"Ông lớn" đường sắt đặt mục tiêu thoát lỗ ngay trong năm 2023
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản xin ý kiến về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đề án này, "ông lớn" đường sắt phấn đấu thoát lỗ năm 2023 và thoái vốn tại nhiều công ty...
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành xin ý kiến về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ THOÁT LỖ
Theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, đề án đã nhận diện, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, một số tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm... trên cơ sở đánh giá toàn diện công tác cơ cấu lại của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2016-2020 bao gồm: tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác an toàn, an ninh quốc phòng, đầu tư phát triển, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Cùng đó là kết quả cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên các mặt: cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; phương án sử dụng, sắp xếp nhà đất; xây dựng Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2016-2020; tình hình cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp và điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu lại nhân sự.
Đồng thời, đề án đã đề ra mục tiêu, kế hoạch đối với công tác cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 theo hướng đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển tổng công ty bền vững và từng bước hiện đại.
Cùng với đó, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do cấp có thẩm quyền giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống người lao động.
"Trong năm 2023 đưa tổng công thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước có lãi bù đắp khoản lỗ lũy kế của các năm trước", đề án nêu rõ.
Năm vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo đó, doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm; giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021, riêng hoạt động kinh doanh vận tải có nhiều khởi sắc và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn còn lỗ khoảng 130 tỷ đồng.
ĐẨY MẠNH THOÁI VỐN, DỨT KHOÁT XỬ LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUA LỖ
Về phương án tổ chức bộ máy quản lý, cơ cấu lại nhân sự, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh việc tổng công ty và các công ty con xác định tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, không dàn trải và dứt khoát xử lý các đơn vị, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.
Với mục tiêu này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất không tiến hành cổ phần hóa đơn vị nào trong giai đoạn này nhưng tiến hành thoái vốn, cơ cấu lại các công ty cổ phần, công ty liên kết có vốn góp của tổng công ty.
Theo đó, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ trở lên tại 5 công ty cổ phần; Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 20 công ty cổ phần; Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 16 công ty cổ phần, trong đó duy trì vốn điều lệ nhà nước tại 3 đơn vị, còn lại thoái toàn bộ vốn của 13 đơn vị.
"Tổng công ty định hướng và kiến nghị phương án cơ cấu lại các công cổ phần theo hướng hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải đường sắt", đề án nêu rõ.
Cùng với đó, tổng công ty giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%. Giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp của Tổng công ty nắm giữ mức cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 Công ty cổ phần Đường sắt và 5 Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt.
Không thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ là 51%, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang là 44,44% và Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt là 18,45%.
Song song là tổng công ty thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 13 công ty cổ phần theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Chưa thực hiện thoái vốn đối với các công ty liên kết: Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.
Tổng công ty cũng sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay. Bên cạnh đó, thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và Dịch vụ.
Như vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định là công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2022-2025 và tiếp tục duy trì ngành nghề chính là: quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia.
Với việc triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại như phương án đề xuất sẽ thu gọn một đầu mối quản lý, tinh giảm lao động; tối thiểu hóa chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tập trung sức mạnh để gia tăng cạnh tranh với bên ngoài và tăng hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp.