Phát hiện ca Covid đầu tiên, Triều Tiên phong tỏa toàn quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 11/5 ra lệnh phong tỏa tất cả các thành phố trên cả nước sau khi quốc gia này phát hiện ca nhiễm Covid đầu tiên trong cộng đồng...
“Đã xảy ra tình huống nghiêm trọng do sự xâm nhập của biến chủng Omicron tàng hình trong lãnh thổ Triều Tiên”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin.
Hãng này cũng cho biết tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) có sự tham dự của ông Kim Jong Un, nhà chức trách này đã nâng cấp độ kiểm soát dịch bệnh toàn quốc lên mức “khẩn cấp tối đa” để “ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus nguy hiểm”.
Trước đó, Triều Tiên từng phủ nhận việc có ca nhiễm Covid-19 trong nước – động thái vấp phải sự hoài nghi của các chuyên gia ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Theo truyền thông quốc tế, Triều Tiên cũng không muốn nhận các loại vaccine từ quốc tế. Nhiều lô vaccine dự kiến được chuyển đến nước này đã bị trì hoãn do Bình Nhưỡng không sẵn sàng tuân thủ các quy định của COVAX – cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn với mục tiêu phân phối vaccine công bằng tới tất cả quốc gia trên thế giới.
Hồi tháng 8/2020, Triều Tiên cho biết đang thúc đẩy việc phát triển một loại vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có nhiều thông tin về loại vaccine này được nhắc tới. Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 nếu bùng phát ở Triều Tiên sẽ có sức tàn phá lớn do hệ thống y tế yếu kém cùng với khả năng người dân chưa được tiêm vaccine. Một báo cáo của Liên hợp quốc mới đây cho biết Triều Tiên và Eritrea là hai quốc gia duy nhất trên thế giới chưa tiêm vaccine toàn dân.
“Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt phong tỏa giống như Trung Quốc lúc này bởi họ không có thuốc điều trị và người dân chưa được tiêm vaccine”, Lee Sang-keun, giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc - cơ quan liên kết với cơ quan tình báo Hàn Quốc - nhận xét.
Ở góc độ khoa học, một đợt bùng phát như vậy ở Triều Tiên cũng có thể giúp tìm câu trả lời cho câu hỏi cấp bách về mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron với khả năng lây nhiễm cao hiện đang lưu hành khắp thế giới, dù Bình Nhưỡng có thể không cho phép quan chức y tế nước ngoài vào nước này. Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, nước này hoàn toàn đóng cửa biên giới với người nước ngoài.
Giới khoa học hiện vẫn đang tranh cãi về việc liệu Omicron có ít nguy hiểm hơn so với virus ban đầu được phát biện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 hay không. Cũng chưa có quan điểm thống nhất về việc liệu tiêm vaccine và miễn dịch tự nhiên nhờ từng nhiễm bệnh có giúp giảm tác động của virus hay không.
Theo các nhà phân tích, những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt thời gian qua đã khiến tình hình kinh tế Triều Tiên thêm tồi tệ, đặc biệt là việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất – hơn 2 năm trước. Cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế, những biện pháp này càng khiến nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng.
“Cực kỳ bất thường khi Triều Tiên có cuộc họp vào buổi sáng, và sau đó thông báo kết quả cuộc họp ngay lập tức thông qua phương tiện truyền thông nhà nước”, giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận xét khi nói về cuộc họp có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở trên. “Đây có thể là một thông điệp gián tiếp rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong vấn đề Covid-19".
Theo ông Yang, điều này có thể bao gồm việc tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo từ Hàn Quốc, Mỹ và sau cùng có thể thúc đẩy việc nối lại đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Phản ứng trước thông tin về tình hình Covid ở Triều Tiên, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng, nhưng không cung cấp chi tiết.
Trong cuộc họp của Đảng WPK, báo cáo cho thấy nước này đã phát hiện biến chủng Omicron từ các mẫu bệnh phẩm thu thập từ một nhóm người tại Bình Nhưỡng vào hôm 8/5, KCNA cho biết.
Theo ông Lee của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, có nhiều tuyến đường để Covid-19 có thể xâm nhập vào Triều Tiên, trong đó có tuyến vận tải đường sắt Triều Tiên-Trung Quốc dù gần đây đã dừng hoạt động khi Bắc Kinh phong tảo thành phố biên giới Đan Đông.
“Có cả tuyến cảng biển Nampo nữa. Và dù cố gắng nhưng nước này cũng không thể kiểm soát 100% hoạt động buôn lậu”, ông Lee nói và cho biết thêm về một số tuyến sông dọc biên giới khá nông nên nhiều người có thể đi bộ qua.
Còn theo ông Yang của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, dịch bệnh bùng phát có thể ảnh hưởng tới nỗ lực thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Không loại trừ hoàn toàn khả năng Triều Tiên hoãn vụ thử hạt nhân đã lên kế hoạch vì dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu nỗi lo sợ lan rộng trong cộng đồng, quan chức Bình Nhưỡng có thể giữ lập trường cứng rắn hơn và tiến hành nhiều hành động khiêu khích hơn để chuyển sự chú ý của người dân khỏi vấn đề dịch bệnh”.