10:13 15/11/2010

Ồ ạt tăng lãi suất khoản vay đầu tư chứng khoán

Nguyễn Hoàng

Hàng loạt công ty chứng khoán bắt đầu rục rịch tăng lãi suất khoản vay hỗ trợ đầu tư khiến chi phí vốn vào thị trường ngày càng cao hơn

Dòng tiền đang "đôn đáo" tìm nơi có tỉ suất lợi nhuận cao, an toàn và kênh chứng khoán đang trong thế yếu
Dòng tiền đang "đôn đáo" tìm nơi có tỉ suất lợi nhuận cao, an toàn và kênh chứng khoán đang trong thế yếu
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản lên 9%, hàng loạt công ty chứng khoán cũng thông báo điều chỉnh lãi suất cho các dịch vụ hỗ trợ vốn với nhà đầu tư. Ảnh hưởng của lãi suất tới thị trường ngày càng rõ.

Anh Hùng, một nhà đầu tư có tài khoản tại cả Công ty Chứng khoán SME và Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) cho biết vừa nhận được thông báo điều chỉnh tăng lãi suất hỗ trợ vốn với các dịch vụ đầu tư tại hai sàn này.

Theo đó, SME từ ngày 11/11 đã nâng mức lãi suất ứng trước tiền bán chứng khoán lên 19%/năm. Trước đó, từ ngày 17/6/2010, SME chỉ áp dụng mức phí dịch vụ này là 0,045%, tương đương 1,35%/tháng (16,2%/năm). Theo anh Hùng, mức tăng là khá cao. 

Hồi cuối tháng 3/2010, SME đã từng áp dụng mức lãi suất ứng trước tiền bán tới 0,05%/ngày (1,5%/tháng), tương đương 18%/năm. Như vậy đợt tăng lãi suất này còn cao hơn cả đầu năm 2010.

Trường hợp tương tự với VNDS, lãi suất dịch vụ hỗ trợ vốn của công ty này từ hôm nay (15/11) sẽ tăng lên mức 0,053%/ngày, tương đương 1,59%/tháng. Giữ tháng 5/2010, VNDS chỉ áp dụng lãi suất 0,048%/ngày (1,44%/tháng). Trước thời điểm này, VNDS áp dụng lãi suất 0,05%/ngày cho tất cả các dịch vụ hỗ trợ vốn, trừ dịch vụ cầm cố. Như vậy lần tăng mới nhất cũng cao hơn cả thời kỳ đầu năm 2010.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từ hôm nay cũng áp dụng cách tính phí ứng trước mới căn cứ theo thời gian. Phí ứng trước hiện đang áp dụng là 0,045%/ngày. Lãi suất này đã được tăng lên từ mức 0,04% ngày đầu tháng 11. Ngoài ra VDSC nâng lãi suất tư vấn đầu tư và tài trợ giao dịch chứng khoán từ 0,048%/ngày lên thành 0,05%/ngày. Dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán từ đầu tháng này cũng đã được nâng lên 0,048%/ngày, thay vì mức 0,045%/ngày.

Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) đến nay vẫn áp dụng mức lãi suất dịch vụ tài chính 0,045%/ngày từ 1/9/2010 đến nay và chưa có thông báo mới. Trước thời điểm này TLS cũng áp dụng mức lãi suất 0,05%/tháng. Tuy nhiên hôm 11/11 vừa qua TLS cũng thông báo thay đổi mức thu nhập cho khoản tiền hợp tác kinh doanh chứng khoán.

Mặc dù chưa thể thống kê hết nhưng việc thay đổi lãi suất các dịch vụ hỗ trợ tài chính của các công ty chứng khoán là điều có thể nhìn thấy trước, ngay từ khi lãi suất cơ bản được nâng lên. Đây cũng là khoản đóng góp lớn trong lợi nhuận của các công ty khi hoạt động chính, trong đó đặc biệt là tự doanh sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, hiệu ứng ngược cũng có thể xảy ra. Khi thị trường đang khá yếu và lãi suất tăng cao, nhu cầu mua của nhà đầu tư sẽ hạn chế vì rủi ro lớn trong khi phải đạt tỉ suất lợi nhuận cao hơn để bù mức lãi suất mới.

Tuần qua, thị trường đón nhận ồ ạt các thông tin lãi suất huy động và cho vay tăng vọt từ phía ngân hàng. Mặc dù đã có thông tin biến động đó chỉ là hiệu ứng tâm lý nhưng chính hiệu ứng này mới đáng lo đối với thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, lĩnh vực đầu tư chứng khoán nói riêng và lĩnh vực phi sản xuất nói chung chắc chắn khó được khuyến khích trong bối cảnh thiếu vốn như hiện tại. Ngân hàng nhà nước thậm chí còn yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh cơ cấu tín dụng của ba lĩnh vực chứng khoán - bất động sản - tiêu dùng, đặc biệt là dư nợ bất động sản và tiêu dùng. 

Thứ hai, hiện tượng mặc cả lãi suất tiền gửi đang tái diễn và đến lúc nào mới ổn định trở lại là điều không thể đoán trước. Chứng khoán luôn sợ những gì nằm ngoài tầm kiểm soát, hay nói đúng hơn là không thể dự đoán được. Khả năng mặc cả lãi suất thành công thường là với các tổ chức hoặc nhà đầu tư lắm tiền. Đó lại là các “tay chơi” chủ đạo trên thị trường. Lãi suất tăng cũng giống như trong quá khứ, chưa hẳn là để tăng huy động mà mới là giải pháp để giữ nguồn vốn đang gửi khỏi chạy qua các ngân hàng khác. 

Thứ ba, sự bình ổn nếu có cũng ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí vốn của dòng tiền trên thị trường. Ngay với doanh nghiệp niêm yết, lãi suất vay cao đúng vào vụ cao điểm cuối năm sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Mặc dù doanh nghiệp có thể “gỡ gạc” đôi chút nhờ kết quả hoạt động các quý trước hoặc dùng thủ thuật phân bổ tài chính nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Câu hỏi lớn nhất là liệu mức lãi suất cao như hiện tại được duy trì đến khi nào?