh PVI AM, có nhiều giải pháp, nhưng giải pháp tốt nhất hiện nay là các chủ thể đầu tư trên thị trường bao gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành phải ngồi lại cùng với nhau, nhận diện thực chất vấn đề, khi đó, hiện tượng rút vốn sẽ được hạn chế một phần khi thông tin được minh bạch.

Các quỹ đầu tư có hiện tượng bị rút vốn nên làm talkshow với nhà đầu tư và có thể giãn tiến độ rút vốn vì không một tổ chức nào khi bị rút vốn ồ ạt, kể cả ngân hàng có thể đỡ được thanh khoản trong hiện tại.

"Chúng tôi đã làm việc với một số quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán, biết họ đều nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu khi có hiện tượng rút vốn hoặc bán tài sản của nhà đầu tư cá nhân. Do đó, chúng ta phải bình tĩnh lại, ngồi lại cùng nhau, có thể có các biện pháp để giãn kế hoạch thanh toán, để làm sao thị trường có thể phát triển một cách ổn định và bền vững, tránh việc bán tháo các tài sản mà giá trị có thể cao hơn rất nhiều và nhà đầu tư càng bán tháo thì nhà đầu tư càng lỗ nhiều", ông Cường nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Cường, ở thị trường quốc tế thường lập ra các quỹ bình ổn trái phiếu, nhưng đối với Việt Nam, quỹ như vậy chưa có trên thị trường, chưa có cơ quan quản lý nào hay một tổ chức nào đứng ra để thành lập các quỹ này.

Ông Cường kiến nghị nên nghiên cứu dần các mô hình có thể áp dụng trong tương lai để làm sao thị trường có kênh thanh khoản tốt khi gặp các biến động lớn trên thị trường.

Quan trọng không kém là tính minh bạch của thông tin là cần thiết, các cơ quan quản lý sẽ là người ra các thông tin chính thống trên thị trường, đồng nghĩa các nhà phát hành phải có thông tin chính thống để nhà đầu tư có thể an tâm hơn, qua đó mới có sự phát triển bền vững được. Khi niềm tin đã quay trở lại thì mọi thứ sẽ quay trở lại.