Ông Biden gửi lời chào ông Kim Jong Un giữa lúc Triều Tiên bị nghi sắp thử hạt nhân
Thông điệp của ông Biden phản ánh phương pháp tiếp cận mờ nhạt của chính quyền Mỹ hiện nay với căng thẳng chưa được tháo gỡ trong mối quan hệ với Triều Tiên...
Trước khi rời Seoul lên đường thăm Nhật Bản trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden gửi đi một thông điệp đơn giản đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: “Xin chào… chấm hết”.
Theo tin từ Reuters, thông điệp trên được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra trong một cuộc họp báo vào hôm Chủ nhật, ngày cuối cùng của chuyến thăm Hàn Quốc. Ông nói ông “không lo lắng” về một vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên, mà nếu có sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này sau gần 5 năm.
Câu trả lời đơn giản của ông Biden - khi được hỏi ông có thông điệp gì dành cho ông Kim - phản ánh phương pháp tiếp cận mờ nhạt của chính quyền Mỹ hiện nay với căng thẳng chưa được tháo gỡ trong mối quan hệ với Triều Tiên. Đó là một sự đối lập gay gắt với cách tiếp cận của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, người đã có hàng loạt cảnh báo cứng rắn, các cuộc gặp thượng đỉnh, và cả những lá thư được đánh giá là “nồng ấm” với ông Kim Jong Un.
Tuy nhiên, cả ông Biden và ông Trump đều chưa đạt được một bước đột phá lớn nào trong vấn đề Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng gần đân đã nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Các thông tin tình báo cũng cho thấy nước này đang chuẩn bị cho một vụ thử vũ khí hạt nhân mới.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ việc gì Triều Tiên làm”, ông Biden nói.
Trước đó một ngày, ông Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhất trí xem xét các cuộc tập trận quân sự lớn hơn và có thể triển khai vũ khí Mỹ có năng lực hạt nhân tới khu vực để răn đe các vụ thử vũ khí của Triều Tiên.
Cũng vào hôm thứ Bảy, ông Biden cho biết Triều Tiên chưa có phản ứng gì với những động thái thiện chí của Mỹ, bao gồm đề xuất cung cấp vaccine Covid-19. Ông cũng nói ông sẵn sàng gặp ông Kim Jong Un nếu việc đó sẽ dẫn tới một đột phá nghiêm túc trong quan hệ Mỹ-Triều.
Các hạn chế chống Covid-19 đang được triển khai có thể là một nguyên nhân khiến Triều Tiên chưa đưa ra câu trả lời – theo một quan chức cấp cao của Mỹ. Trước đây, Triều Tiên luôn cho rằng các động thái “chìa tay ra” của Mỹ đối với Bình Nhưỡng là không chân thành vì Washington vẫn có “những chính sách thù địch” như tập trận quân sự với Hàn Quốc và trừng phạt kinh tế Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu ông Biden có sẵn sàng có những bước đi cụ thể để “phá băng” thế bế tắc trong quan hệ với Triều Tiên, vị quan chức nói rằng chính quyền ông Biden đang xem xét để có sự tương tác nghiêm túc với Triều Tiên, nhưng chưa tính đến một động thái lớn nào.
“Đây là một quyết định mà chỉ Triều Tiên có thể đưa ra”, vị quan chức nói với Reuters.
Mục tiêu của ông Biden trong chuyến công du châu Á lần này là tập hợp sự ủng hộ đối với Mỹ từ các nước đồng minh và đối tác, như một phần trong nỗ lực nhằm tạo đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc và gia tăng sức ép với Nga trong vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine.
Sau khi thăm Hàn Quốc, ông Biden sẽ thăm Nhật Bản và tại Tokyo, ông sẽ cùng lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia dự hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ tứ” (Quad) - một “hòn đá tảng” khác trong chiến lược của ông Biden nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Trung Quốc.
Ngày thứ Hai tại Tokyo, ông Biden sẽ công bố khởi động Khuôn khổ Thịnh vượng kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), một chương trình nhằm gắt kết chặt chẽ hơn nữa các quốc gia trong khu vực thông qua tiêu chuẩn chung trong những lĩnh vực gồm ổn định chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và thương mại kỹ thuật số.
Vị quan chức Mỹ từ chối tiết lộ những quốc gia có thể sớm gia nhập IPEF, nhưng nói rằng Mỹ hài lòng khi chứng kiến “mức độ quan tâm rất lớn” trong khu vực đối với việc tham gia vào khuôn khổ này.